Thu hút bác sĩ và đào tạo chuyên sâu: Thay đổi để tốt hơn

Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN DƯƠNG - HỮU HẢI 15/04/2017 10:19

Việc bổ sung nguồn nhân lực y tế và từng bước nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ y tế là các nội dung trọng tâm của ngành y tế Quảng Nam đang thực hiện. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai trước đây, đã bộc lộ có nhiều điểm bất cập, cần phải được giải quyết nhằm đạt được hiệu quả cao nhất trong việc đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân. Sở Y tế cùng các cơ quan liên quan đang xây dựng đề án mới, dự kiến trình HĐND tỉnh phê duyệt tại kỳ họp thứ 4 (kỳ họp chuyên đề) sẽ diễn ra trong hai ngày 18&19.4 tới.

KỲ VỌNG Ở ĐỀ ÁN MỚI

Chính sách thu hút bác sĩ giai đoạn 2013- 2015 đã hoàn thành nhưng chỉ đạt được 50% mục tiêu đề ra. Với nhiều điều khoản hợp đồng hấp dẫn để thu hút bác sĩ nhưng kết quả vẫn không được như mong đợi. Trong đề án mới, những tồn tại hạn chế đã được điều chỉnh, mang lại kỳ vọng thu hút được nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng và số lượng, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Với đề án thu hút bác sĩ, những trung tâm đặc thù như BV Tâm thần, Trung tâm Mắt sẽ có cơ hội bổ sung thêm nguồn nhân lực, phục vụ cho người bệnh tốt hơn.
Với đề án thu hút bác sĩ, những trung tâm đặc thù như BV Tâm thần, Trung tâm Mắt sẽ có cơ hội bổ sung thêm nguồn nhân lực, phục vụ cho người bệnh tốt hơn.

Chưa đạt hiệu quả cao

Chính sách thu hút bác sĩ giai đoạn 2013-2015 nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ bác sĩ, từng bước cải thiện sự phục vụ y tế tốt hơn cho nhân dân. Tuy nhiên, trong 2 năm thực hiện chỉ thu hút được 135 bác sĩ (116 theo diện thu hút và 19 thu hút qua đào tạo, đạt 49% so với chỉ tiêu đề ra (135/275 bác sĩ)). Số lượng bác sĩ ra trường về công tác không nhiều, lại tập trung chủ yếu tại các bệnh viện (BV) tuyến tỉnh và khu vực. Rất ít người về công tác tại các cơ sở y tế tuyến huyện, đặc biệt là miền núi, các BV chuyên khoa và trung tâm chuyên khoa nên vẫn chưa đáp ứng được số lượng bác sĩ như mong muốn. Do vậy, một số BV tuyến huyện hay một số trung tâm, BV chuyên khoa đều không đủ bác sĩ để triển khai, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao. Nhiều BV chỉ triển khai rất hạn chế các dịch vụ kỹ thuật mang tính chuyên môn sâu do đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao còn khá mỏng và chưa có tính kế thừa.

Thiếu bác sĩ là điều dễ nhận thấy ở hầu hết cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Đề án thu hút bác sĩ đã giúp khắc phục được khó khăn này. Tuy nhiên, qua 2 năm, số lượng bác sĩ nhận về công tác vẫn rất ít. Một bác sĩ đang công tác tại một BV trên địa bàn TP.Tam Kỳ lý giải, tuy chính sách tỉnh đưa ra là hấp dẫn, nhưng điều kiện làm việc, môi trường phát triển ở Quảng Nam vẫn chưa thực sự tốt so với các địa phương khác, nên sức thu hút chưa đáng kể. “Có nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất vẫn là môi trường để phát triển sự nghiệp. Với mức hỗ trợ ban đầu như thế là rất ổn, nhưng nếu về công tác ở một cơ sở y tế mà môi trường làm việc không đúng với khả năng, cơ hội thăng tiến ít, bệnh nhân ít, không có nhiều cơ hội tiếp cận được với những tiến bộ kỹ thuật thì tay nghề không được nâng cao. Đó là điều rất quan trọng” - người này cho hay.

Một nhược điểm của đề án cũ chính là chưa thể thu hút các bác sĩ về công tác tại các cơ sở ở các huyện miền núi. Trong số các bác sĩ được thu hút ở giai đoạn vừa qua, chỉ có 6 người về công tác tại Trung tâm Y tế (TTYT) tuyến huyện (Quế Sơn 1, Tiên Phước 1 và Hội An 4 người), còn lại đều ở các BV tuyến tỉnh và các trung tâm chuyên khoa. Hầu hết TTYT ở những huyện miền núi khi được hỏi về chính sách thu hút bác sĩ thì đều lắc đầu. “Trong khi đó, nhu cầu bác sĩ ở những nơi này lại hết sức cần thiết để chăm sóc sức khỏe cho bà con. Nhiều khi, các thiết bị hiện đại đã có nhưng chưa có người đủ khả năng để sử dụng nên đành phải chờ cán bộ được cử đi đào tạo trở về mới sử dụng được” - bác sĩ Trần Văn Thu, Giám đốc TTYT huyện Nam Trà My nói.

Kỳ vọng từ thay đổi

Với mục tiêu thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, đến năm 2021 ngành y tế phấn đấu đạt tỷ lệ 9 bác sĩ/vạn dân, nghĩa là phải thu hút được hơn 300 bác sĩ, bác sĩ sau đại học về công tác tại các cơ sở y tế trong tỉnh. Cụ thể: BV Đa khoa tỉnh cần 40 bác sĩ, BV đa khoa khu vực cần 54 bác sĩ, BV chuyên khoa cần 33 bác sĩ... Để thực hiện được mục tiêu này, đề án thu hút bác sĩ giai đoạn 2017-2021 cần phải có những thay đổi cụ thể để từng bước khắc phục những tồn tại đã gặp phải. Theo bà Trần Thị Bích Thu, Phó Trưởng ban Văn hóa HĐND tỉnh, mục tiêu cần phải ưu tiên thu hút bác sĩ về công tác tại bệnh viện tuyến huyện và các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh. “Về thời gian cam kết làm việc tại các cơ sở y tế nên điều chỉnh lại thành 10 năm đối với nữ và 12 năm đối với nam (đề án mới đưa ra 12 năm đối với cả nam và nữ). Như vậy sẽ phù hợp hơn thay vì buộc phải làm việc trong 15 năm như trước đây, qua đó cũng giúp các bác sĩ thấy thoải mái hơn trong thời gian cống hiến” - bà Thu kiến nghị.

Nhiều ý kiến của các địa phương cho rằng, nếu có thể thì vẫn thu hút bác sĩ chính quy tốt nghiệp từ loại khá trở lên là phù hợp và khả thi. Bởi, với dự kiến mức hỗ trợ mỗi bác sĩ tốt nghiệp loại giỏi được hỗ trợ 250 triệu đồng; bác sĩ sau đại học - 500 triệu đồng; bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa II - 350 triệu đồng; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I - 300 triệu đồng và được hỗ trợ tiền mua một lô đất để làm nhà tại địa phương nơi công tác với mức 100 triệu đồng là những điều khoản hợp đồng hết sức hấp dẫn. Thời gian thực hiện đề án mới cũng được kiến nghị chỉ nên thực hiện trong 2 năm (thay vì đề án xây dựng 4 năm). Bởi theo thống kê, điều tra ban đầu, lượng sinh viên có hộ khẩu ở Quảng Nam sau năm 2018 sẽ tốt nghiệp ra trường rất nhiều. Khi đó, cung - cầu bác sĩ sẽ bão hòa nên chỉ thực hiện tuyển dụng bình thường, không cần tác động của chính sách. Bên cạnh đó, để khắc phục những hạn chế về việc không có bác sĩ về công tác tại các cơ sở y tế tuyến huyện và miền núi, đề án mới đã đưa ra các cơ chế khuyến khích đối với những người chịu về Quảng Nam công tác. Nếu các bác sĩ về công tác ở các huyện miền núi thấp như: Nông Sơn, Tiên Phước, Hiệp Đức và các trung tâm chuyện khoa: da liễu, mắt, y tế dự phòng... sẽ được tăng thêm 0,2 lần so với mức hỗ trợ ở đồng bằng. Đối với các huyện miền núi cao như: Bắc Trà My, Nam Trà My, Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn và các trung tâm chuyên khoa có tính đặc thù cao: BV Phạm Ngọc Thạch, BV Tâm thần, Trung tâm Pháp y thì sẽ được tăng thêm 0,4 lần...

