Đang ngủ trưa, tôi bị đánh thức bởi một tin nhắn gạ gẫm vay tiền, thật là bực dọc, sao người ta cứ nhè buổi trưa mà nhắn không biết. Vậy mà cách đây mấy ngày, tôi đinh ninh rằng mình sẽ tránh được kiểu quảng cáo như thế này sau khi đã soạn tin nhắn từ chối. Nhưng hình như tránh được ông này thì lại tòi ra ông kia, quảng cáo, rủ rê đủ kiểu mà ta quen gọi là tin nhắn rác.
Chưa tránh được tin nhắn rác thì lại xuất hiện cuộc gọi rác. Mấy ngày qua khách hàng xài mạng điện thoại di động đã bị “em Lan Vinaphone” quấy rầy. Khách hàng phản ánh thường xuyên nhận điện thoại của một người tự xưng là “em Lan trung tâm sim số đẹp của Vinaphone” mời chào mua sim gần giống với số của họ đang dùng. Khách hàng cảm thấy bất ngờ vì thông tin cá nhân của mình bị lộ ra, mặc dù bức xúc nhưng không thể trả lời vì đây là tổng đài tự động. Và nếu có chặn cuộc gọi thì cũng không xong vì lại có cuộc tự động từ số máy khác gọi đến. Theo đại diện nhà mạng Vinaphone, số điện thoại tự xưng như trên là giả mạo và cho biết đã phát đi thông báo khách hàng cùng hợp tác xử lý triệt để vấn nạn này. Nói như vậy thôi chứ chắc là khó xử lý triệt để, bởi chẳng phải cơ quan chủ quản và nhà mạng cũng từng vào cuộc đồng bộ xử lý mấy năm nay hay sao?
Vì sao các đơn vị dịch vụ lại có số điện thoại, tên tuổi, thậm chí biết được nhu cầu của khách hàng sử dụng mạng di động? Cách giải thích đơn giản là có ai đó đã “mách” trực tiếp cho bên thứ ba. Cho nên, gia đình vừa sinh con đã có người gọi đến chào bán sữa, làm nhà thì có người chào lắp đặt nội thất..., thậm chí người chết từ bệnh viện chở về chưa đến nhà cũng có người gọi “lo giúp” hậu sự. Và một nguyên nhân nữa, cũng có thể những thông tin của cá nhân vô tình bị thu thập được trong lúc khách hàng sử dụng dịch vụ nào đó, như thuê bao điện thoại, vay ngân hàng, mua sắm đồ điện tử, nộp thuế, dịch vụ điện nước... Người mà đó đã “siêng năng” tổng hợp lại và chuyển cho bên thứ ba. Ngay cả trên internet, nhiều người dùng phản ánh cũng thường nhận được thư điện tử... rác.
Ai cũng có thể hình dung, thông tin cá nhân trong thời đại công nghệ số được chia sẻ tràn lan sẽ gây ra những nguy cơ như thế nào, đơn giản là những thứ... rác như đã nói ở trên, và nguy hơn, đó là những giao dịch giả mạo có thể xảy ra. Từ dữ liệu ban đầu, kẻ gian có thể tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, tình trạng sức khỏe, tài chính, quan hệ xã hội... rồi giăng bẫy lừa nạn nhân. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc như vậy. Gần đây người dùng mạng xã hội đòi tẩy chay Facebook hay một số “ông lớn” công nghệ lao đao cũng bởi scandal chia sẻ thông tin cá nhân người dùng cho bên thứ ba. Biết là gặp nhiều rủi ro nhưng xu hướng là người dân không có nhiều lựa chọn hoặc sẽ rơi vào tình cảnh chia sẻ thông tin cá nhân một cách vô tình, trong khi những công cụ bảo mật dữ liệu cá nhân hiện vẫn còn nhiều kẽ hở. Bởi vậy, dù muốn hay không tôi chỉ biết cầu mong sự tử tế của những người đang nắm giữ thông tin cá nhân của mình.
C.B.L