Thông tuyến bảo hiểm y tế: Cần có phương án ứng phó quá tải

LÊ QUÂN - DƯƠNG NGUYỄN 06/12/2016 08:24

Việc thông tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) dẫn đến tình trạng quá tải tại các trung tâm y tế huyện, bệnh viện (BV) hạng 2, đồng thời tạo nên sự cạnh tranh về chất lượng giữa các cơ sở khám chữa bệnh để thu hút bệnh nhân.

Báo động quá tải

Theo quy định của Luật BHYT, từ 1.1.2016, người bệnh được chọn nơi khám chữa bệnh ở các cơ sở khám chữa bệnh cùng tuyến trong cùng địa bàn tỉnh nhưng vẫn được quỹ BHYT chi trả đúng mức theo quy định. Người bệnh đang dần trở thành trung tâm phục vụ của ngành y tế, còn các bệnh viện bắt đầu cạnh tranh về chất lượng chuyên môn và thái độ phục vụ. Người có thẻ BHYT khi khám chữa bệnh không phải qua trạm y tế tuyến xã để khám chữa bệnh ban đầu hay phải xin giấy chuyển tuyến như lâu nay, mà có thể đến thẳng các cơ sở khám chữa bệnh bất kỳ ở tuyến huyện hoặc các BV hạng 2 trong phạm vi tỉnh.

Vì vậy, người dân ở các huyện lân cận thành phố thường chọn về khám bệnh tại các cơ sở y tế, đặc biệt là BV tư trên địa bàn dẫn đến tình trạng quá tải. Theo ông Nguyễn Hoàng Viên - Giám đốc BV Thái Bình Dương Tam Kỳ, từ khi tổ chức thông tuyến lượng bệnh nhân đến BV tăng 150% so với trước. Đặc biệt thời gian cuối tuần, có ngày đạt hơn 1 ngàn lượt khám. Đây là điều đáng mừng nhưng cũng là thách thức đối với BV. Phải làm sao đạt chất lượng phục vụ cũng như đủ nguồn lực để thăm khám, để bệnh nhân tin tưởng đến với mình mỗi khi có bệnh” - ông Viên nói.

Ngày càng đông người dân đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện tư nhân.  Trong ảnh: Người dân chờ đến lượt khám tại Bệnh viện Đa khoa Minh Thiện.
Ngày càng đông người dân đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện tư nhân. Trong ảnh: Người dân chờ đến lượt khám tại Bệnh viện Đa khoa Minh Thiện.

Tương tự, các BV tư nhân khác trong tỉnh như: Minh Thiện, Thăng Hoa, Vĩnh Đức… trung bình mỗi cơ sở tăng từ 25% trở lên; có nơi đột biến tăng đến 250% khiến ban lãnh đạo BV phải có phương án phòng chống quá tải. Ông Phạm Ngọc Hòa Bình - Giám đốc BV Minh Thiện (Tam Kỳ) cho biết, từ trước khi tổ chức thông tuyến khám chữa bệnh BHYT, phía BV đã dự đoán tình hình nên đã lên  phương án chống quá tải. “Hiện nay BV đang xin UBND tỉnh chủ trương để được mở rộng BV trong thời gian tới nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị nội trú của bệnh nhân. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của BV cũng thường xuyên được bổ sung, đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh. Từ cuối năm 2015 đến nay, BV đã bổ sung thêm 40 cán bộ công nhân viên để phục vụ tốt hơn” - ông Bình nói.

Vào cuộc cạnh tranh

Tình trạng quá tải không chỉ diễn ra ở các BV tư nhân mà ngay cả các cơ sở y tế công lập. Ông Võ Đôn - Giám đốc BV Đa khoa khu vực Quảng Nam (trụ sở ở Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn) cho biết, lượng bệnh nhân đổ về đây ngày càng đông sau khi áp dụng thông tuyến BHYT. “Bệnh nhân đông nhưng cơ sở vật chất của BV còn hạn chế nên nhiều trường hợp cho xuất viện sớm hơn thời gian quy định sau khi đã kiểm tra không có nguy hiểm gì nữa” - bác sĩ Đôn cho hay. Ở các trung tâm y tế huyện cũng đang gặp phải tình trạng tương tự khi có nơi phải tiếp nhận trung bình 500 - 1.000 lượt người đến khám chữa bệnh như: Trung tâm Y tế thị xã Điện Bàn, Núi Thành, Phú Ninh…

Hiện nay, trừ những trường hợp ở quá xa, còn lại hầu như người dân đều chọn BV tư gần nhất để khám chữa bệnh. “Chịu khó đi xa một chút nhưng được khám kỹ càng hơn với nhiều máy móc hiện đại làm mình yên tâm hơn” - bà Phạm Thị Hải, ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước cho hay. Ngay tại TP.Tam Kỳ, nhiều phụ huynh có con dưới 6 tuổi vẫn đến BV tư để khám chữa các bệnh thông thường hơn là chọn về đúng BV Nhi. Bởi khám chữa bệnh ở BV tư nhanh gọn, chất lượng không thua kém, nhất là hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo.

Trước nhu cầu này, các BV tư “tổng lực” đầu tư nâng cao chất lượng. Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Viên, trong 2 năm trở lại đây BV đã tiếp nhận, thu dung 170 cán bộ công nhân viên về làm việc tại BV. Chú trọng nguồn nhân lực rất quan trọng, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân, tránh trường hợp một bác sĩ phải khám chữa bệnh cho quá nhiều người trong một ngày, khi đó chất lượng cũng không đảm bảo. Theo ông Dương Ngọc Vinh - Phó Giám đốc BV Đa khoa Quảng Nam, đến thời điểm hiện tại thì số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại đây không thay nhiều so với thời điểm trước khi thông tuyến bởi BV thuộc tuyến tỉnh. Nhưng đến năm 2020, việc khám chữa bệnh BHYT sẽ thông tuyến toàn tỉnh, chưa kể BV công cũng sẽ phải tự trả lương cũng như tiền mua sắm trang thiết bị. Vì vậy phải có phương án cụ thể để kịp lộ trình, nếu không sẽ khó cạnh tranh.

 “Với xu hướng hiện tại buộc các BV phải vận động, tự đổi mới, nhất là đối với các BV phía công lập để đảm bảo chất lượng phục vụ. Người bệnh luôn chọn nơi uy tín, chất lượng để chăm sóc sức khỏe. Chính vì vậy, nếu không chịu khó thay đổi để đáp ứng nhu cầu, lấy bệnh nhân làm đích đến thì rất khó để cạnh tranh với các nơi khác. Hiện nay, xu hướng y tế tư nhân dần được chấp nhận và tạo điều kiện thuận lợi hơn, từ cơ chế hành chính cũng như chính sách về BHYT. Tuy nhiên, làm thế nào để lợi ích cuối cùng thuộc về người dân chứ không phải tình trạng “bội chi” quỹ BHYT như thời gian gần đây, vẫn là câu chuyện khác” - ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.

LÊ QUÂN - DƯƠNG NGUYỄN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thông tuyến bảo hiểm y tế: Cần có phương án ứng phó quá tải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO