Xây dựng thông điệp du lịch gắn với đặc trưng điểm đến là điều cần thiết để tăng khả năng nhận diện và cũng là một cách định vị thương hiệu cho điểm đến trong bản đồ du lịch.
Truyền tải thông điệp du lịch cho điểm đến ngày càng quan trọng và có thể giúp gia tăng sức cuốn hút cho điểm đến. Tại Diễn đàn du lịch Mê Kông 2022 diễn ra ở Quảng Nam, đại diện cơ quan quản lý du lịch Thái Lan đã chia sẻ rằng slogan “Amazing Thailand” (tạm dịch: Thái Lan tuyệt vời) được duy trì nhất quán trong hàng chục năm qua cùng chuỗi sản phẩm du lịch phong phú xoay quanh thông điệp này là một cú hích để góp phần giúp du lịch Thái Lan gặt hái được nhiều thành tựu.
Ở Quảng Nam, trước đây Khu đền tháp Mỹ Sơn thường được nhắc đến trong công tác quảng bá với danh xưng “thung lũng thần linh và nghệ thuật”. Đây cũng là một thông điệp khá ấn tượng để tạo ra điểm nhấn cũng như định hướng trong công tác xây dựng sản phẩm du lịch cho khu di sản này.
Có thể thấy hầu hết điểm đến du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa xây dựng được một thông điệp ấn tượng để tạo ra dấu ấn rõ nét trong lòng du khách mỗi khi nhắc đến. Và có vẻ trong chuỗi nội dung hoạt động xây dựng, phát triển điểm đến của các gói, chương trình hỗ trợ du lịch chưa được chú trọng đến khâu xây dựng thông điệp.
Đơn cử như với Cù Lao Chàm, theo ông Lê Ngọc Thảo (cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm), đối với khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, nguồn thông tin có thể chuyển tải đến với du khách là rất lớn. Tuy nhiên mức độ cảm thụ của du khách lại hoàn toàn phụ thuộc vào phương thức truyền đạt của hướng dẫn viên/thuyết minh viên tại điểm. Thực tế, du khách vẫn “đói” thông tin về danh hiệu khu sinh quyển.
“Những giá trị nổi trội cần được liệt kê, hệ thống và xây dựng thành bộ thông điệp để truyền tải hiệu quả đến du khách. Thông điệp được hiểu là thông tin cốt lõi, thể hiện được giá trị nổi trội của một điểm đến mà du khách có thể nhớ và làm họ thay đổi suy nghĩ, thay đổi hành vi sau những trải nghiệm tại một điểm đến” - ông Thảo nói.
Ở bình diện lớn hơn, sau tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, một số doanh nghiệp du lịch địa phương đã đưa ra nhận định rằng Quảng Nam cần một thông điệp du lịch mới mẻ, xuyên suốt để tiếp tục đưa ngành du lịch phát triển bền vững.
Hàng chục năm trước đây, Quảng Nam định hình thương hiệu và phát triển mạnh mẽ dựa vào thông điệp Quảng Nam là điểm đến của 2 di sản văn hóa thế giới. Trong bối cảnh mới với định hướng phát triển du lịch xanh liệu rằng địa phương có thể chọn thông điệp “Quảng Nam - điểm đến du lịch xanh” để truyền tải nhất quán đến du khách cho suốt một chặng đường phía trước hay không?
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, những người làm du lịch có thể có nhiều lối đi khác nhau để tạo giá trị riêng nhưng mỗi lối đi đó đều cần nằm trong một định hướng chung. Ngành du lịch Quảng Nam cần định vị một thông điệp xuyên suốt, nhất quán trong chặng đường phía trước để quảng bá, chuyển tải đến du khách, từ đó cộng đồng doanh nghiệp sẽ chung tay, phát triển theo định hướng này.