Các vụ thu hồi sữa của trẻ em liên quan đến chất lượng sản phẩm khiến người tiêu dùng hết sức lo ngại và bức xúc.
Tại một chi nhánh sữa của công ty Lactalis ở Pháp. |
Nhà chức trách Pháp và Tập đoàn sữa hàng đầu tại Pháp Lactalis vừa thông báo lệnh thu hồi khoảng 7.000 tấn sữa của hãng được lưu hành trên thị trường toàn cầu bao gồm Trung Quốc, Pakistan, Anh và Sudan. Nguyên nhân có thể sản phẩm bị nhiễm khuẩn salmonella sau khi phát hiện 26 trường hợp trẻ dưới 6 tuổi mắc bệnh tại Pháp sau khi dùng sữa này. Hiện Lactalis đứng thứ 2 thế giới về ngành công nghiệp sữa, đứng đầu châu Âu về sữa và phô mai, với nhiều nhãn hiệu sữa nổi tiếng như sữa Celia, Picot, bơ President. Doanh thu năm 2015 của Lactalis lên tới 17 tỷ euro (tương đương 20 tỷ USD). Các triệu chứng nhiễm khuẩn salmonella bao gồm tiêu chảy nặng, đau bụng, buồn nôn và đau sốt. Các nhà y học cho biết nhiễm khuẩn salmonella đa số không nguy hiểm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nếu vi khuẩn salmonella lan từ ruột vào máu và các cơ quan khác, sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Hãng Lactalis thực hiện những xét nghiệm và tin rằng sự bùng phát khuẩn salmonella có thể bắt nguồn từ một tháp bay hơi dùng để làm khô sữa ở một nhà máy của hãng thuộc miền tây bắc nước Pháp. Do vậy, công ty đang áp dụng các biện pháp phòng ngừa mới để khử trùng tất cả máy móc của họ tại nhà máy.
Trước đó vào tháng 6 vừa qua, cơ quan lương thực Australia lên tiếng yêu cầu thu hồi 3 loại sữa bột danh tiếng được sản xuất tại nước này do phát hiện chứa các hạt nano có khả năng gây độc hại. Bao gồm Nestle NAN HA Gold 1, Nature’s Way Kids 1 và Heinz Nurture Original 1. Một loạt các cuộc thanh tra sữa bột dành cho trẻ sơ sinh được sản xuất và bán ra tại Australia được tiến hành. Mục đích nhằm đánh giá toàn bộ chất lượng sản phẩm có đảm bảo hay không. Các chuyên gia cho biết trẻ sơ sinh đặc biệt dễ bị rủi ro về an toàn thực phẩm vì hệ miễn dịch vẫn đang phát triển. Do đó, việc phát hiện sữa bột hay các loại sản phẩm khác dành cho trẻ nói riêng, người tiêu dùng nói chung không đảm bảo chất lượng, đe dọa sức khỏe cần được kiểm soát chặt chẽ.
Tương tự, vào cuối tháng 11 vừa qua, Trung Quốc phát hiện có ít nhất 18.000 hộp sữa của Công ty TNHH sữa Ximu Tân Cương chứa nguyên liệu quá hạn sử dụng. Cụ thể, sản phẩm trên chứa hàm lượng chất vitamin phức hợp, chất ARA và DHA đã hết hạn sử dụng. Vào tháng 4.2016, Trung Quốc tiến hành lệnh bắt nhiều người sản xuất và bán sữa công thức giả thương hiệu Similac của Mỹ tại 7 tỉnh. Trước đó, các đối tượng làm sữa bột giả đã bán hơn 17.000 hộp sữa giả, thu gần 2 triệu nhân dân tệ, tương đương gần 310.000USD. Kể từ năm 2008 khi vụ sữa nhiễm độc melamine làm nhiều trẻ em Trung Quốc tử vong gây phẫn nộ dư luận, nước này cam kết đẩy mạnh kiểm tra chất lượng sữa dành cho trẻ em nhưng tội phạm liên quan đến sữa vẫn chưa dừng lại.
Hiện nay, nhu cầu sữa tại châu Á tăng mạnh, đặc biệt là sữa công thức. Kéo theo đó, hàng loạt hãng sản xuất sữa công thức cho trẻ em đổ vào tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại khu vực. Như Mead Johnson của Mỹ - nhà sản xuất sữa công thức đứng thứ hai thế giới với khoảng đầu tư trị giá tới 16,7 tỷ USD. Tuy nhiên, sữa công thức bùng nổ tại khu vực cũng kéo theo nhiều mối quan ngại liên quan tới vấn đề an toàn thực phẩm.
QUỐC HƯNG