CẦN BỔ SUNG BÁC SĨ CHUYÊN KHOA

Hầu hết  BV và cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đều thiếu hụt bác sĩ chuyên khoa để triển khai các dịch vụ kỹ thuật như: chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức... Chính vì vậy, Sở Y tế đã có đề án về chính sách hỗ trợ đào tạo kỹ thuật chuyên sâu cho viên chức sự nghiệp y tế công lập giai đoạn 2017-2021. Đây được xem là một trong những vấn đề trọng tâm để phát triển uy tín, thương hiệu của ngành y tế.

Tăng cường đào tạo kỹ thuật chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ y tế hiện nay rất cần thiết để cải thiện chất lượng phục vụ người bệnh.
Tăng cường đào tạo kỹ thuật chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ y tế hiện nay rất cần thiết để cải thiện chất lượng phục vụ người bệnh.

Thiếu nhân lực chuyên môn cao

Việc không có bác sĩ chuyên khoa về chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức... sẽ gây khó khăn cho các cơ sở y tế trong việc khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế. Chính vì điều này, số bệnh nhân chuyển viện từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh và từ tuyến tỉnh lên tuyến cao hơn là khá nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), góp phần làm âm quỹ BHYT như hiện tại. Theo ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế: “Một trong những lý do quan trọng, là chúng ta chưa tổ chức tốt việc đào tạo chuyên sâu, nhất là chưa quan tâm đến công tác đào tạo theo ê-kíp. Đây là hình thức đào tạo không theo hệ thống bằng cấp nhưng rất cần thiết đối với ngành y tế. Đây là một hình thức đào tạo mang tính đặc thù cao, tạo nên các nhóm bác sĩ có tay nghề cao, cùng làm việc với nhau trong từng chuyên khoa cụ thể, có chuyên môn sâu trong lĩnh vực được đào tạo...”.

Hiện hầu hết BV trên địa bàn tỉnh chỉ thực hiện trung bình được 85% các danh mục kỹ thuật tương ứng với hạng BV theo quy định. Nhiều BV tuyến huyện chỉ thực hiện được dưới 70% danh mục kỹ thuật, nhất là các huyện miền núi. Rất nhiều kỹ thuật chuyên môn sâu, cần thiết chưa thực hiện được như: những kỹ thuật mổ tim, cấy ghép mô, cấy ghép tạng (BV tuyến tỉnh); hay ở các trung tâm chuyên khoa như: hệ nội nhi, kỹ thuật ngoại nhi hay phát triển hệ ngoại về các bệnh phổi... dẫn đến tình trạng phải chuyển tuyến bệnh nhân ra ngoại tỉnh.

Đào tạo chuyên sâu

Đề án đào tạo kỹ thuật chuyên sâu trong thời gian tới hướng đến mục tiêu đến năm 2021 thì BV tuyến tỉnh phải thực hiện được trên 90% danh mục kỹ thuật của BV hạng 1; BV tuyến khu vực thực hiện được hơn 95% danh mục kỹ thuật của BV hạng 2; BV tuyến huyện khu vực đồng bằng và miền núi thấp thực hiện được hơn 95% các danh mục kỹ thuật của BV hạng 3... Phải đào tạo được 89 ê-kíp các chuyên ngành với hơn 350 viên chức y tế tham gia học tập; có 64 bác sĩ được đào tạo chuyên sâu các chuyên ngành như: chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức để bổ sung cho các BV thiếu bác sĩ và chuyên ngành này để triển khai các dịch vụ kỹ thuật. “Tuy nhiên, để thực hiện được điều này rất khó, bởi nếu đào tạo theo ê-kíp, nghĩa là phải đi cùng lúc ít nhất 3 người có trình độ chuyên môn cao. Như vậy thì lấy ai thay thế những người này, trong khi nguồn lực bác sĩ tại cơ sở vốn đã rất ít. Vì vậy, cần phải bổ sung thêm nguồn nhân lực để đảm bảo công tác khám chữa bệnh” - bác sĩ Đinh Hữu Long - Giám đốc TTYT huyện Quế Sơn kiến nghị.

Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế - cho biết, việc đào tạo theo ê-kíp là hết sức cần thiết để cải thiện tình hình hiện nay. Theo đó, một ê-kíp không hẳn là 3 người mà có thể lên đến 5 - 7 người, tùy theo ngành cụ thể. “Trong đó bác sĩ được đào tạo riêng, kỹ thuật viên được đào tạo riêng, từ đó gộp lại thành một ê-kíp khép kín từ đầu đến cuối. Tất nhiên, chúng tôi đã có tính toán, sắp xếp sao cho hợp lý để mỗi lần cán bộ đi đào tạo sẽ không có tình trạng thiếu hụt nhân lực” - ông Hai nói.

ĐỪNG ĐỂ "CHẢY MÁU NHÂN TÀI"

Một thực trạng là nhiều bác sĩ ở các cơ sở công lập có xu hướng tách ra làm cho các cơ sở y tế tư nhân. Chính vì vậy, việc đào tạo và giữ chân các bác sĩ có tay nghề cao đang là vấn đề được quan tâm ở các cơ sở y tế công lập hiện nay.

Việc đào tạo kỹ thuật chuyên sâu theo ê-kíp sẽ giúp cho các bệnh viện công lập thực hiện được thêm nhiều danh mục kỹ thuật so với hiện nay.
Việc đào tạo kỹ thuật chuyên sâu theo ê-kíp sẽ giúp cho các bệnh viện công lập thực hiện được thêm nhiều danh mục kỹ thuật so với hiện nay.

Bỏ công theo tư

Theo bác sĩ Phạm Ngọc Ẩn - Giám đốc BVĐK tỉnh, thời gian qua đã có 7 bác sĩ của đơn vị xin ra ngoài làm việc. Đó là xu hướng cạnh tranh tất yếu của thời buổi kinh tế thị trường. “Khi mà lương viên chức nhà nước không thể so sánh với mức thu nhập ở các cơ sở tư nhân thì điều này cũng dễ hiểu. Ở các cơ sở công lập, một người có thâm niên, lương tháng thuộc dạng cao cũng chỉ hơn 20 triệu đồng. Nhưng ở các cơ sở tư nhân sẵn sàng trả cho họ đến 40 triệu đồng/tháng thì rất khó để giữ chân họ” - bác sĩ Ẩn nói. Cách đây chừng 2 năm, BVĐK Trung ương Quảng Nam cũng đã từng rất đau đầu với tình trạng bác sĩ xin chuyển công tác. Chỉ trong vòng 3 năm đã có gần 50 bác sĩ xin chuyển đi, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực nghiêm trọng.

Trong cuộc họp mới đây để góp ý cho đề án này, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh, việc đào tạo này cần phải bám sát vào thực tiễn, chú trọng đến chất lượng đào tạo. “Trong số 88 ê-kíp mà đề án đề nghị đào tạo, cần phải lựa chọn một số ê-kíp mà bệnh viện tuyến tỉnh có thế mạnh để đào tạo chuyên sâu. Kèm theo đó, lựa chọn bác sĩ cụ thể và có khả năng chuyên môn tốt đi đào tạo các ê-kíp này. Làm sao để khi đào tạo xong, các ê-kíp này về hoạt động hiệu quả, tạo nên thương hiệu của bệnh viện khi chỉ cần người dân nghe nói đến ê-kíp đó, bác sĩ đó thì họ đến ngay với bệnh viện của mình để điều trị. Làm được như vậy sẽ hiệu quả, tiết kiệm, ít rủi ro” - Bí thư Nguyễn Ngọc Quang nói. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang cũng cho rằng: “Việc đào tạo là rất quan trọng, cần thiết. Nhưng để giữ được đội ngũ này phục vụ cho cơ sở y tế mới là quan trọng hơn nữa. Đừng để mình bỏ công sức, tiền bạc đào tạo đội ngũ chất lượng cao rồi cuối cùng họ lại bỏ đi nơi khác. Như vậy thì phí phạm và là thất bại của ngành y tế. Phải làm thế nào để họ gắn bó, cống hiến hết sức cho y tế tỉnh nhà mới gọi là thành công”.

Việc những bác sĩ bỏ BV công để ra ngoài làm có nhiều lý do, nhưng không hẳn ai cũng vì thu nhập chênh lệch mà bỏ việc. Như một bác sĩ (xin được giấu tên) từng công tác tại một BV lớn trong tỉnh tâm sự rằng, bác sĩ ra đi không hẳn vì tiền mà ở môi trường cũ họ không được tạo điều kiện làm việc đúng với cống hiến của bản thân. Chính vì vậy, khi có lời đề nghị ở nơi khác, họ sẵn sàng ra đi. “Nói thật, chúng tôi cũng đã lớn tuổi, rất ngại để thay đổi môi trường làm việc. Nhưng ở nơi cũ, mặc dù đã cống hiến nhiều năm vẫn không thể phát triển được đến những vị trí xứng đáng. Một khi cảm thấy môi trường đó không còn phù hợp thì người ta ra đi là chính đáng” - vị bác sĩ này nói.

Những giải pháp mới

Trong một phiên họp góp ý cho đề án thu hút bác sĩ giai đoạn 2017-2021 mới đây, ông Nguyễn Dương Triều - Trưởng ban Văn hóa HĐND tỉnh - đã nói rằng, việc tạo môi trường làm việc đúng sở trường, đúng năng lực và đúng vị trí cũng rất quan trọng để vừa thu hút những người mới vừa giữ được người cũ ở lại phục vụ. “Có người là tiến sĩ huyết học nhưng bắt người ta làm ở khoa không đúng chuyên ngành, lại không có được vị trí tương xứng thì làm sao giữ chân được người ta? Cần chú ý đến tâm lý của người cũ và người mới. Một người cống hiến bao nhiêu năm nhưng không được hỗ trợ như người mới thu hút, sẽ nảy sinh sự so sánh. Vì vậy, cần phải dung hòa được yếu tố này”- ông Triều kiến giải. Một số ý kiến phản biện của các địa phương, cũng cho rằng, để việc thu hút bác sĩ có chất lượng, hiệu quả, ngoài chính sách ưu đãi của tỉnh như dự thảo đề án, ngành y tế cần quan tâm tạo môi trường làm việc tốt nhất tại các cơ sở y tế, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để mỗi bác sĩ, người lao động yên tâm cống hiến, công tác và trưởng thành. Các bệnh viện công lập phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đổi mới phương thức quản trị bệnh viện để tiến đến thực hiện lộ trình tự chủ bệnh viện.

Để hạn chế việc bị “rút ruột”, “chảy máu nhân tài”, đề án thu hút bác sĩ trong giai đoạn mới cũng đang xây dựng những điều khoản thắt chặt hơn cam kết của người lao động trong việc thực hiện hợp đồng. Những bác sĩ được thu hút phải cam kết làm việc tại cơ sở y tế 12 năm. Sau khi ký hợp đồng làm việc nhưng không chấp hành sự phân công công tác, không phục vụ đủ thời gian cam kết, bị kỷ luật buộc thôi việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc 2 năm liên tục không hoàn thành nhiệm vụ thì phải hoàn trả gấp 3 lần toàn bộ kinh phí đã được hỗ trợ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ quan chức năng có thẩm quyền quyết định yêu cầu bồi thường kinh phí. Còn đối với những cán bộ y tế được cơ quan cử đi học kỹ thuật chuyên sâu phải cam kết làm việc trong 5 năm để cống hiến cho cơ quan.

Hai đề án lớn là thu hút bác sĩ và đào tạo kỹ thuật chuyên sâu dự kiến khi triển khai sẽ bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế trong thời gian đến. Nhưng để đạt được hiệu quả như mong muốn thì cần phải bám sát vào thực tiễn, theo nhu cầu của từng địa phương, từ đó có cách sắp xếp hợp lý cũng như tạo được môi trường làm việc tốt cho các bác sĩ. Khi giải quyết được những vấn đề này, tin rằng ngành y tế sẽ có bước khởi sắc hơn trong thời gian tới.

Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN DƯƠNG - HỮU HẢI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thu hút bác sĩ và đào tạo chuyên sâu: Thay đổi để tốt hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO