Thu gom và xử lý bèo lục bình

GIANG BIÊN - THU SƯƠNG 17/08/2017 08:36

Nỗi lo về vấn nạn bèo lục bình tấn công đất sản xuất nông nghiệp ở các xã vùng đông của huyện Thăng Bình đã dần xóa tan khi mới đây, Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện triển khai và áp dụng thành công mô hình “Thu gom và xử lý bèo lục bình”.

Mô hình cung cấp lượng phân bón tốt cho cây trồng.
Mô hình cung cấp lượng phân bón tốt cho cây trồng.

Tại xã Bình Đào, hàng năm có hơn 40ha diện tích mặt nước sông Trường Giang bị bèo lục bình lấp. Mặc dù, UBND xã Bình Đào đã tập trung nhân lực và kinh phí để tổ chức vớt bèo trên sông, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, thảm bèo trở lại gần như nguyên trạng. Trước thực tế này, vào tháng 6.2017, dưới sự hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh, Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Thăng Bình đã triển khai mô hình “Thu gom và xử lý bèo lục bình” tại thôn Vân Tiên, bước đầu có gần 10 hộ tham gia. Ngay khi triển khai, các hộ dân đã được hướng dẫn về kỹ thuật ủ bèo lục bình bằng chế phẩm sinh học để tạo phân bón hữu cơ cho cây trồng và được hỗ trợ 1 máy băm bèo. Ông Trần Quốc Trưởng (thôn Vân Tiên, xã Bình Đào) là một trong số những hộ tham gia mô hình này. Theo ông Trưởng, ban đầu ông vớt bèo dọc theo tuyến sông Trường Giang, sau đó dùng máy băm bèo. Khi bèo được cắt thành từng khúc nhỏ đem trộn với phân chuồng, chế phẩm trichoderma và phân super lân theo lượng quy định. Tất cả được trộn thành đống lớn phủ bạt, chỉ sau thời gian ngắn trở thành phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng. “Hiện nay, phân bón hữu cơ chúng tôi đã bón cho cây hoa màu, qua dùng thử nghiệm, thấy cây sinh trưởng và phát triển rất tốt. Mặt khác, một lượng lớn bèo lục bình được vớt lên khơi thông được dòng chảy tạo thuận lợi cho việc lấy nước vào ruộng” - ông Trưởng nói thêm.

Không chỉ tại Bình Đào, các địa phương như Bình Giang, Bình Dương, Bình Triều, Bình Nam và Bình Sa đều có chung vấn nạn của bèo lục bình. Mỗi năm các xã vùng đông có trên 70ha diện tích đất sản xuất bị bao phủ bởi bèo lục bình. Vì vậy, lòng sông Trường Giang bị tắc nghẽn dòng chảy, gây ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh. Theo ông Hồ Ngọc Quảng - phụ trách Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Thăng Bình, khi mô hình “thu gom và xử lý bèo lục bình” được nhân rộng ở các xã cánh đông của huyện giúp giải quyết được lượng bèo khá lớn, hạn chế được nơi cư trú của chuột, dịch hại gây hại trên cây trồng. Mặt khác, hiện nay, trong sản xuất người dân lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật kéo theo chi phí đầu tư rất lớn. Trong khi đó, qua tính toán chúng tôi thấy rằng để có 1kg phân bón hữu cơ từ bèo lục bình chỉ tốn chi phí gần 1.000 đồng, so với phân bón ngoài thị trường rẻ hơn nhiều. Như vậy khi thực hiện mô hình vớt bèo ủ thành phân và sử dụng làm phân bón giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. “Qua thời gian triển khai mô hình, hiệu quả về xã hội làm tăng tính cộng đồng, ý thức của nông dân về tận dụng khai thác những sản phẩm sẵn có tại địa phương. Nông dân ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, làm quen với kiểu canh tác bằng phân hữu cơ sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học và tiết giảm chi phí”-  ông Quảng nói.

GIANG BIÊN - THU SƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thu gom và xử lý bèo lục bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO