(QNO) - Chiều tối nay 8.10, Giám đốc Sở GTVT Văn Anh Tuấn có báo cáo gửi UBND tỉnh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cùng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh về tình hình giao thông và sơ bộ khối lượng thiệt hại các tuyến đường trên địa bàn tỉnh.
Theo cập nhật mới nhất, các quốc lộ (QL) do Cục Quản lý đường bộ III quản lý gồm đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông, QL14G và QL1 thông xe bình thường. Đối với các tuyến QL ủy quyền cho Sở GTVT quản lý, đất đá sạt lở làm tràn lấp mặt đường, cống thoát nước, rãnh dọc với khối lượng 7.350m3; kinh phí thiệt hại (ước tính) 294 triệu đồng.
Cụ thể về công tác khắc phục, ông Văn Anh Tuấn cho biết vào lúc hơn 15 giờ chiều nay đã thông xe bước một trên QL14B, tại các lý trình km68+500 và km68+700 trước đó do nước tràn cuốn đất đá tràn lấp mặt đường. Đơn vị quản lý đường đang tiếp tục cho hốt dọn khối lượng cát tràn lấp mặt đường, khơi thông lòng cống; đồng thời cảnh báo, điều tiết đảm bảo an toàn QL14B. Trên QL14D, đất đá sạt lở gây ách tắc tại km13+27 và km23+900 đã được khắc phục thông xe bước một. Các tuyến QL còn lại vẫn thông xe bình thường.
Trên các tuyến đường tỉnh (ĐT), tắc đường còn xảy ra tại km7+700 đến km8+100 của tuyến ĐT615 và km2+500 của tuyến ĐT609B do nước chưa rút hết. Thuộc địa bàn Tây Giang, ách tắc lưu thông tiếp tục xảy ra trên ĐT606 tại ngầm xã Lăng do nước ngập sâu; đồng thời đất đá sạt lở lấp mặt đường nhiều điểm từ km12+000 đến km62+000.
Đối với đường do địa phương quản lý, chiều nay Sở GTVT chỉ mới nhận được báo cáo của huyện Đông Giang với tuyến ĐH11.ĐG (Kà Dăng - AXờ, xã Mà Cooih) sạt lở taluy âm ước tính khoảng 17.025m3 và tuyến ĐH15.ĐG (thị trấn Prao) sạt lở taluy âm ước tính khoảng 540m3.
Ngay sáng hôm nay, lãnh đạo Sở GTVT đã đến hiện trường phối hợp với địa phương và các ngành liên quan kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ. Đối với các vị trí ngập lụt gây ách tắc giao thông, ngành chức năng yêu cầu đặt biển cảnh báo trước vị trí ngập lụt, tổ chức chốt chặn không cho lưu thông. Đối với các vị trí bị sụt trượt, sạt lở, tràn lấp mương dọc, mặt đường, ngoài cảnh báo đảm bảo an toàn giao thông, các đơn vị quản lý triển khai ngay xúc dọn đất sạt lở, sụt trượt, khơi thông rãnh thoát nước dọc, đảm bảo nước thoát không chảy tràn ra mặt đường nhằm kịp thời bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Ngành chức năng cũng đã yêu cầu Thanh tra Sở GTVT phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông và các địa phương phân luồng giao thông từ xa và lưu thông đảm bảo an toàn. Các đơn vị bảo trì đường bộ, đường thủy nội địa phải tiếp tục theo dõi tình hình mưa lũ, dọn dẹp đảm bảo giao thông bước một; chuẩn bị nhân lực, máy móc để sẵn sàng xử lý, khắc phục khi có sự cố sạt lở xảy ra; phối hợp cùng địa phương xác định mức độ thiệt hại và đề xuất biện pháp khắc phục để đảm bảo giao thông đi lại được an toàn, thông suốt.