Từ 1.1.2016, người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu tại y tế xã có thể khám ban đầu tại bệnh viện tuyến huyện.
Theo cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, việc quy định KCB theo tuyến nhằm đảm bảo cho người tham gia BHYT tiếp cận dịch vụ y tế phù hợp với tình trạng bệnh lý. Người bệnh sẽ được chuyển tuyến giữa các cơ sở KCB theo yêu cầu chuyên môn. Việc KCB theo tuyến còn nhằm giảm tải cho các cơ sở tuyến trên, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn lực của y tế tuyến dưới, đồng thời nâng cao chất lượng quản lý sức khỏe cộng đồng. Theo quy định của pháp luật về BHYT, người tham gia BHYT được lựa chọn các cơ sở y tế để đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã không phân biệt địa giới hành chính và tại cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến trung ương theo hướng dẫn của Sở Y tế và tổ chức bảo hiểm xã hội để phù hợp với thực tế tổ chức hệ thống y tế ở địa phương và đáp ứng nhu cầu KCB của người tham gia BHYT.
Trong sự phát triển và sự cần thiết, Luật BHYT đã quy định, từ ngày 1.1.2016, người đăng ký KCB ban đầu tại tuyến xã có thể lên khám tại Trung tâm Y tế tuyến huyện mà không cần có giấy chuyển tuyến. Việc thông tuyến này giúp người bệnh được lựa chọn dịch vụ y tế tại các đơn vị, do đó các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến quận, huyện sẽ phải nâng cao chất lượng phục vụ, chuyên môn. Đồng thời người có thẻ BHYT đăng ký khám tại bệnh viện cấp huyện có thể KCB tại các cơ sở cùng hạng trên địa bàn (trong một tỉnh, thành phố).
Tuy nhiên, do chưa có hệ thống thông tin kết nối giữa các cơ sở KCB với nhau, nên có thể có tình trạng một người khám nhiều nơi, dẫn đến lạm dụng dịch vụ, tăng chi phí không cần thiết. Nhưng lo ngại hơn cả, do đi khám nhiều chỗ, mỗi chỗ có thể cho một đơn thuốc khác nhau cho cùng một bệnh. Nếu bệnh nhân uống cùng lúc nhiều loại thuốc có cùng một hoạt chất, có thể bị quá liều, dẫn đến ngộ độc hoặc những phản ứng nguy hiểm. Vì vậy theo lưu ý của cơ quan bộ phận giám định BHYT thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh, người bệnh cần thông tin cho bác sĩ đầy đủ, đúng sự thật về tình trạng bệnh, các thuốc, các dịch vụ đã sử dụng để được tư vấn, kê đơn phù hợp. Thầy thuốc cần tăng cường khai thác tiền sử KCB của bệnh nhân để có chỉ định phù hợp, an toàn cho người bệnh.
LÊ DIỄM