Ký ức từ những chuyến đi và tình yêu với vùng đất có dịp đặt chân đến được họa sĩ Đỗ Minh Nhàn dồn cả vào những bức thư họa độc đáo. Ông đang gấp rút hoàn thành bộ tranh về 100 di sản văn hóa, kỳ quan thiên nhiên thế giới để đón chào festival di sản tổ chức tại Quảng Nam vào tháng 6.2013 tới…
“Nhất chữ nhì tranh”
Không khó để tìm được phòng tranh Minh Nhàn của họa sĩ Đỗ Minh Nhàn ở 101 Nguyễn Thị Minh Khai bởi đến thời điểm hiện tại, ông là họa sĩ duy nhất ở Hội An theo đuổi và đam mê dòng thư họa. Lặng lẽ, giản dị trong cả giao tiếp và làm việc, giữa gian phòng chật kín những bức vẽ, nhiều năm qua ông miệt mài tự “vẽ” nên những kỷ lục cho chính mình.
Đỗ Minh Nhàn với những tác phẩm của mình. |
Hành trình đến với thư họa của họa sĩ Đỗ Minh Nhàn là cả một câu chuyện dài về sự khổ luyện, tâm huyết và quan trọng nhất, theo ông, là niềm đam mê. “Để cảm chữ, hiểu chữ, thổi hồn vào chữ là cả một hành trình học hỏi và không ngừng sáng tạo. Nếu thiếu đam mê, thiếu cái tâm, khó có thể theo đuổi được nghệ thuật thư họa vốn sâu sắc và tinh tế” - ông nói. Bây giờ, cứ đều đặn vào ngày rằm hàng tháng, ông lại sắm vai ông đồ với khăn đóng áo dài, bộ bút lông nghiên mực ngồi “cho chữ”. Qua bàn tay tài hoa của ông, những bài học về “tâm”, “đức”, “nhẫn” được khéo léo thổi vào từng bức thư pháp, thư họa.
Theo đuổi, khổ luyện cho thư họa, nhưng phải ngoài năm mươi tuổi ông mới thực sự “bén duyên” với những con chữ đầy nghệ thuật. Đó cũng là thời gian phố cổ Hội An nơi ông sinh sống được công nhận Di sản văn hóa thế giới. Kể từ đó, cùng với hình ảnh phố cổ quen thuộc, vẻ đẹp của những vùng đất, con người khắp ba miền đất nước được ông gửi gắm vào từng bức thư họa của mình. Hình ảnh thành nội Huế được phác họa nên bởi dòng thư họa “Huế ơi thành nội bây chừ ra sao?”. Hay hình ảnh nhà thờ Domaine de Marie cách điệu trong từng nét chữ mảnh mai “Đà Lạt thành phố ngàn hoa”, “Sài Gòn thành phố mùa xuân” khéo léo tạc nên hình ảnh chợ Bến Thành, “Hà Nội tôi yêu” với chùa Một Cột mang dáng vẻ một đài sen…
Chia sẻ về hội họa, về thư pháp, họa sĩ Đỗ Minh Nhàn nói: “Thư họa là đỉnh cao của nghệ thuật thư pháp. Thưởng thức thư họa là cảm nhận vẻ đẹp của con chữ bằng hình ảnh, bằng thơ, bằng nhạc, nơi người thưởng lãm có thể thả hồn theo nốt chữ, lắng nghe những âm ba một bản nhạc – thư – họa hoàn hảo. Nhất chữ, nhì tranh, đó chính là cốt lõi của thư họa, trong chữ có tranh, cảm tranh hiểu chữ”.
Gừng càng già càng cay
“Nét chữ nết người, là người nghệ sĩ, càng phải trân trọng từng đường nét, từng con chữ, càng phải dốc hết tâm, hết lực và hết đức của mình. Nếu như thư pháp đòi hỏi nhẫn nại, tinh tế và cả sự phá cách, thì thư họa càng yêu cầu tính sáng tạo, tâm huyết và phải dốc trọn cả niềm đam mê”. (Họa sĩ Đỗ Minh Nhàn) |
Du khách có dịp ghé thăm phòng tranh của họa sĩ Đỗ Minh Nhàn hẳn sẽ trầm trồ thích thú trước bức tranh tượng Phật bà Quan âm được ông vẽ nên từ 6 bài kinh phật. Để hoàn thiện được bức thư họa “kỷ lục” này, ông đã phải mất một thời gian dài để thuộc cả 6 bài kinh, để hiểu, cảm và truyền tải đức tin của mình vào bức thư họa. Không dừng lại ở đó, tài năng của họa sĩ Đỗ Minh Nhàn còn được biết đến nhiều hơn qua những bức tranh thủy mạc. Cũng như thư họa, những tác phẩm như Đà Lạt - Tình yêu và nỗi nhớ, Hội An - Đời phố trầm tĩnh… mà ông từng tham gia trong các lễ hội Festival hoa Đà Lạt, Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản… đã đem lại không ít cảm xúc cho người thưởng lãm. Trong đợt giao lưu đón đoàn khách Nga đầu tiên sang Việt Nam bằng đường bay thẳng, triển lãm hơn 20 bức tranh của ông cũng đã mang lại hiệu ứng khá tốt, được nhiều du khách khen ngợi.
Những tác phẩm của Đỗ Minh Nhàn. |
Dạy thư pháp cho người nước ngoài Ông Đỗ Minh Nhàn từng đoạt Huy chương vàng về thư pháp tại Hội hoa xuân 2007, giải nhất cuộc thi sáng tác thơ Haiku bằng tiếng Việt tại Giao lưu văn hóa Việt – Nhật lần thứ 10, Huy chương vàng thư pháp Hội Sinh vật cảnh Quảng Nam… Ngoài ra, ông đã tổ chức được 2 lớp dạy thư pháp cho người nước ngoài. |
Với mong muốn đóng góp cho lễ hội festival di sản vào tháng 6.2013 thêm đa dạng, Đỗ Minh Nhàn đã mày mò gần 2 năm trời để vẽ 100 bức tranh về di sản văn hóa khắp nơi trên thế giới. Hiện tại, ông đã hoàn thành hơn 80 bức. Mỗi bức tranh được lấy cảm hứng từ hình ảnh di sản văn hóa được UNESCO công nhận của các nước, góc bên phải những bức tranh đó là ghi chú về lịch sử hình thành cũng như đặc điểm nổi bật của mỗi di sản. Ý tưởng này đã hình thành từ những ngày ông cùng vài người bạn tham dự một số lễ hội của các nước. “Để thể hiện tình hữu nghị, đặc biệt tại một nơi có đông đảo người nước ngoài như Hội An, khi tham gia lễ hội Hành trình di sản cần phải có điều gì thể hiện lòng mến khách của chủ nhà” - ông cho biết. Ý tưởng này đã được Trung tâm Văn hóa TP.Hội An “đặt hàng” tổ chức triển lãm trong những ngày diễn ra Hành trình di sản 2013.
Đỗ Minh Nhàn đa tài bởi không chỉ viết thư pháp, vẽ tranh mà còn sáng tác thơ Haiku (thơ truyền thống Nhật Bản). Năm ngoái, ông đã đạt giải nhất thơ Haiku tiếng Việt do TP. Hội An tổ chức nhân sự kiện “Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản”. Ông chia sẻ, bén duyên với Haiku là một lẽ rất tình cờ khi ông tham gia CLB thơ Hoài phố. Những vần thơ cô đọng ấy đã cho ông cảm hứng sáng tạo tuyệt vời. Đã gần 70 tuổi, nhưng ông vẫn chưa muốn dừng cuộc chơi với thư pháp, thư họa và thơ. Bởi theo ông, “gừng càng già càng cay”, người càng trải nghiệm thì chữ hay tranh đều sẽ mang nhiều cảm xúc và linh hồn.
SONG ANH - PHƯƠNG GIANG