Thôn nghèo dưới chân Hòn Kẽm

VĨNH YÊN 01/04/2014 09:22

Nằm dưới chân Hòn Kẽm - Đá Dừng, bao năm qua, thôn Tứ Nhũ, xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, không chỉ được biết đến bởi sự bao bọc của thế núi hình sông, mà còn bị phủ trùm bởi câu chuyện nghèo khó và ước mơ về một cây cầu...

Cách trở đò giang là một trong những nguyên nhân khiến người dân thôn Tứ Nhũ phải sống chung với khó nghèo. Ảnh: VĨNH YÊN
Cách trở đò giang là một trong những nguyên nhân khiến người dân thôn Tứ Nhũ phải sống chung với khó nghèo. Ảnh: VĨNH YÊN

Thôn nghèo

Thôn Tứ Nhũ nằm ngay dưới chân của thắng cảnh Hòn Kẽm - Đá Dừng, sau lưng bị chặn đứng bởi 4 ngọn núi, trước mặt là sông Thu Bồn giăng chắn. Non nước này là vùng thắng cảnh hữu tình, là điểm đến trên bản đồ du lịch, nhưng Tứ Nhũ bao năm qua vẫn trong vòng nghèo khó. Để đến được thôn, chỉ có cách duy nhất: đi đò.

Ở bến sông lên thôn, chúng tôi gặp ông Đoàn Văn Nhỏ (53 tuổi) đang chuyển gạch từ dưới ghe lên bãi, chuẩn bị vật liệu để làm nhà. Như chờ người lắng nghe để kể khổ, ông than: “Mấy chú thấy đó, làm cái nhà ở chỗ ni có đơn giản mô. Vật liệu phải chuyển qua chuyển lại mấy lần. Vừa tốn công, vừa tốn tiền thuê ghe, thuê người bốc vác”. Ông Nhỏ cho biết, người dân trong thôn muốn làm nhà, phải xuống đại lý dưới huyện mua vật liệu rồi thuê ghe chở ngược dòng sông Thu Bồn lên bãi bồi bến Tứ Nhũ. Từ dưới ghe, phải thuê người bốc vật liệu tập kết trên bãi bồi, rồi lại phải thuê người, xe bò chuyển vào thôn. “Sống ở đây, đi chợ còn khó, huống chi là đau ốm thất thường, hay lỡ bị rắn cắn thì chỉ có cách cầu trời” - ông Nhỏ nói.

Ông Huỳnh Văn Phúc - Trưởng thôn Tứ Nhũ cho biết: “Tứ Nhũ địa thế cách trở, hoàn toàn cách biệt với các thôn khác nên điều kiện giao thông đi lại của người dân hết sức khó khăn. Do chỉ có thể ra ngoài bằng đường thủy nên đến mùa mưa lũ là thôn bị cô lập hoàn toàn”. Ông Phúc cho hay, theo kết quả điều tra khảo sát năm 2013, thôn có 161 hộ, 724 nhân khẩu; trong đó có 100 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo (577 nhân khẩu). Thôn có tổng diện tích đất nông nghiệp hơn 28ha, chủ yếu làm lúa và bắp, nhưng do điều kiện tưới tiêu chưa đáp ứng nên hiệu quả kinh tế không cao. Thôn hiện có 3 hồ chứa nước phục vụ tưới cho các cánh đồng, thế nhưng các hồ đập đã xuống cấp nghiêm trọng, chỉ mới đầu mùa khô mà các hồ chứa không đủ nước tưới. Giao thông cách trở, sản xuất nông nghiệp bấp bênh, kinh tế không phát triển khiến đời sống nhân dân nơi đây luôn trong cảnh khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 4,5 triệu đồng/năm. Cũng theo ông Phúc, có tới 45 hộ trong thôn bỏ quê đi làm ăn xa với hy vọng thoát khỏi cái vòng nghèo khó đeo bám và đến nay chưa thấy ai quay về.

Sang sông, lụy đò

Một trong những khát khao của người dân nghèo thôn Tứ Nhũ là có được cây cầu bắc qua thôn Thạch Bích để thông thương với bên ngoài. “Có cây cầu để lưu thông hàng hóa, các cháu học sinh an toàn khi đến trường; đưa người già, trẻ nhỏ đi khám bệnh cũng dễ dàng. Nếu có cây cầu, đời sống của người dân nhất định sẽ được nâng cao” - ông Phúc nói.

Để làm nhà, người dân thôn Tứ Nhũ phải qua nhiều lần trung chuyển vật liệu xây dựng, vừa tốn công sức vừa thêm nhiều chi phí.
Để làm nhà, người dân thôn Tứ Nhũ phải qua nhiều lần trung chuyển vật liệu xây dựng, vừa tốn công sức vừa thêm nhiều chi phí.

Năm 2000, để tạm thời giúp bà con giải quyết khó khăn, Báo Thanh niên tặng Tứ Nhũ một chiếc thuyền máy dùng để qua sông, nhưng đến nay con thuyền đã hư hỏng, không còn dùng được nữa. Học sinh và người dân Tứ Nhũ bây giờ đi lại qua sông phải phụ thuộc vào hai con đò ngang chở khách. Cũng vì cách trở đò ngang lại thêm điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên nhiều học sinh ở thôn Tứ Nhũ không được học hành đến nơi đến chốn. Ông Trần Văn Sang - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Lâm cho biết, thôn Tứ Nhũ có 95 học sinh tiểu học, 65 học sinh THCS. Để đến trường, mỗi ngày các em phải đi đò sang thôn Thạch Bích bên kia sông. Vào mùa lũ, học sinh trong thôn phải nghỉ học cả tháng nên không theo kịp chương trình. Hằng năm, có khoảng 50% số học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT vì muốn đi học phải ra huyện ở trọ, mà nhiều em điều kiện không cho phép nên đành dở dang việc học.

Ông Phạm Phú Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn nói: “Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, huyện đã có quy hoạch đường giao thông nối các tuyến liên xã liên thôn trên toàn huyện, trong đó có đoạn nối thôn Tứ Nhũ với trung tâm văn hóa xã. Nhưng nguồn kinh phí của huyện có hạn, trong khi để nối tuyến với thôn Tứ Nhũ phải có cầu bắc ngang qua sông Thu Bồn đoạn Thạch Bích - Tứ Nhũ”. Ông Thủy còn cho biết, ngoài phát triển nông nghiệp, Nông Sơn chủ trương lấy cây cao su đại điền và tiểu điền cùng các loại cây lâm nghiệp khác như bời lời đỏ, keo... làm cây chủ lực phát triển kinh tế địa phương. Trong đó, ngoài các ngồn vốn hỗ trợ của các cấp, UBND huyện kêu gọi nhân dân phát huy tinh thần, chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới. Nói trên mặt bằng chung là như vậy, nhưng đối với thôn Tứ Nhũ thì rất khó. Chính quyền và nhân dân đồng lòng, nhưng chừng nào bài toán giao thông chưa thể giải quyết thì con đường giảm nghèo bền vững vẫn chưa thể thông suốt. Xã nghèo Quế Lâm nói chung và thôn Tứ Nhũ nói riêng đang rất cần sự hỗ trợ từ các cấp, ngành và toàn xã hội để vượt qua khó khăn, nhân dân ổn định đời sống, vươn lên phát triển kinh tế.

VĨNH YÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thôn nghèo dưới chân Hòn Kẽm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO