(QNO) - Một mùa xuân mới nữa lại về, những mong đợi khơi thông dòng sông Cổ Cò vẫn chưa thể thành hiện thực.
Năm 2022 với khối lượng nạo vét luồng toàn tuyến sông Cổ Cò đạt hơn 70% nhưng thời điểm này dòng sông vẫn đang bị ách tắc ở một vài khu vực.
Ngoài cầu Nguyễn Duy Hiệu đã thông xe thì một số hạng mục của dự án vẫn đang dang dở. Cầu Nghĩa Tự chưa thể thi công do vướng mặt bằng. Việc nạo vét luồng một số đoạn qua các phường Điện Dương, Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) chưa hoàn thành.
Cuối năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh bổ sung là 850 tỷ đồng. Trong đó mở rộng, bổ sung một số hạng mục để phù hợp với thực trạng, tầm vóc của dòng sông.
Nhìn từ trên cao, sông Cổ Cò uốn lượn đẹp mơ màng qua nhiều ruộng lúa, rừng dừa, triền cát trắng… Dù hai bên bờ sông Cổ Cò san sát nhà ở, các dự án phát triển đô thị mọc lên, nhưng dưới sông thi thoảng vẫn bắt gặp cảnh ngư dân quăng chài khai thác thủy sản cũng như sắc màu tươi tắn của những biền bãi hoa màu.
Sông Cổ Cò chảy qua hai đô thị du lịch Đà Nẵng và Hội An, chứa đựng giá trị to lớn về văn hóa - lịch sử được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá cho liên kết du lịch khu vực nói riêng cũng như động lực mới phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương nói chung.
Hai bên bờ sông hiện có nhiều dự án du lịch - dịch vụ quy mô lớn đã và đang hoàn thiện. Nép mình bên dòng Cổ Cò còn có một số điểm đến đặc sắc tồn tại qua hàng trăm năm như làng rau Trà Quế (Hội An), di tích Chợ Cầu (Điện Bàn)…
Khơi dòng Cổ Cò không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và nhân văn sâu sắc. Do đó, việc khơi thông khoảng 19,5km sông Cổ Cò đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Nam nhận được sự quan tâm lớn của nhân dân địa phương, dư luận, cộng đồng các nhà đầu tư trong, ngoài nước.