Thông tin vụ tranh chấp đất đai ở Hà Lam (Thăng Bình): Xử lý lòng vòng

TRẦN HỮU 09/05/2016 08:44

Một vụ tranh chấp đất đai nhỏ nhưng các cơ quan chức năng của huyện Thăng Bình “đá” quả bóng trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết, khiến tài sản của đương sự bị thiệt hại nặng.

  • Bỗng dưng chịu thiệt!
  • Trở lại bài báo "Bỗng dưng chịu thiệt": Giải quyết rề rà
Ngôi nhà đang xây dang dở của ông Hiệp bị dừng thi công một năm qua và khu vực tranh chấp đất.  Ảnh: TR.HỮU
Ngôi nhà đang xây dang dở của ông Hiệp bị dừng thi công một năm qua và khu vực tranh chấp đất. Ảnh: TR.HỮU

Lòng vòng

Từ năm 2015, Báo Quảng Nam liên tiếp có bài phản ảnh về việc ông Phan Tấn Hiệp (trú tại thị trấn Hà Lam) gõ cửa kêu cứu các cơ quan chức năng, cụ thể là TAND huyện Thăng Bình hoàn tất hồ sơ, thủ tục đưa ra xét xử vụ tranh chấp đất đai giữa ông Hiệp với hộ ông Trần Đình Châu. Như đã thông tin, ông Phan Tấn Hiệp mua 217,4m2 đất từ Hiệu sách nhân dân cũ và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) với diện tích 205m2. Ông xây dựng nhà ở đúng diện tích và giấy phép do UBND huyện Thăng Bình cấp. Khoảng cách ranh giới giữa nhà ông Hiệp và nhà ông Châu 10 - 30cm. Khi ông Hiệp làm nhà thì ông Trần Đình Châu khởi kiện ông lấn chiếm 7,9m2 đất (0,27m x 29m). Ngày 30.7.2015, TAND huyện Thăng Bình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp, tạm thời đình chỉ không cho hộ ông Hiệp xây dựng phần đất gọi là tranh chấp. Trên cơ sở đó, ngày 31.7.2015, Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Thăng Bình ban hành 2 quyết định về Thi hành án chủ động và cưỡng chế không được xây dựng. Ngày 21.10.2015, TAND huyện ra Quyết định số 09/2015/QĐ-ST về việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ tranh chấp giữa ông Châu và ông Hiệp. Sau đó, ngày 22.12.2015, TAND huyện Thăng Bình ra quyết định tạm đình chỉ vụ án với lý do “chưa có công văn trả lời, đồng thời hiện nay Văn phòng đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) tỉnh chưa hoàn tất hồ sơ đo đạc máy đối với số đo và diện tích của hai thửa 255 và thửa 293. Cần đợi UBND huyện trả lời các yêu cầu của tòa án”.

Ngày 28.1.2016, UBND huyện có văn bản phúc đáp từng nội dung yêu cầu của TAND huyện Thăng Bình ngày 17.12.2015. Theo đó giải thích cụ thể về những đề nghị của tòa, đặc biệt làm rõ sự khác biệt về số đo các cạnh theo hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ của ông Hiệp tại thửa đất số 255, tờ bản đồ số 29. UBND huyện khẳng định, cấp giấy chứng nhận QSDĐ 205m2 cho ông Hiệp là đúng với hiện trạng sử dụng đất, phù hợp với quy định pháp luật. Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho rằng, việc TAND huyện ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự về tranh chấp QSDĐ giữa ông Châu và ông Hiệp với lý do UBND huyện chưa có văn bản trả lời các yêu cầu của tòa là không đúng.

Điều làm ông Hiệp bức xúc là trong việc đo đạc lại diện tích đất đai bằng máy vào ngày 3.12.2015, Thẩm phán TAND huyện Thăng Bình Trần Mạnh Dũng là người trực tiếp thụ lý vụ án, đồng thời trực tiếp hợp đồng với Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh nhưng đã tự ý cắm mốc, vạch sơn cho cán bộ đo đạc không khách quan và cố tình kéo dài hơn 5 tháng mới có kết quả.  “Một năm trôi qua công trình phải ngừng thi công; toàn bộ vật tư, sắt thép bị hự hại, gia đình chỉ mong tòa án công tâm, sớm đưa ra xét xử phân định đúng sai rõ ràng” - ông Hiệp nói.

Cố tình gây khó?

Thẩm phán Trần Mạnh Dũng bảo rằng, vụ việc quá phức tạp chứ không đơn giản dù diện tích tranh chấp nhỏ, tài sản định giá thấp, các đương sự căng thẳng. Ông Dũng thông tin, số liệu đo đạc bằng thiết bị máy móc của Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh cho thấy, diện tích ông Châu thiếu, trong khi diện tích xây dựng nhà của ông Hiệp thừa so với “bìa đỏ”. Trả lời câu hỏi vì sao có kết quả đo đạc rồi vẫn rề rà đưa ra xét xử, ông Dũng cho biết, tòa có văn bản gửi UBND huyện phải giải thích về sự chênh lệch giữa diện tích thực tế và diện tích ghi trong “bìa đỏ”. Sau đó, cơ quan tòa án xem huyện trả lời ra sao mới tính tiếp. Đương nhiên, tòa sẽ mời ông Hiệp lên giải quyết.

Từ vụ tranh chấp này, đã phát sinh một diễn biến mới về rắc rối trong số liệu đo đạc đất đai bằng máy chênh lệch với đo bằng thước dây trước đây. “Đo bằng máy hay bằng thước dây cái nào đúng hơn tôi không dám khẳng định vì không phải công việc chuyên môn, nhưng đo gì đi nữa thì phải đảm bảo đảm tính chính xác. Nếu không đồng ý với kết quả đo bằng máy của Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh, ông Hiệp có quyền mời đơn vị khác nhưng tòa sẽ xem xét có đảm bảo tư cách pháp nhân hay không” - ông Dũng nói.

TAND huyện Thăng Bình nói, vụ việc kéo dài do chờ kết quả công bố số liệu của Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh và trả lời của UBND huyện. Trong khi đó, cả 2 cơ quan này lại khẳng định đã làm hết trách nhiệm, phần việc còn lại thuộc thẩm quyền của tòa. Ông Lưu Văn Ba - Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh khẳng định, qua làm việc với cán bộ phụ trách đo đạc, số liệu đo đạc lâu có kết quả do cơ quan tòa án chậm cung cấp thông tin. Việc trích đo địa chính phải có tọa độ, mà bằng máy thì chính xác. Nếu thời gian kéo dài từ 5 - 6 tháng, đơn vị có thể đo đạc bằng máy xong cho cả một xã. “Nói chung lỗi từ phía tòa chậm cung cấp thông tin đầy đủ” - ông Ba nói

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thông tin vụ tranh chấp đất đai ở Hà Lam (Thăng Bình): Xử lý lòng vòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO