Thu hồi nợ thanh toán vượt giá trị quyết toán: Tiền ngân sách có nguy cơ bị mất

TRỊNH DŨNG 11/11/2021 06:17

Thu hồi nợ thanh toán vượt giá trị quyết toán dường như là một nhiệm vụ quá gian nan, vẫn sẽ còn tiếp tục kéo dài. Tiền ngân sách có nguy cơ bị mất.

Dự án nạo vét thoát lũ khẩn cấp sông Trường Giang đã thanh toán vượt so giá trị quyết toán cần phải được thu hồi về ngân sách nhà nước. Ảnh: HÀ QUANG
Dự án nạo vét thoát lũ khẩn cấp sông Trường Giang đã thanh toán vượt so giá trị quyết toán cần phải được thu hồi về ngân sách nhà nước. Ảnh: HÀ QUANG

Nợ chồng thêm nợ

Yêu cầu 19 chủ đầu tư của 40 dự án/hạng mục công trình đã thanh toán vượt so với giá trị quyết toán được duyệt (từ 31.12.2020 trở về trước) phải thu hồi tiền vượt, nộp về ngân sách nhà nước trước ngày 5.5.2021 theo yêu cầu của UBND tỉnh không thể thực hiện được. Ông Trần Quốc Tuấn – Phó Giám đốc Sở Tài chính cho hay đã gửi rất nhiều văn bản cho các chủ đầu tư, nhưng chưa thể thu hồi được số tiền này.

Theo thống kê của Sở Tài chính, cho đến nay, chỉ có 9/19 chủ đầu tư (các dự án thẩm tra, phê duyệt quyết toán từ năm 2020 trở về trước) đã thu hồi, nộp vào ngân sách nhà nước hơn 1,36 tỷ đồng; 10/19 chủ đầu tư chưa thu hồi hết số tiền thanh toán vượt giá trị quyết toán được duyệt hơn 7,8 tỷ đồng. Nợ cũ chưa thu hồi được, lại xuất hiện thêm nợ mới.

Kết quả thẩm tra, phê duyệt quyết toán các hạng mục, công trình, dự án hoàn thành (từ 1.1.2021 - 31.8.2021) đã có thêm 12 chủ đầu tư của 18 hạng mục, dự án chưa thể thu hồi hết số tiền hơn 3,7 tỷ đồng vượt quá giá trị quyết toán.

Dự án nạo vét thoát lũ khẩn cấp sông Trường Giang đã thanh toán vượt so giá trị quyết toán cần phải được thu hồi về ngân sách nhà nước. Ảnh: T.DŨNG
Dự án nạo vét thoát lũ khẩn cấp sông Trường Giang đã thanh toán vượt so giá trị quyết toán cần phải được thu hồi về ngân sách nhà nước. Ảnh: T.DŨNG

Theo ông Trần Quốc Tuấn, hiện đã có hơn 11,6 tỷ đồng thanh toán vượt giá trị quyết toán của 23 đơn vị, địa phương chưa biết bao giờ có thể thu hồi được để nộp về ngân sách.

Số tiền “nợ” cần thu hồi sẽ tiếp tục gia tăng khi tiếp tục rà soát, thẩm tra, phê duyệt quyết toán. 14 chủ đầu tư của các hạng mục, công trình, dự án chưa thu hồi số tiền thanh toán vượt giá trị thẩm tra, phê duyệt quyết toán đã được mời đến để tham dự phiên họp bàn cách thức thu hồi, không để tồn đọng quá lâu. Tất cả đều viện dẫn khó khăn khi nhiều dự án đã thi công quá nhiều năm.

Có thể kể đến như đường nối khu dân cư Tam Hiệp đến khu dân cư chợ Trạm, kè sông Bến Ván (Núi Thành), tôn tạo cơ sở hạ tầng khu phố cổ Hội An, đường ô tô đến trung tâm xã Trà Tập (Nam Trà My), vùng nuôi tôm công nghiệp Vũng Lắm (Núi Thành)...

Các nhà thầu đã phá sản, giải thể, chuyển địa bàn hoạt động khỏi Quảng Nam, không dễ tìm kiếm hoặc chủ nhà thầu đã chết..., nên khó có thể thu hồi được toàn bộ số tiền thanh toán vượt giá trị quyết toán này.

Thậm chí, có doanh nghiệp như Công ty CP Xây dựng Quảng Nam thực hiện các hạng mục xây lắp khu dân cư phía tây đường An Hà – Quảng Phú, Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam (trước đây là Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai) làm chủ đầu tư, đã kiện ra tòa nhưng vẫn không thu hồi được.

Trách nhiệm của chủ đầu tư

 Tình trạng thanh toán vượt quyết toán hay không thể thu hồi số nợ này vào ngân sách thuộc trách nhiệm của các chủ đầu tư. Không ai khác, các chủ đầu tư đã “quyết định” cho ứng vốn vượt quá năng lực của nhà thầu và khi thanh toán vượt, các chủ đầu tư đã thiếu nỗ lực để tìm cách thu hồi về ngân sách nhà nước.

Ông Nguyễn Hồng Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói trách nhiệm trước hết là các chủ đầu tư. Khi không có khối lượng thì việc gì phải cho ứng quá nhiều. Tại sao có những công trình khối lượng xây lắp chỉ khoảng 22 tỷ mà đã cho ứng tới 42 tỷ đồng? Khi quyết toán thừa, lại không hề tạo áp lực cho nhà thầu hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán.

Có dự án chỉ thừa mấy chục nghìn đồng cũng để lại một danh mục treo trên các bảng báo cáo. Đây là sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư. Các chủ đầu tư cần có giải pháp, cam kết thời gian thu hết số nợ. Không thể để tiền nhà nước nằm mãi ở doanh nghiệp mà không thể thu hồi về cho ngân sách. Không thể để tình trạng xấu này kéo dài”.

Các chủ đầu tư cam kết sẽ tính chuyện thu hồi. Nhưng giải pháp để có thể thu hồi hết các khoản nợ này vẫn không có gì cụ thể. Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam là chủ đầu tư đến 13 dự án, công trình thanh toán vượt giá trị quyết toán cần phải thu hồi hơn 4,9 tỷ đồng (hơn 2,3 tỷ đồng của các dự án, công trình từ năm 2020 về trước và hơn 2,5 tỷ đồng năm 2021), nhưng không dễ để thu hồi.

Ông Lê Quang Triều – Phó ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam cho hay đã gửi văn bản đề nghị nhà thầu hoàn trả về ngân sách. Từ nay đến cuối năm, sẽ thu hồi một ít về ngân sách. Cơ quan này sẽ tự kiếm nguồn để trả ngân sách chứ không thể đòi được nhà thầu. Số còn lại nằm trong danh mục khó giải quyết. Sẽ cố gắng hết mức có thể nhưng không thể cam kết thời hạn thu hồi số tiền này.

Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Ảnh – Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho hay nhà thầu hứa hẹn sẽ trả lại số tiền thanh toán thừa (hơn 312 triệu đồng) của dự án khu dân cư văn hóa thương mại Bạch Đằng (từ năm 2005, quyết toán năm 2015) và hơn 45 triệu đồng của dự án quy hoạch Tam Kỳ sẽ xử lý dứt điểm vào quý I.2022.

Không thể để tình trạng không thể thu hồi tiền vượt thanh toán tiếp diễn. Ông Lê Mai Khắc Hưng – Phó Cục trưởng Cục Thuế nói quan hệ chủ đầu tư – doanh nghiệp là quan hệ kinh tế. Khi tranh chấp thì kéo nhau ra tòa. Thuế không thể can thiệp, không thể cưỡng chế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang yêu cầu tiếp tục thu hồi nợ bằng mọi cách. Sẽ tính toán lại cơ chế điều hành, bố trí mức ứng phù hợp. Không cho ứng quá nhiều khi không có khối lượng. Sẽ công khai trên các hệ thống thông tin truyền thông, hệ thống đấu thầu quốc gia những doanh nghiệp chây ì hoàn trả tiền thanh toán vượt, kèm theo việc không cho phép các doanh nghiệp này tham gia đấu thầu bất cứ dự án nào mới tại địa phương.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thu hồi nợ thanh toán vượt giá trị quyết toán: Tiền ngân sách có nguy cơ bị mất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO