Thông điệp lịch sử

PHẠM VĂN THẮNG 25/05/2015 08:51

Chiến thắng Núi Thành mãi mãi là niềm tự hào của mỗi người dân trên quê hương Quảng Nam “trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. Trận đánh mở đầu này mang nhiều ý nghĩa lịch sử, khẳng định khả năng, thực tiễn đánh Mỹ của bộ đội địa phương…

Câu hỏi khó

Đầu năm 1965, đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ ào ạt đưa quân viễn chinh và đồng minh cùng với vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại vào miền Nam Việt Nam và mở rộng “Chiến tranh phá hoại miền Bắc”. Một câu hỏi lớn đặt ra trước nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế: “Liệu Việt Nam có đánh được Mỹ không?” và “Đánh Mỹ bằng cách nào?”. Còn những nước cảm thông với cuộc chiến chính nghĩa của Việt Nam thì khuyên “Không nên chấp nhận sự đối đầu với tên đế quốc hung hãn”. Có nước lại lo sợ và cảnh báo việc đương đầu chiến tranh với Mỹ lúc này “Không những không thể giải phóng được miền Nam mà còn có nguy cơ mất cả miền Bắc”…

“Trận đánh Mỹ tại Núi Thành chưa phải là trận đánh lớn, nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là trận mở đầu, khẳng định khả năng, thực tiễn đánh Mỹ của bộ đội địa phương, giải quyết vấn đề có tính chiến lược về tư tưởng cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân lúc bấy giờ” .
 (Đồng chí Võ Chí Công, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhà nước, nguyên Bí thư Khu ủy khu 5)

Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ XI (tháng 3.1965) xác định: “Chuẩn bị sẵn sàng đối phó và quyết thắng cuộc “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam nếu địch gây ra”. Đành rằng, chủ trương của Đảng đã có, quyết tâm đánh Mỹ có thừa, nhưng đánh Mỹ bằng cách nào? Bởi lẽ, kẻ thù mới có quá nhiều ưu thế so với thực dân Pháp trước đây: quân số đông, hỏa lực mạnh, trang thiết bị chiến tranh hiện đại, khả năng cơ động nhanh… Trong khi đó, về phía ta đã có một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân nảy sinh tâm lý gờm sợ Mỹ. Nhưng rồi cũng giống như thử thách mà lịch sử đã đặt ra cho nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng hồi nửa sau thế kỷ XIX khi đối đầu với thực dân Pháp: phải đánh phủ đầu khi chúng vừa đặt chân lên đất nước ta, để làm lung lay ý chí xâm lược của kẻ thù.

Ngày 10.4.1965, quân Mỹ tiếp tục đổ bộ vào Đà Nẵng. Lập tức tiếng súng đánh Mỹ bùng nổ khắp nơi, từ đèo Hải Vân qua Phước Tường, xuống Hòa Hải. Quân viễn chinh Mỹ đã phải hốt hoảng. Những trận đánh Mỹ ở Hòa Vang tuy nhỏ lẻ, chưa ác liệt, nhưng bước đầu đã tạo ra khí thế, lòng tin có thể đánh thắng Mỹ trong nhân dân ta. Ngày 2.5.1965, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 ra chỉ thị, nêu rõ yêu cầu tác chiến là phải diệt gọn từng đơn vị quân Mỹ, điều đó không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với chiến trường miền Nam mà còn có ý nghĩa quốc tế; không chỉ có ý nghĩa chiến thuật mà còn có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ cuộc kháng chiến của ta.

Thắng Mỹ bằng bộ đội địa phương

Ngày 7.5.1965, khoảng 6.400 lính Mỹ, 24 xe tăng thuộc Lữ đoàn hải quân viễn chinh số 9 đổ bộ lên Kỳ Liên, Kỳ Hà, triển khai xây dựng các hạng mục công trình của căn cứ quân sự Chu Lai, làm bàn đạp khống chế khu vực miền Trung. Ngày 17.5.1965, lính thủy đánh bộ Mỹ càn quét lên vùng giải phóng ở phía tây xã Kỳ Liên, sử dụng một đại đội chốt ở điểm cao Núi Thành. Quân số của đại đội Mỹ ở Núi Thành có 139 tên, chia thành 3 cụm chốt, bố trí nhiều trận địa ĐKZ 75mm, cối 81mm. Ban ngày chúng căng bạt che nắng, dùng ống nhòm quan sát, phát hiện mục tiêu nghi ngờ gọi pháo ở Chu Lai hoặc dùng ĐKZ, cối bắn phá; ban đêm chúng dỡ bạt ra, nằm yên trong các công sự. Việc tiếp tế lương thực, thực phẩm và vũ khí đều dựa vào máy bay trực thăng.

