Thông điệp ngày ông Táo

NHÃ NAM 14/01/2020 10:52

Chỉ vài ba hôm nữa là đến ngày 23 tháng Chạp, thời điểm mà chúng ta làm lễ cúng ông Táo về trời. Tục cúng ông Công, ông Táo khởi nguồn từ bếp lửa, tượng trưng cho sự ấm no, sung túc cùng hạnh phúc của đời sống con người. Nhưng nay, sau những nỗi quan hoài, nhiều người đang nghĩ sai để rồi ứng xử sai về phong tục rất đẹp, đầy ý nghĩa này. Thậm chí, biến thiên thời gian đã làm cho nét đẹp truyền thống ấy đang có những xô bồ nhất định.

Dám chắc, với người Việt chúng ta chẳng ai không biết tới truyền thuyết Táo quân - vị thần cai quản bếp núc mỗi mái nhà như nếp nghĩ lâu nay. Và rồi, cũng chẳng hề xa lạ với con cá chép - vốn được coi là “ngựa” đưa ông Táo lên Trời. Con cá chép mà rất nhiều gia đình sắp mua trong lễ nghĩa đó cũng ẩn chứa nhiều câu chuyện thời sự đáng nghĩ suy. Ở những ngữ nghĩa rộng hơn cho đời sống tâm linh của văn hóa Việt, truyền thuyết cá chép hóa rồng khi vượt vũ môn, vốn được coi là biểu trưng của tinh thần bền chí vượt khó để thăng hoa, thành công.

Bàn chuyện ông Táo về trời - cá chép phóng sinh cũng là để ngẫm về câu chuyện khác. Câu chuyện đã rộ lên đều đặn vào những năm gần đây trong ngày “Tết ông Táo”. Không gì khác hơn, đó là câu chuyện bảo vệ môi trường. Bởi sau khi phóng sinh, rất nhiều túi ny lon đựng cá cũng được “phóng thích” luôn xuống sông, hồ, ao, đầm như vẫn thấy.

Cuối năm 2019, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố: Việt Nam xếp thứ 68 thế giới về diện tích, thứ 15 thế giới về dân số nhưng hiện đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa. Phần lớn chất thải tại Việt Nam không được phân loại ở cấp độ gia đình cũng như được chôn lấp mà không qua xử lý. Con số thống kê khô khan nhưng lại bùng lên những nguy hại thấy rõ, rất rõ.

Lâu nay, chúng ta vẫn đã có những hạn mức thuế “đánh” vào túi ny lon, nhưng xem ra chính sách này chưa thực thi hiệu quả. Thêm nữa, việc phân loại rác thải tại các hộ cần được triển khai rộng rãi, đồng nhất và quy cũ để hạn chế ô nhiễm môi trường. Những ngày cuối năm như thế này cũng là dịp người ta bắt đầu dọn nhà sửa cửa, tống tiễn những đồ vật thừa cũ. Cho nên nếu không có được nhận thức đúng nghĩa, không kiểm soát được hành động thì tình trạng ứ đọng rác thải, ô nhiễm môi trường lại có nguy cơ tiếp diễn.

Cùng trở lại câu chuyện trong tập tục cúng ông Công, ông Táo sẽ thấy những xô bồ và biến tướng. Rất dễ nhận ra, ý thức và hành động của một bộ phận người dân trong việc tiến hành nghi lễ thả cá chép năm nào cũng có vấn đề. Cảnh túi ny lon sau khi thả cá người dân vứt lại lềnh bềnh bám đầy ao hồ, sông nước là những hình ảnh khó coi với môi trường sống của chúng ta.

Cóp nhặt, gìn giữ hay nâng niu bản sắc văn hóa là điều tốt đẹp. Cái tốt đẹp chỉ có giá trị khi nó bớt đi tốn kém lãng phí. Quan trọng hơn đừng để chính chúng ta vô tình làm “hoen ố” đi hơi thở trong lành của cuộc sống thường nhật.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thông điệp ngày ông Táo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO