Ly cà phê đại dương là tập thơ thứ 5 của Nguyễn Thanh Mừng được NXB Đà Nẵng ấn hành. Tập thơ có hai chủ đề khá rõ: Đó là một mảng nội dung với những suy nghiệm về các nhân vật lịch sử, các địa danh lịch sử, hiện vật lịch sử và một mảng nội dung với những cảm nhận trăn trở về “Phía Tổ quốc hừng đông”, cụ thể là chủ quyền biển đảo của nước ta với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Là một trong số không nhiều nhà thơ ở miền Trung có “sở trường sở đoản” về thể thơ lục bát truyền thống song Nguyễn Thanh Mừng biết làm mới về nội dung, câu chữ biểu đạt, tạo sự khác lạ trong thơ anh. Hoàng đế Quang Trung đã có công lớn trong việc thống nhất giang sơn, đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi, viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt. Tiếc thay, khi “cát rêu phủ họng thần công/ tận lòng thế kỷ lửa hồng Quy Nhơn”, khi “xếp thân kình ngạc lại rồi” thì “thật nhiều cóc nhái cất lời bẻ bai”. Hẳn nhiên, “ai kia báng bổ non sông/ hồn Quy Nhơn sót lại trong giọng cười”. Hùng binh Hoàng Sa được triều Nguyễn cắt cử ra trấn giữ “dải cát vàng” ở biển Đông, sẵn sàng “nhập hình đất sét náu nương/ cành dâu thiêng thế nắm xương tang bồng”. Vì thế, đội hùng binh Hoàng Sa đã “mở ngực đo lòng nước mây” để “nâng niu thế kỷ chủ quyền/ lòng tay bờ cõi tươi nguyên ròng ròng”.
Để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng, những người lính biển đã ngã xuống, “có những cuộc hứa hôn không còn ngày hợp cẩn”, “có lá thư đứa con nắn nót chuyện trò vĩnh viễn không tới tay cha”. Mất mát, hy sinh nhưng những người lính biển vẫn chắc tay súng nơi đất Việt giữa trùng khơi, bất chấp “bầy bạch tuộc viễn chinh giương tua vòi tham vọng/ Khi Hoàng Sa Trường Sa hóa đài trang khuê các mỹ nhân ngư” (Tổ quốc và vòng tròn bất tử). Nguyễn Thanh Mừng đã đến Trường Sa và có nhiều câu thơ giàu hình tượng viết về biển đảo quê hương, nơi “cá có thể bay cao, chim có thể lặn sâu/ hoa học trò chưa chắc là hoa phượng”, nơi “thử thách ẩn cư trong phong vận/ chắt nước ngọt, hải âu rèn thực quản/ quả bàng vuông gân guốc để mà vuông/ lá phi lao thu lại chẳng buông tuồng/ dây muống biển biết nhu mì phớt tím” (Phía Tổ quốc hừng đông).
Xúc động và trăn trở với những bão dông rình rập ở biển Đông, ta càng nhận diện rõ hơn “loài ngáo ộp” có dã tâm đen tối, và càng thêm yêu quý những người lính biển ở nơi đầu sóng ngọn gió. đó cũng là thông điệp mà Ly cà phê đại dương gửi đến “bốn phương trời một sự thật Hoàng Sa Trường Sa từ đương hương hỏa” của nước Việt chúng ta.
N.Đ.AN