Nắng tháng Chạp, chỉ cần nhắc đến thôi, trong tôi đã hiện lên đầy đủ bức tranh của ngày giáp tết. Bên cạnh bánh tráng, bánh in, từ những khoảnh đất trống hay dọc theo con đường dưới rặng tre quanh làng, mớ củ kiệu, củ hành, củ cải… được phơi la liệt. Mùi hương củ kiệu hòa với mùi nắng ngày cuối năm, thơm nồng tết quê.
Thật ra, việc trồng kiệu kéo dài ba đến bốn tháng, có nơi làm đất trồng kiệu từ khi đám trẻ con trong nhà bắt đầu năm học mới. Đất được cày xới thật kỹ rồi đắp thành nhiều luống, xong, củ kiệu giống được mang ra trồng.
Từng củ kiệu được thả nằm gọn gàng trong lỗ đất nhỏ vừa được ngón tay người trồng bấm xuống lớp đất xốp mịn. Một lớp rơm được phủ lên để giữ ẩm kiệu giống rồi tỉ mỉ tưới một lớp nước nhẹ để cho kiệu giống có đủ độ ẩm nảy mầm. Những ngày tháng kế tiếp, người nông dân trải qua nhiều công đoạn nhổ cỏ, bón phân, tưới nước, bắt sâu rầy…
Và không phụ công chăm sóc, nâng niu, chỉ hơn một tháng, từng luống kiệu trải dài màu xanh non mơn mởn. Mùa thu hoạch củ kiệu vào cuối Chạp, đầu Giêng. Bọn trẻ chúng tôi háo hức thức dậy sớm khi người lớn chuẩn bị ra đồng để nhổ kiệu mang đi bán.
Từng cây kiệu được nhổ lên khỏi lớp đất, phơi ra những củ tròn căng, mùi thơm nồng lan tỏa. Cả niềm vui, ước vọng của mỗi gia đình có lẽ dồn hết lại vào mùa kiệu, khi các bà, các chị khệ nệ gánh củ kiệu ra chợ rồi cắp nách bó lá dong xanh rờn, thêm ống giang chẻ lạt về lục đục chuẩn bị gói bánh, làm nem.
Riêng mẹ tôi, góc bếp ngày tết của mẹ lúc nào cũng trữ củ kiệu. Ngày xuân thơ ấu của tôi thường ấm nồng hương kiệu với những món dân dã như củ kiệu xào lòng gà, xào thịt bò. Món chính vẫn là dưa củ kiệu. Món này người dân từ thành thị đến nông thôn đều không thể thiếu trong tết nhứt.
Dưa củ kiệu thường được mẹ bày ra đãi khách cùng với các loại bánh chưng, bánh tét, thịt heo xíu. Tôi thích nhất món củ kiệu xào thịt ba chỉ. Từng lát thịt mặn mà lẫn với hương củ kiệu hòa quyện trong chén cơm gạo dẻo thơm ngày đầu năm ngon đến khó tả.
Củ kiệu xào thịt tuy dễ chế biến nhưng đòi hỏi ở người nội trợ sự tỉ mỉ, khéo léo. Khâu chuẩn bị nguyên liệu khá quan trọng, quyết định chất lượng cũng như thẩm mỹ món ăn. Củ kiệu được má tỉ mẩn cắt bỏ rễ và lá, chỉ lấy phần giữa. Rửa kiệu nhiều lần trong nước sạch, để ráo. Củ nhỏ để nguyên đập dập, củ lớn chẻ nhỏ.
Công đoạn xắt thịt cũng là một “nghệ thuật”, thịt cần xắt không quá mỏng cũng không đến mức dày. Thịt xắt xong, má cho ít gia vị như muối, tiêu, đường, hành, tỏi băm nhỏ và một tí nước mắm, để thịt thấm gia vị chừng mười lăm phút. Tiếp tục phi tỏi, hành thật thơm, cho thịt vào xào, đảo nhanh tay vài lần rồi thêm củ kiệu. Đợi gia vị và vị ngọt của thịt thấm vào từng sợi kiệu, má nêm lại, rắc tiêu và vài lát ớt trước khi tắt bếp.
Tôi không thể nào quên món thịt xào củ kiệu săn chắc và không kém phần mỡ màng, mềm mại của thịt heo nhưng trên hết là tổng thể vị ngọt mặn thanh thanh, vị cay dịu của kiệu cùng với cảm giác ngon miệng khi được ăn ngay tại bếp nhà. Các món từ củ kiệu dân dã như tình tết quê không bao giờ phai.