Thực hiện Thông báo số 467/TB-UBND ngày 30.11.2018 của UBND tỉnh về Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh (nay là Chủ tịch UBND tỉnh) tại cuộc họp bàn quản lý sử dụng đất rừng, khai thác gỗ rừng trồng và xác lập quyền của các bên liên quan trên đất rừng phòng hộ, sản xuất trong lưu vực hồ Phú Ninh, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam (BQL Phú Ninh) đang gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Chưa được khai thác gỗ rừng trồng
Khoảng thời gian trước năm 1990, gia đình ông Lê Minh Thông (thôn Phú Thọ, xã Tam Trà, Núi Thành) có canh tác lúa rẫy ở khu vực đầu sông Mùi (thuộc địa phận thôn Phú Thọ). Đến khi nguồn nước hạn chế, việc canh tác lúa không hiệu quả, gia đình ông bỏ hoang cho đến năm 2006, ông bắt đầu trồng keo trên diện tích này với khoảng 1ha. Năm 2011, ông khai thác lứa keo đầu tiên. Đến năm 2013, ông đầu tư trồng keo lại, lần này, ông cải tạo đất và mở rộng diện tích trồng keo đến cuối năm 2015 được hơn 5ha.
“Trong quá trình tôi mở rộng diện tích sản xuất, cơ quan chức năng có đến nhắc nhở là không được làm nữa vì đây là rừng phòng hộ. Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, lỡ đầu tư rồi nên tôi không chặt phá. Đến nay, có lứa keo đã 7 năm tuổi, tôi làm đơn xin khai thác nhưng chưa được chấp nhận” - ông Thông nói.
Theo Thông báo số 467/TB-UBND ngày 30.11.2018 của UBND tỉnh, trường hợp như ông Thông chỉ được khai thác keo khi cam kết trả đất sau khai thác lại cho Nhà nước. Ông đã thực hiện đúng cam kết trả đất và xin khai thác, sau đó sẽ tự bỏ vốn ra trồng rừng phòng hộ trên diện tích đã lấn chiếm với tỷ lệ 60% cây bản địa và 40% cây kinh tế, nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận.
Tương tự như trường hợp ông Thông, ông Nguyễn Tiến Sỹ (xã Tam Sơn, Núi Thành) xin khai thác diện tích 0,74ha keo do ông tự bỏ vốn để đầu tư trồng. Diện tích này chồng lấn với diện tích giao khoán quản lý, bảo vệ rừng (thuộc rừng tự nhiên) năm 2010. Năm 2015, BQL Phú Ninh đã bóc tách, trừ bỏ phần diện tích này ra khỏi diện tích giao khoán quản lý, bảo vệ rừng. Hiện ông Sỹ đã có giấy cam kết trả lại đất cho Nhà nước, đồng thời cam kết không tự ý trồng lại rừng sau khai thác và xin được khai thác số keo trên nhưng vẫn chưa được.
Đề xuất tháo gỡ bất cập
Theo ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc phụ trách BQL Phú Ninh, trong quá trình triển khai giải quyết việc khai thác gỗ rừng trồng trong rừng phòng hộ của người dân các địa phương trong lâm phận, BQL Phú Ninh gặp phải một số khó khăn, vướng mắc cần xin chỉ đạo tháo gỡ của UBND tỉnh và Sở NN&PTNT để có cơ sở đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc thu hồi diện tích đất của người dân đã lấn chiếm.
Nghị định 156/NĐ-CP của Chính phủ có quy định khai thác trắng theo đám thì diện tích đám không quá 3ha. Tuy nhiên, trong lâm phận hiện có một số diện tích đất do người dân lấn, chiếm để trồng rừng nay đã đến kỳ thu hoạch nhưng diện tích lớn hơn 3ha, từ đó gây khó khăn cho BQL Phú Ninh khi thực hiện và người dân trong quá trình giải quyết việc khai thác gỗ rừng trồng theo chủ trương của Thông báo số 467 của UBND tỉnh, như trường hợp của ông Thông.
Ngoài ra, trong Thông báo số 467 của UBND tỉnh cũng quy định BQL Phú Ninh và người dân thực hiện đồng quản lý rừng trên cơ sở xây dựng phương án trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, diện tích lâm phận bị người dân lấn, chiếm trước đây để trồng keo rất lớn (khoảng 5.094ha) với hơn 10.000 trường hợp. Việc xây dựng phương án trình cấp thẩm quyền phê duyệt sẽ mất nhiều thời gian.
“Vì những khó khăn, bất cập nêu trên, chúng tôi mong muốn cấp trên quan tâm, xem xét và chỉnh sửa quy định để chủ trương quản lý sử dụng đất rừng, khai thác gỗ rừng trồng và xác lập quyền của các bên liên quan trên đất rừng phòng hộ, sản xuất trong lưu vực hồ Phú Ninh trên tinh thần Thông báo số 467 của UBND tỉnh được thống nhất, mở hướng xử lý hiệu quả, nhanh chóng và đảm bảo quyền lợi cho nhân dân. Vì sắp vào mùa mưa bão, diện tích keo tới lứa khai thác cũng cần phải xử lý, tránh ngã đổ gây thất thoát” - ông Phước đề nghị.