Tại hội nghị đối thoại với người có công (NCC) do Thường trực Tỉnh ủy tổ chức mới đây, một trong những vấn đề được nhiều NCC quan tâm và có ý kiến là việc thu hồi trợ cấp hằng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ. Đây là những trường hợp hưởng trợ cấp không đúng quy định theo Kết luận số 343 ngày 23.7.2018 của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH về việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng tại Quảng Nam.
Đình chỉ 535 trường hợp, thu hồi 61 tỷ đồng
Ông Trần Văn Chiến - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, chính sách hỗ trợ con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được thực hiện từ năm 2000.
Nhưng lúc đó thực hiện theo diện bảo trợ xã hội nên hồ sơ khá đơn giản, chỉ căn cứ vào kết quả điều tra hậu quả chiến tranh; có quy định rõ con đẻ của người hoạt động kháng chiến không còn khả năng lao động, không tự lực được trong sinh hoạt; Nhà nước trợ cấp tương đồng với nhóm trường hợp có giám định khuyết tật 81% để đảm bảo cuộc sống.
Theo tìm hiểu, sau đợt thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng trên địa bàn Quảng Nam từ ngày 8.5 đến 25.6.2018, ngày 23.7.2018 Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã có thông báo kết luận nội dung thanh tra (Kết luận số 343) chỉ ra nhiều sai sót, trong đó có việc hỗ trợ con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Thực hiện Kết luận số 343, liên quan đến sai sót trên, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các địa phương rà soát, ra quyết định đình chỉ 535 trường hợp và thu hồi tổng số tiền 61 tỷ đồng, nhưng đến nay hầu hết các trường hợp không có khả năng nộp trả.
Không có khả năng nộp trả
“Đình chỉ, thu hồi tiền hỗ trợ đối với con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là chưa thỏa đáng. Tôi thống nhất với kiến nghị của UBND TP.Tam Kỳ về xem xét việc đình chỉ và thu hồi trợ cấp đối với những trường hợp con đẻ bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, nhưng qua thời gian điều trị, phục hồi chức năng và với ý chí, nghị lực vươn lên, họ đã học tập, lao động để mưu sinh, ổn định cuộc sống. Đối tượng này cần xem xét, phân tích kỹ nhằm hiểu cho đúng nếu không sẽ thiệt thòi cho họ”.
(Ông Nguyễn Phước Sơn, cán bộ hưu trí, ở phường Phước Hòa, TP. Tam Kỳ)
Tại TP.Tam Kỳ có 13 trường hợp người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ bị đình chỉ và thu hồi tiền trợ cấp hằng tháng với tổng số tiền hơn 2,19 tỷ đồng.
Trên cơ cở các quyết định đình chỉ và thu hồi trợ cấp của Sở LĐ-TB&XH, UBND TP.Tam Kỳ đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH thành phố thực hiện việc đình chỉ và thu hồi trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ hưởng không đúng theo quy định.
Tuy nhiên, theo UBND TP.Tam Kỳ, các trường hợp này phần lớn đã cao tuổi, kinh tế gặp nhiều khó khăn, khoản trợ cấp đã nhận và chi tiêu hàng tháng nên không thể thực hiện việc thu hồi trợ cấp.
Mới đây là trường hợp ông Lê Xuân Đ. (ở phường An Sơn; hưởng trợ cấp diện con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học) bị đình chỉ trợ cấp theo Quyết định số 311 ngày 26.8.2021 của Sở LĐ-TB&XH và thu hồi số tiền gần 97 triệu đồng. Phòng LĐ-TB&XH thành phố và UBND phường An Sơn đã tổ chức làm việc (có mời đại diện Phòng NCC Sở LĐ-TB&XH) để xác định lại tình trạng dị dạng, dị tật của ông Đ.
Hiện nay, ông Đ. bị bệnh nặng, suy nhược thần kinh, sức khỏe yếu, suy giảm khả năng lao động, không có thu nhập, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không có khả năng nộp trả số tiền trên.
Hay như bà Hoàng Thị Thục Tr. (ở phường An Xuân) bị dị dạng, dị tật ở chân bẩm sinh, đi lại rất hạn chế và suy giảm khả năng lao động, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không có khả năng nộp trả số tiền 97 triệu đồng theo Quyết định số 313 ngày 20.8.2020 của Sở LĐ-TB&XH.
Phòng LĐ-TB&XH thành phố và UBND phường An Xuân đã tổ chức làm việc (có mời đại diện Phòng NCC Sở LĐ-TB&XH) để xác định lại tình trạng dị dạng, dị tật của bà Tr..
Tương tự là trường hợp bà Nguyễn Thị Th. bị bệnh tâm thần bẩm sinh, không có khả năng lao động, không chồng, không con. Hiện nay sống cùng mẹ già hơn 80 tuổi, giấy tờ đã thất lạc nên không bổ sung được giấy tờ chứng minh cha tham gia hoạt động kháng chiến từ tháng 8.1961 đến ngày 30.4.1975 trong vùng Mỹ sử dụng chất độc hóa học.
Hoàn cảnh gia đình bà quá khó khăn, thu nhập hàng tháng chủ yếu là tiền trợ cấp bảo trợ xã hội nên không có khả năng nộp trả số tiền gần 112 triệu đồng theo Quyết định số 330 ngày 19.10.2020 của Sở LĐ-TB&XH.
Ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, một số trường hợp đối tượng và gia đình không đồng ý với quyết định đình chỉ và thu hồi trợ cấp của Sở LĐ-TB&XH.
Vì bản thân họ có dị dạng, dị tật bẩm sinh và suy giảm khả năng lao động, nhưng qua quá trình điều trị và phục hồi chức năng, cùng với ý chí, nghị lực họ đã cố gắng học tập và lao động để mưu sinh, tạo thu nhập ổn định cuộc sống. Từ thực tế đó, UBND TP.Tam Kỳ kiến nghị Sở LĐ-TB&XH xem xét việc đình chỉ và thu hồi trợ cấp đối với những trường hợp nêu trên.
“Chúng tôi cũng đề nghị Sở LĐ-TB&XH phối hợp với UBND thành phố tổ chức gặp mặt, đối thoại trực tiếp với một số trường hợp còn vướng mắc để xác định cụ thể tình trạng dị dạng, dị tật và cho ý kiến thống nhất về việc thực hiện thu hồi trợ cấp theo quy định.
Xem xét và cho ý kiến đối với những trường hợp bị thu hồi trợ cấp nhưng nay đã già yếu, ốm đau thường xuyên, không còn khả năng lao động và không có thu nhập hàng tháng, một số trường hợp chỉ sống vào tiền trợ cấp xã hội nên không có khả năng nộp trả kinh phí thu hồi” - ông Lai nói.