Lễ phát động kêu gọi hưởng ứng sáng kiến chấm dứt bạo lực thân thể đối với trẻ em là dịp để trẻ em gửi thông điệp của mình đến xã hội.
Trẻ em huyện Nông Sơn mang đến một thông điệp qua 4 bức tranh, trong đó có bức tranh phản ánh người cha với vẻ mặt tức giận, quát tháo, còn người mẹ sợ sệt đang bảo vệ đứa con bị cha đánh mắng. Mọi thứ trong nhà bị người cha đập phá... Qua đó, trẻ em Nông Sơn kêu gọi mỗi trẻ em hãy tự bảo vệ bản thân khi có bạo lực xảy ra, cần lên tiếng để được bảo vệ. Đồng thời mong muốn người lớn không bạo lực đối với trẻ em, cho trẻ em môi trường sống an toàn, lành mạnh. Trong gia đình, trẻ em cần có tình yêu thương, sự bao bọc, chở che và cho em cuộc sống hạnh phúc.
Trẻ em huyện Phước Sơn mang đến chương trình một tiểu phẩm ngắn “Về đâu ngôi vị thủ lĩnh” khiến cả hội trường lặng người khi xem. Trong tiểu phẩm, L. là một bạn học sinh đang nỗ lực học tập vì để trở thành bác sĩ theo ý nguyện của mẹ, trong khi đó bản thân em không hề muốn như vậy. Để L. là học sinh giỏi nhất, cha mẹ bắt em phải học và học, không cho đi chơi. Cứ thế, L. học theo mong ước của cha mẹ. Cho đến một ngày, nhật ký của L. bị mẹ đọc được, em bị đánh mắng te tát vì không lo học mà lo viết nhật ký. Cô bé ấy đã khóc rất nhiều, buồn vì cha mẹ không hiểu cho em, can thiệp vào việc riêng của em. Đến hôm sau, L. vẫn đi học và về trễ, cô giáo giữ lại để nói chuyện vì thấy vết trầy xước trên mặt em, và bài kiểm tra chỉ được điểm khá. Khi cha L. đi họp phụ huynh về, thất vọng vì kết quả học tập của con gái không giỏi. Rồi cha mẹ cãi nhau, cha đánh mẹ vì “con hư tại mẹ”.
Mâu thuẫn gia đình như vết cứa vào lòng cô gái bé nhỏ, khiến em học hành sa sút, không tham gia các hoạt động trong lớp. Em như một cô gái khác, không còn là thủ lĩnh của lớp, không còn sôi nổi, hoạt bát mà trở lên thụ động, lầm lũi một mình. Cũng may, cha mẹ em đã nhận ra sai lầm và khắc phục kịp thời. Tiểu phẩm làm cho nhiều người phải suy nghĩ.
LÊ DIỄM