Nắm chắc quy luật hoạt động của quân Mỹ, Tỉnh đội Quảng Nam quyết định sử dụng Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 70 làm lực lượng chủ công nhằm bóc sạch quân Mỹ ra khỏi Núi Thành. Quân số của đại đội có 72 đồng chí và 12 chiến sĩ của Đại đội đặc công V26 được tỉnh tăng cường cho trận đánh. Theo kế hoạch, đúng 0 giờ ngày 26.5.1965, đại đội công binh tỉnh đánh cầu An Tân bằng khối thuốc nổ 100kg làm hiệu lệnh chung. Nhưng đến 0 giờ 30 phút, cầu An Tân vẫn chưa nổ súng. Đại đội trưởng Võ Thành Năm quyết định thực hiện phương án 2, truyền lệnh cho bộ đội đánh quả thủ pháo 1kg thuốc nổ TNT vào công sự Mỹ làm hiệu lệnh chung. Lập tức mặt đất Núi Thành rung lên dữ dội, hàng loạt ánh chớp và những cột lửa dựng lên, tỏa ra các chiến hào, công sự của Mỹ. Bị đánh phủ đầu nên chưa đầy 15 phút, hai tuyến chiến hào công sự Mỹ ở hướng bắc - đông bắc và tây - tây nam đã bị các chiến sĩ ta bóc sạch. Quân Mỹ phản ứng, chúng tập trung hỏa lực bắn vào những nơi có súng tiểu liên ta xuất hiện. Đến 0 giờ 45 phút, các mũi tiến công của ta xốc lại đội hình, dũng mãnh xông lên đánh giáp lá cà, tiêu diệt các ổ đề kháng, đánh chiếm các công sự còn lại, bắn gục những tên Mỹ chưa kịp chạy ngược lên đỉnh đồi, một số lính Mỹ vứt súng tháo chạy. Sau 30 phút, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 139 tên, thu 14 súng, phá hủy 2 ĐKZ 75mm, 1 cối 81mm, 3 máy thông tin vô tuyến và nhiều trang thiết bị chiến tranh khác. Đây là trận đánh bất ngờ, gây choáng váng đối với quân xâm lược Mỹ khi chúng vừa đặt chân lên đất nước ta. Sau trận đánh Núi Thành đã xuất hiện khẩu hiệu “Tìm Mỹ mà đánh, gặp Mỹ là diệt” trên khắp chiến trường miền Nam.

Về tầm vóc và ý nghĩa của chiến thắng Núi Thành, Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam ghi nhận: “Trận Núi Thành mở đầu phong trào đánh Mỹ của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, ngay khi Mỹ bắt đầu thực hiện chiến lược Chiến tranh cục bộ”. Còn theo ý kiến của các nhà lãnh đạo, các tướng lĩnh đã từng vào sinh ra tử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì: “Trận đánh Mỹ tại Núi Thành chưa phải là trận đánh lớn, nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là trận mở đầu, khẳng định khả năng, thực tiễn đánh Mỹ của bộ đội địa phương, giải quyết vấn đề có tính chiến lược về tư tưởng cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân lúc bấy giờ” (Võ Chí Công, nguyên Bí thư Khu ủy khu 5); “Ý nghĩa chính trị, tinh thần, nghệ thuật của trận đánh Mỹ ở cứ điểm Núi Thành là ta chủ động tấn công tiêu diệt một đại đội Mỹ, trong lúc chúng tưởng rằng ta bất khả thắng với công sự vững chắc” (Đại tướng Chu Huy Mân, nguyên Tư lệnh Quân khu 5); “Núi Thành là trận đột khẩu mở màn để quân và dân miền Nam giáng vào đầu quân Mỹ xâm lược, mở ra khả năng và niềm tin thắng Mỹ xâm lược bất kỳ chúng đóng ở đâu và bằng phương tiện chiến tranh gì đi nữa” (Hoàng Minh Thắng, nguyên Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam).

PHẠM VĂN THẮNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thông điệp lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO