Thu gom xử lý rác thải: Người dân nợ tiền doanh nghiệp

TRẦN HỮU 08/04/2016 09:03

Người dân nợ tiền thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt; các khu - cụm công nghiệp thiếu nguồn lực đầu tư hạ tầng, hệ thống xử lý môi trường... là những khó khăn mà nhiều địa phương đang đối mặt.

Tại huyện Thăng Bình, lượng chất thải rắn, rác thải sinh hoạt xả ra mỗi ngày ước khoảng 54 tấn, nhưng khối lượng rác thải thu gom chưa đạt 23 tấn/ngày. Đến nay trên địa bàn huyện có 22/22 xã, thị trấn thành lập tổ thu gom rác thải với 85/132 thôn, tổ tham gia (đạt tỷ lệ 64%). Khâu xử lý rác thải tồn tại nhiều hạn chế như các xã, thị trấn chưa có nhà trung chuyển rác thải sau khi thu gom gây mất mỹ quan đô thị, làng quê. Hộ gia đình tham gia đổ rác và nộp phí còn thấp. Ngay tại khu vực nông thôn ở TP.Tam Kỳ, hầu như “trắng” nhà trung chuyển rác. Các đường giao thông nông thôn nhỏ hẹp, phương tiện máy móc chuyên dụng không vào tận nơi nên không thể thu gom hết rác thải. Thực tế, phần lớn người dân ở xa đường giao thông chính, xa điểm tập kết đã tự xử lý rác thải bằng hình thức thủ công, hoặc lén vứt xuống dòng sông, con suối, cánh đồng vắng… Theo thống kê, toàn tỉnh có 15 khu xử lý rác thải, trong đó chỉ có 6 khu xử lý với hình thức chôn lấp hợp vệ sinh. Các bãi rác ở miền núi hầu như xử lý theo kiểu đốt thủ công không đảm bảo môi trường. Trong khi đó, khu vực đồng bằng, khoảng cách vận chuyển từ nơi thu gom đến điểm xử lý lại khá xa, dẫn đến tình trạng ứ đọng rác, gây bốc mùi làm ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác thu gom rác thải ở nhiều địa phương lúng túng xoay xở do thiếu tiền chi trả cho người lao động.

Nhà máy xử lý nước thải tại KCN Bắc Chu Lai. Ảnh: T.H
Nhà máy xử lý nước thải tại KCN Bắc Chu Lai. Ảnh: T.H

Nhếch nhác rác thải đầy bờ sông, bãi  biển, nhưng thời gian qua người dân xã đảo Tam Hải (Núi Thành) vẫn chưa đồng ý cho chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Quảng Nam xây dựng lò đốt thủ công tại đây, vì thế môi trường bị ô nhiễm nặng hơn. Theo Sở Tài nguyên - môi trường, về quy hoạch chất thải rắn, đa số nhân dân không đồng tình do tâm lý ngại sinh sống gần các khu xử lý rác thải. Cá biệt, nổi lên tình trạng có địa phương sử dụng quỹ đất đã quy hoạch các điểm thu gom, xử lý chất thải rắn vào mục đích khác hoặc bố trí dân cư gần khu vực quy hoạch dẫn đến khi triển khai đầu tư khu xử lý rác thải thì vị trí đã quy hoạch không còn đảm bảo các quy định hiện hành. Bãi xử lý rác thải Đại Hiệp (Đại Lộc) tiếp nhận lượng rác khổng lồ từ các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn đang quá tải, sắp lấp đầy nhưng hiện vẫn chưa hình thành địa điểm mới thay thế. Còn 8 hộ dân nằm sát bãi chứa rác Tam Xuân 2 (Núi Thành) sống chung với ô nhiễm nhiều năm, nhưng chính quyền vẫn chưa có phương án di dời, bố trí tái định cư phù hợp.

Trong số 9 khu công nghiệp (KCN) đã quy hoạch, đi vào hoạt động thì chỉ có KCN Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn) và Bắc Chu Lai (Núi Thành) có đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. KCN hậu cần cảng Tam Hiệp (Núi Thành) mới triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Còn hầu hết cơ sở hạ tầng tại các cụm công nghiệp (CCN) chưa được hoàn thiện hạ tầng; 16 CCN đã thành lập nhưng chỉ có 6 CCN có hồ sơ về bảo vệ môi trường theo quy định và chỉ có mỗi CCN Trường Xuân (Tam Kỳ) trang bị hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Do người dân đóng phí bảo vệ môi trường thấp nên nhiều vùng nông thôn xử lý rác thải theo kiểu cầm chừng. Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Quảng Nam là đơn vị chịu trách nhiệm thu gom chất thải rắn, rác thải sinh hoạt nhưng hiện các xã còn nợ doanh nghiệp này gần 3 tỷ đồng tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển. Ông Nguyễn Ngọ - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Quảng Nam thông tin, nhiều xã và người dân nợ tiền thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt “gối đầu” năm này qua năm khác. Dịch vụ xử lý vệ sinh môi trường thu không đủ bù chi. Theo tính toán sơ bộ, mỗi năm các địa phương trong tỉnh và người dân nợ tiền thu gom, vận chuyển rác thải theo theo Quyết định 1375/QĐ-UBND ngày 17.4.2015 của UBND tỉnh đến 13,6 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc với Sở Tài nguyên - môi trường hồi đầu tuần, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu lưu ý, nhiệm vụ quan trọng mà ngành tài nguyên môi trường phải triển khai năm 2016 là tăng cường công tác hậu kiểm sau đánh giá tác động môi trường; rà soát điều chỉnh quy hoạch đề án chất thải rắn theo hướng mỗi địa phương đều phải có khu xử lý rác thải; đầu tư lò đốt rác thải theo công nghệ hiện đại và xây dựng các nhà máy xử lý nước thải cho các KCN, CCN; thống nhất chủ trương cho phép lập dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý môi trường tỉnh. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư, gia đình, trường học.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thu gom xử lý rác thải: Người dân nợ tiền doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO