Thông điệp từ cuộc sống

XUÂN PHÚ 16/04/2014 08:39

Nhiều đề tài tham gia hội thi hùng biện - Sở GD-ĐT tổ chức dành cho học sinh (HS) THPT - do các thí sinh thể hiện như là những thông điệp từ cuộc sống về đạo đức và pháp luật, mang giá trị nhân văn, khơi dậy ý thức “sống đẹp”.

Những thông điệp

Một trong những vấn đề khá “nóng” trong học đường hiện nay là tình trạng học trò đánh nhau. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi có 4 (trong số 18) đề tài tại hội thi vừa qua đề cập bạo lực học đường. Với những cách tiếp cận câu chuyện và lý giải nguyên nhân khác nhau, các thí sinh đều nhấn mạnh đến một thông điệp: tất cả mọi người hãy cùng hành động để ngăn chặn và xóa bỏ hình ảnh xấu xí này! Đề tài tuy không mới, nói như tên đề tài của Lê Thị Nhật Lý (THPT Hiệp Đức) là  “Bạo lực học đường: Chuyện không mới nhưng vẫn nóng”, nhưng qua khả năng hùng biện của các em đã thuyết phục được người nghe. Hơn nữa, lâu nay chúng ta thường nghe người lớn lý giải, còn lần này nguyên nhân của bạo lực học đường do chính các em HS giãi bày. Từ đó giúp các đơn vị, ngành chức năng bắt đúng “bệnh” để ngăn chặn.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT trao giải nhất và 3 giải nhì cho các thí sinh. Ảnh: X.PHÚ
Lãnh đạo Sở GD-ĐT trao giải nhất và 3 giải nhì cho các thí sinh. Ảnh: X.PHÚ

Thời gian qua, nhiều người cho rằng giới trẻ ngày nay ít quan tâm đến người khác, thậm chí có phần thờ ơ, vô trách nhiệm. Tuy nhiên, qua hội thi, có thể nói điều này không hoàn toàn đúng. Bởi, có đến gần một nửa số đề tài mà các thí sinh đề cập liên quan những mảnh đời bất hạnh cần được sẻ chia. Có thể kể như “Thông điệp từ câu chuyện của Nam” của  Trần Thị Minh Ty (THPT Phan Châu Trinh, Tiên Phước), “Bài học làm người qua câu chuyện Từ một đề văn” của Tăng Thị Bích Hạnh (THPT Trần Văn Dư, Phú Ninh), hay “Bao gạo yêu thương” của Phạm Trần Ngọc Anh (THPT Trần Cao Vân, Tam Kỳ), “Hãy học cách yêu thương” của Lê Tuyết Mai (THPT Sào Nam, Duy Xuyên)... Với những lời tự sự thấm đẫm tình yêu thương, sự trăn trở của tác giả, có thể khẳng định đó là những tâm sự thật lòng, đầy cảm xúc của các em chứ không phải là những câu chữ văn hoa để tham gia hội thi.

Một vấn đề khá tế nhị nhưng đang trở nên phổ biến trong thời gian gần đây cũng được thí sinh mạnh dạn chọn lựa để trình bày suy nghĩ của mình đã làm bất ngờ nhiều người. Đó là tình trạng “sống thử” qua đề tài cùng tên của Lê Ngô Phương Trinh (THPT Nguyễn Duy Hiệu, Điện Bàn) hay “Câu chuyện hôn nhân của tuổi học trò trước thềm pháp luật” của Lê Nguyễn Bảo Hân (THPT chuyên Bắc Quảng Nam). Trong khi đó, chọn vấn đề thời sự khá sát sườn với lứa tuổi học trò ở địa phương mình, 2 cô bé của huyện miền núi Đông Giang và Phước Sơn đem đến hội thi một hồi chuông cảnh báo về tình trạng tảo hôn của trẻ em gái miền núi qua đề tài “Câu chuyện tảo hôn” của Zơ Râm  Nhiếp (THPT Nguyễn Văn Trỗi, Đông Giang) và “Lối thoát nào cho thiếu nữ vùng cao” của Nguyễn Thị Thủy Uyên (THPT Phước Sơn).  Qua câu chuyện, thông điệp hành động mà các em muốn nêu  lên là hủ tục lạc hậu, sự xuống cấp về mặt đạo đức dẫn đến vi phạm pháp luật và kêu gọi mọi người chung tay ngăn chặn.

Rèn luyện kỹ năng  sống

Có một đề tài rất đáng chú ý và đã gây bất ngờ cho nhiều người là “Một cuộc chiến không cân sức” của em Vũ Thị Thúy Hòa (THPT Trần Quý Cáp, Hội An) đề cập tình trạng tham nhũng hiện nay và những khó khăn trong công tác phòng chống. Thầy giáo Trương Văn Quang - thành viên Ban giám khảo hội thi nhận xét đây là đề tài “không cân sức” với lứa tuổi học trò nhưng qua khả năng hùng biện của Thúy Hòa cho thấy em hoàn toàn “đủ sức”. Đề tài đã được Ban giám khảo chấm giải nhì (có 3 giải nhì); giải nhất thuộc về thí sinh Tăng Thị Bích Hạnh (THPT Trần Văn Dư, Phú ninh); Ban tổ chức cũng đã trao 5 giải ba và 9 giải khuyến khích cho các thí sinh dự thi.

Hội thi hùng biện “Câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật” dành cho HS bậc THPT lần đầu tiên được Sở GD-ĐT tổ chức đã thu hút sự tham gia của HS cả tỉnh. Vòng chung khảo vừa diễn ra cuối tuần qua là sự thể hiện của 18 gương mặt xuất sắc nhất sau khi đã vượt qua vòng sơ khảo tại 5 cụm trường. Khác với những hội thi như thuyết trình văn học hay kể chuyện theo sách, hội thi hùng biện đòi hỏi các thí sinh phải có sự nghiên cứu, đặc biệt là lựa chọn những câu chuyện có thật, các nhân vật có thật trong đời sống xã hội để đưa vào đề tài dự thi. Với khả năng quan sát, suy ngẫm và hùng biện của mình, mỗi đề tài được thể hiện tại hội thi như là một thông điệp của lứa tuổi học trò đối với mọi người và toàn  xã hội.

Theo ông Hà Thanh Quốc - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, những biểu hiện suy thoái về đạo đức cũng như tình trạng vi phạm pháp luật của HS, sinh viên đang là hồi chuông báo động cho gia đình, nhà trường và xã hội. Vì vậy, hội thi là dịp để các em HS bày tỏ suy nghĩ của mình về vấn đề đạo đức và pháp luật; tạo điều kiện cho các em trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống. Đồng thời thông qua những câu chuyện có thật nhằm khơi dậy các giá trị tốt đẹp để giáo dục nhân cách, ý thức chấp hành pháp luật cho HS. Đánh giá về hội  thi, ông Quốc cho rằng, lần đầu tiên tổ chức nhưng với sự chuẩn bị chu đáo, nội dung bài viết, khả năng hùng biện, trả lời câu hỏi của các thí sinh được đánh giá khá cao. “Điều quan trọng hơn, thông qua các câu chuyện tình huống, hầu hết thí sinh đã biết gắn kết giữa các giá trị đạo đức và pháp luật, đồng thời thể hiện phần liên hệ thực tiễn. Một số em mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ của mình, nêu vấn đề đòi hỏi người lớn và các ngành, các cấp liên quan trả lời. Hơn nữa, qua hội thi giúp ngành GD-ĐT đánh giá, nhìn nhận đúng về chất  lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường THPT trên địa bàn tỉnh hiện nay để có định hướng phù hợp. Đây cũng là một kênh tuyên truyền, phổ  biến, giáo dục pháp luật và đạo đức, lối sống cho học trò hiệu quả” - ông Quốc nói.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thông điệp từ cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO