Thu gom vũ khí trong dân

VĨNH LỘC 28/03/2016 08:55

Phong trào vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật nổ và các công cụ hỗ trợ đã được ngành công an và các cấp chính quyền, đoàn thể huyện Tây Giang triển khai thực hiện hiệu quả.

Vận động là chính

Thượng tá Nguyễn Văn Cần - Phó Trưởng Công an huyện Tây Giang cho biết, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và các công cụ hỗ trợ nên thời gian qua trên địa bàn huyện không có tình trạng người dân sử dụng các phương tiện vũ khí để gây thương tích. Điều này góp phần rất lớn trong việc giữ gìn an ninh trật tự, nhất là ở các địa bàn biên giới. Kết quả trên cũng cho thấy ý thức về sử dụng các phương tiện, vũ khí trái phép trong đồng bào đã được nâng lên rõ rệt. Người dân đã tự nguyện giao nộp, từ  loại đơn giản như dao, cung, tên đến những loại đòi hỏi kỹ thuật chế tác, sử dụng cao như súng các loại…

Hàng chục vũ khí các loại đã được người dân tự nguyện giao nộp cho công an. Ảnh: V.L
Hàng chục vũ khí các loại đã được người dân tự nguyện giao nộp cho công an. Ảnh: V.L

Tuy nhiên, theo Thượng tá Nguyễn Văn Cần, dù đơn giản hay phức tạp, các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ này nếu để tiếp tục trôi nổi trong dân rất nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng nếu có mâu thuẫn xảy ra. “Tây Giang có địa bàn khá phức tạp, đặc biệt có 8 xã biên giới giáp với nước bạn Lào. Đồng bào nơi đây phần đông là người Cơ Tu, tập tục sinh sống, sản xuất hiện nay ít nhiều vẫn còn mang tính “du canh, du cư”, săn bắn nên thường mang bên mình các loại vũ khí như súng săn, dao, cung tên. Nếu bản thân họ và các thành viên trong cộng đồng có mâu thuẫn thì mức độ nguy hiểm do sử dụng các loại vũ khí này mang lại là rất lớn, đặc biệt là súng săn. Mỗi cây súng săn tự chế đôi khi có giá mua bán khoảng vài triệu đồng. Đây là khoản tiền không nhỏ đối với người dân nên để vận động họ đồng ý giao nộp là không hề đơn giản” - ông Cần phân tích.

Sâu sát từng thôn, bản

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Cần, có những thôn, làng xa xôi, đường sá đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa, nên công tác xuống thôn, bản để tuyên truyền cho người dân về tác hại của việc tàng trữ và sử dụng súng gặp nhiều khó khăn. Có điểm thôn cán bộ, chiến sĩ phải băng rừng, vượt suối đi bộ hàng giờ đồng hồ mới đến nơi. Chưa kể, do tập tục của người dân là ban ngày đi làm trên rẫy, chiều tối mới về nhà nên công tác tuyên truyền phải được thực hiện vào buổi tối. “Cứ nghĩ đến sự bình an của nhân dân và trật tự an toàn trên địa bàn huyện là chúng tôi thấy trách nhiệm phải vượt qua mọi khó khăn. Có lẽ vì vậy mà đến nay hiệu quả của phong trào đã không ngừng lan rộng đến tận những bản làng xa xôi nhất. Đặc biệt, đồng bào cũng đã hiểu và hợp tác tốt hơn với công an trong giao nộp vũ khí, đó chính là sự khích lệ lớn nhất mà chúng tôi có được”- Thượng tá Nguyễn Văn Cần chia sẻ.

Theo ông Blinh Bớt - Đội trưởng Đội xây dựng phong trào và phụ trách xã về an ninh trật tự Công an huyện Tây Giang, để người dân đồng ý giao nộp vũ khí, các chiến sĩ công an phải thường xuyên bám địa bàn, bám dân. Đồng thời tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể xã, thôn, công an xã điều tra, xác minh đối tượng lưu giữ, từ đó gặp gỡ để tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con giao nộp. Với những vũ khí có giá trị cao như các loại súng săn, việc vận động phải kiên trì hơn như nhờ đến những người có uy tín là già làng, trưởng thôn đến thuyết phục. “Muốn đồng bào tự giác giao nộp, chúng tôi phải tổ chức làm gương trong cán bộ, chiến sĩ từ Công an huyện đến cán bộ của xã, thôn, buôn không được sử dụng, tàng trữ các loại vũ khí này để đồng bào làm theo. Ngoài ra, để tạo sự gần gũi, trong quá trình thuyết phục chúng tôi cũng chỉ cử những cán bộ là người địa phương, thông thạo tiếng Cơ Tu xuống tiếp xúc người dân thực hiện việc tuyên truyền để đạt hiệu quả cao nhất” - ông  Blinh Bớt cho biết.

Ông Bơlong Bheng - tổ tự quản Arớch (xã A Lăng), người vừa tự giác đến để giao nộp khẩu súng săn bắn bằng tia lazer cho biết: “Khẩu súng này đã gắn bó với hai cha con tôi được hơn 5 năm và dùng để săn bắn. Nghe lời tuyên truyền, vận động của Công an huyện nên tôi nghiêm túc chấp hành”. Tương tự, anh Bơlong Ablư - người cùng thôn vừa bàn giao khẩu súng tự chế cho Công an huyện, nói: “Giữ khẩu súng trong nhà cũng sợ kẻ xấu lấy trộm rồi làm bậy, nên tôi quyết định giao khẩu súng lại cho công an giữ”.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thu gom vũ khí trong dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO