Không phải 14 ý kiến doanh nghiệp đưa ra đều xác đáng. Những câu trả lời của chính quyền, cơ quan quản lý cũng chưa hẳn đã làm hài lòng doanh nghiệp… Nhưng cuộc đối thoại do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì hôm qua 3.7 đã tái khởi động, mở ra sự thông hiểu để cùng chia sẻ khó khăn từ hai phía, tạo động lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Quang cảnh buổi đối thoại. Ảnh: T.D |
Vướng mắc từ nhiều phía
Không im lặng hay phát biểu chiếu lệ như thường thấy ở những cuộc đối thoại trước đây, tại cuộc đối thoại lần này, doanh nghiệp đã “lên tiếng”, đưa ra khá nhiều ý kiến. Hơn 200 doanh nghiệp tham dự và những ý kiến tâm huyết đã thực sự làm nóng hội nghị.
Thương giới thừa nhận đã nhìn thấy sự thay đổi tích cực từ chính quyền, cơ quan quản lý trong việc xác lập niềm tin doanh nghiệp thông qua hàng loạt giải pháp về giải phóng mặt bằng, tái định cư, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm…
Nhưng “đau đầu” nhất của doanh nghiệp vẫn là chuyện xoay quanh về vốn, gánh nặng thuế, phí, thiếu nguồn nguyên liệu và chính sách “nửa vời” đã gây nhiều khó khăn, nhất là những phiền hà về thủ tục hành chính, quản lý nhà nước, làm mất nhiều thời gian, công sức của doanh nghiệp.
Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang; Công Ty TNHH MTV Phước Hữu Duyên (Duy Xuyên), Công ty CP Tập đoàn Điện Bàn (Điện Bàn), Công ty CP Tích Trung (Đại Lộc) than phiền sự thiếu quan tâm, giải quyết kịp thời việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... đã ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư và tiến độ thực hiện dự án của doanh nghiệp.
Thậm chí như Công ty CP Khu du lịch và khách sạn Phát Đạt (Quảng Ngãi) gặp khá nhiều khó khăn thực hiện dự án khu resort & spa Marriott Hội An - Việt Nam khi còn quá nhiều hộ dân cản trở, không thể thi công được, dù đã chi trả tiền hỗ trợ cho 13 hộ dân vùng dự án.
Khá nhiều doanh nghiệp than phiền khó tiếp cận vốn vay của các ngân hàng thương mại do lãi suất không ổn định và cao hơn so quy định, các ngân hàng chưa đẩy mạnh và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vay vốn hoặc chính sách thuế quá nhiều bất cập khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.
Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức cho biết các văn bản hướng dẫn của Cục Thuế về việc yêu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp khi đăng ký thuế thu nhập doanh nghiệp với các dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 2 đã không có sự thống nhất.
Nổi cộm nhất vẫn là chuyện ngành điện không thể cung cấp nguồn điện ổn định để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Sự cố mất điện hay chập chờn liên tục xảy ra đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, nhưng không một ai đứng ra giải quyết.
Ông Lương Văn Xưa – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Giao thương Quảng Xưa đang tiến hành dự án đầu tư năng lượng tái tạo tại Nam An Sơn (Hiệp Đức) cho hay, hiện trạng mất điện hay chập chờn thường xuyên xảy ra nhưng doanh nghiệp không được thông báo trước. Ông Xưa thống kê chỉ trong tháng 6.2018 có đến 6 lần bị cúp điện bất ngờ, 13 lần bị nháy điện. Hầu như tháng nào cũng xảy ra sự cố mất điện hay nháy điện trên 20 lần, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.
Đồng hành với doanh nghiệp
Các cơ quan quản lý cầu thị trước kiến nghị của doanh nghiệp, nhưng vẫn phải tiến hành theo các nguyên tắc, quy định pháp luật. Tất cả ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp đều đã được các cơ quan quản lý giải đáp tại chỗ hoặc sẽ trả lời bằng văn bản một cách cụ thể hơn.
Ông Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam nói sẽ tham mưu Sở Công Thương mở những cuộc họp bàn giải quyết cụ thể vướng mắc của doanh nghiệp. Ông Tuấn cho hay sự cố điện tại Công ty Hòa Thọ nhảy liên tục do điện áp. Sự việc này không thể giải quyết được ngay trong thời gian ngắn. Điện lực Quảng Nam cũng đã nhờ Trung tâm Điện lực miền Trung xử lý nhưng vẫn chưa thể hoàn tất. Tất cả bắt nguồn từ lưới điện rất rộng, đường dây chủ yếu cấp điện dân sinh, bị vướng cây cối, dễ gây ra sự cố khi mưa gió… Ngành điện đã đầu tư gấp 3 lần trước đây nhưng điện lực cũng là doanh nghiệp, nên cấp điện đến hàng rào doanh nghiệp hay mở rộng đầu tư cũng đều phải tính toán hiệu quả, cần có sự thỏa thuận giữa ngành điện, doanh nghiệp và rất mong sự thông cảm của doanh nghiệp trong việc chia sẻ khó khăn.
Liên quan đến việc tiếp cận vốn, ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho hay các ngân hàng thương mại đã đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi. Tài sản đảm bảo hay thế chấp chỉ là một phần trong điều kiện cho vay của các ngân hàng và dự án tốt hay kế hoạch đầu tư, kinh doanh khả thi mới là điều quan trọng để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay. Các ngân hàng cần biết dòng tiền ra vào thì mới có thể đầu tư cho doanh nghiệp. Tiếp cận vốn không còn khó khăn, thậm chí doanh nghiệp có lịch sử tín dụng tốt còn có thể được vay ưu đãi ở mức thấp nhất. Cho vay có tài sản đảm bảo hay không tài sản là do các tổ chức tín dụng thẩm định và cho vay. Giới ngân hàng phải kỹ càng hơn trong thẩm định để tránh gặp nợ xấu. Ông Hổ cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục kết nối doanh nghiệp và ngân hàng thương mại để tìm cách tháo gỡ, thẩm định các dự án cho vay và triển khai mạnh mẽ việc tiếp cận vốn cho doanh nghiệp thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân khẳng định dù khó khăn đến mấy, chính quyền sẽ vẫn đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng. Chính quyền sẽ tiếp tục đưa ra những cơ chế, chính sách ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh. Mục tiêu cuối cùng của chính quyền là đồng hành với doanh nghiệp. Những kiến nghị cụ thể sẽ được các cơ quan quản lý tổng hợp, tham mưu tháo gỡ và giải quyết ngay những gì có thể trong quyền hạn của địa phương; kịp thời hỗ trợ, giải quyết những vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, xử lý nghiêm những cán bộ gây khó, nhũng nhiễu doanh nghiệp.
“Chính quyền cam kết tiếp thu những kiến nghị của doanh nghiệp để đưa ra những quyết định đúng đắn. Những yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp sẽ được xử lý dứt điểm. Cơ quan quản lý, chính quyền địa phương không đặt ra bất cứ cơ chế chính sách, thủ tục, yêu cầu nào khác ngoài những quy định của pháp luật đã được ban hành, hướng đến việc phục vụ tốt doanh nghiệp hơn nữa, tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh” - ông Tân nói.
TRỊNH DŨNG