Câu lạc bộ (CLB) Nghiên cứu, sưu tầm cổ vật UNESCO Quảng Nam sẽ ra mắt trong tuần tới, như một cách để tạo nên không gian hội ngộ của những người có thú chơi đồ cổ ở xứ Quảng...
Giới chơi cổ vật xứ Quảng sẽ có một”điểm hẹn” để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và đam mê của mình. Ảnh: S.A |
Tụ hội những người yêu cổ vật
Anh Phạm Văn Phát - Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu, sưu tầm cổ vật UNESCO Quảng Nam cho biết, việc thành lập nên CLB chính là mong muốn có từ khá lâu của nhiều anh em sưu tập đồ cổ Quảng Nam. “Người có thú sưu tầm cổ vật tại Quảng Nam có khá nhiều. Nhưng bao lâu nay, chúng tôi thường hoạt động cá nhân, riêng rẽ, ít cơ hội gặp gỡ nhau, cũng như nhiều anh em chưa hiểu biết về Luật Di sản, các cơ sở pháp lý khi sưu tầm hiện vật. CLB Nghiên cứu, sưu tầm cổ vật UNESCO Quảng Nam sẽ cố gắng để tạo sự đoàn kết, gắn bó trong anh em, là nơi có thể kết nối những người đam mê cổ vật trong cả tỉnh, thậm chí mở rộng đến các tỉnh thành bạn” - anh Phạm Văn Phát nói.
Dự kiến, CLB Nghiên cứu, sưu tầm cổ vật sẽ ra mắt tại Bảo tàng tỉnh Quảng Nam vào ngày 5.3. Các thành viên CLB sẽ trao tặng 40 hiện vật cho Bảo tàng Quảng Nam, trong đó có 1 bộ sưu tập tiền cổ từ các triều đại. |
Giới sưu tầm và nghiên cứu cổ vật Quảng Nam từ bây giờ có thể thỏa lòng vì có hẳn một sân chơi bổ ích, lành mạnh, góp phần bảo tồn, gìn giữ cổ vật và các di sản văn hóa của dân tộc. Anh Phát cho biết, nếu nhẩm tính sơ về số lượng hiện vật giới tư nhân đang nắm, con số có thể lên đến hàng chục ngàn. Tuy nhiên, có những người bắt đầu từ khá lâu, hơn 10 năm, nhưng cũng có những người mới bắt đầu từ vài năm trở lại đây. Hiện tại, số thành viên của CLB là 15 hội viên, trong đó 6 người đã có thẻ hội viên của CLB UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Việt Nam. Rất nhiều hiện vật có giá trị cả về mặt văn hóa, lịch sử lẫn trị giá rất cao trên các sàn đấu giá cổ vật, đang được các hội viên của CLB Nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Quảng Nam sở hữu.
Lên “tay nghề” lẫn “mắt nghề”, tạo một sân chơi để hội tụ những người đam mê đồ cổ, cũng là cách để làm giàu có và phong phú, đa dạng bộ sưu tập hiện vật tại xứ Quảng. Theo một hội viên của CLB, ngoài việc sưu tầm, nghiên cứu cổ vật, góp phần bảo tồn di sản văn hóa, trước đây, nhóm những người có thú chơi đồ cổ này còn nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ kinh nghiệm và kiến thức cho những anh em đam mê nghiên cứu, muốn tìm hiểu về cổ vật. “Trước đây, một số anh em chơi cổ vật chưa có kinh nghiệm đã không ít lần bị “dính”, có người mất tiền tỷ bởi mua phải đồ giả. Qua những lần sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, “mắt nghề” và “tay nghề” của anh em đã vững và tiến bộ lên rất nhiều…” - hội viên này nói.
Cổ vật kỳ duyên
Khá nhiều cổ vật mà phải “gặp duyên” người chơi mới có thể sở hữu được. Giới chơi đồ cổ đã từng chứng kiến những chuyện rất bi hài trong mua bán, lưu giữ cổ vật liên quan đến các quy định của Luật Di sản và các văn bản pháp luật liên quan đến cổ vật và cổ vật tư nhân. Còn nhớ năm 2015, ông Nguyễn Mười (TP.Đà Nẵng) - một đại gia đồ cổ có tiếng, sau 12 năm chờ đợi, kiên trì bám trụ, đeo đuổi, ông được nhận lại 1.457 cổ vật trong do Công an tỉnh Quảng Nam thu giữ. Đây như một bài học để giới chơi cổ vật phải tìm hiểu và trang bị các kiến thức pháp lý cần thiết.
Trong khi đó, việc đánh giá giá trị của cổ vật hiện nay giữa ngành bảo tàng và các nhà sưu tầm cổ vật vẫn còn một khoảng cách, một độ vênh nhất định. Chính điều này vô tình làm một số nhà sưu tầm cổ vật có tâm lý “e ngại” khi mang cổ vật đến tham gia (hoặc cho mượn) trưng bày triển lãm để giới thiệu với công chúng tại các bảo tàng. Anh Phạm Văn Phát chia sẻ thêm, thật giả lẫn lộn khiến các nhà sưu tập tại Quảng Nam e ngại tham gia tại các cuộc triển lãm cổ vật ở nhiều địa phương. “Mảng mờ” lớn nhất trong bức tranh toàn cảnh về cổ vật Việt Nam có lẽ là thuộc về lĩnh vực giám định. Tiến sĩ Phạm Quốc Quân – thành viên Hội đồng Di sản quốc gia, cho biết, hiện nay, giá trị cổ vật hầu hết được những người sưu tầm đánh giá chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và cảm tính. Việc định giá mua bán gặp không ít trở ngại do chưa có những thước đo giá trị thực của cổ vật, tác phẩm để làm căn cứ mà chỉ đơn thuần là sự thỏa thuận giữa hai bên. Đồng thời việc giám định về giá trị khoa học, giá trị kinh tế chưa được thực hiện do thiếu chuyên gia, thiết bị…
Có thêm một sân chơi để giới sưu tầm cổ vật xứ Quảng hội ngộ, cũng là thêm một “điểm hẹn” để biết đâu, những câu chuyện hay, các giá trị đặc sắc của cổ vật sẽ được chia sẻ đến đông đảo người quan tâm. Quảng Nam vốn dĩ là vùng đất có rất nhiều trầm tích văn hóa của nhiều nền văn minh, do đó, giới chơi đồ cổ cả nước nhận định đây vẫn là địa phương có số lượng lớn cổ vật giá trị. Tạo điều kiện để những người có đam mê sưu tầm cổ vật “lộ diện”, góp thêm một điểm nhấn văn hóa cho vùng đất là điều nên chăng.
SONG ANH