Trong bộ 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, có 2 tiêu chí liên quan trực tiếp đến lĩnh vực công nghiệp – thương mại, đó là hoàn thiện hệ thống điện và xây dựng hạ tầng chợ. Nhận thức rõ vai trò của mình, thời gian qua ngành công thương đã tích cực vào cuộc, xây dựng các đề án, quy hoạch, đưa ra nhiều giải pháp và lộ trình phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các xã sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Cung cấp điện phục vụ sản xuất ở làng rau Bầu Tròn. |
PV: Xin ông cho biết, ngành công thương đã triển khai những công việc cụ thể nào cho chương trình xây dựng NTM?
Trong xây dựng NTM, tiêu chí về điện là phải có hệ thống điện đảm bảo chất lượng và trên 98% số hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn. Ðể đáp ứng yêu cầu này, năm 2012 Sở Công Thương đã chủ động xây dựng quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2011- 2015, được Bộ Công Thương phê duyệt. Ðây là căn cứ quan trọng làm cơ sở để ngành điện xây dựng kế hoạch huy động nguồn vốn và triển khai thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng điện, đáp ứng yêu cầu của sản xuất và đời sống người dân.
Về đầu tư hạ tầng thương mại, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quy hoạch phát triển ngành thương mại tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Theo đó, trong những năm đến, Quảng Nam sẽ có đến 228 chợ (tăng 68 chợ so với hiện nay), tổng nguồn vốn đầu tư phát triển mạng lưới chợ lên đến 1.276 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sở Công Thương sẽ tham mưu UBND tỉnh thông qua quy hoạch các điểm siêu thị nhỏ, cửa hàng tiện ích tại các địa phương. Đây là điều kiện và cơ hội thuận lợi để người dân, đặc biệt là người dân nông thôn tiếp cận được những sản phẩm, hàng hóa có chất lượng, giá cả hợp lý và quan trọng hơn là thay đổi tập quán buôn bán manh mún tại các chợ nông thôn như hiện nay.
PV: Theo kế hoạch của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dụng NTM Quảng Nam, từ nay đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ phấn đấu 50 xã đạt chuẩn xã NTM. Vậy tiêu chí về điện đang triển khai đầu tư như thế nào?
Trong những năm đến, toàn tỉnh tiến hành xây dựng NTM tại 208 xã. Hiện tại mới có 97 xã (46,6%) đạt tiêu chí về điện. Riêng đối với 50 xã phải hoàn thành NTM trong giai đoạn 2011 - 2015, chỉ có 40 xã nằm trong số 97 xã nói trên. Còn lại 10 xã, gồm 7 xã kém về chất lượng lưới điện và 3 xã chưa đạt số hộ có điện. Mặc dù đến thời điểm này tiêu chí về điện phục vụ cho việc xây dựng NTM đã vượt trội so với các tiêu chí khác, song 53,4% số xã còn lại vẫn còn rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có hơn 1.000 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp, mở rộng hệ thống điện mới đảm bảo thực hiện thành công toàn diện tiêu chí về điện. Trong những năm qua, Quảng Nam đã tranh thủ nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng đưa điện lưới quốc gia về các xã miền núi, vùng sâu vùng xa như dự án cải tạo lưới điện cho 38 xã bằng nguồn vốn vay 141,6 tỷ đồng từ Ngân hàng Phát triển châu Á (dự án ADB) và cho 9 xã bằng nguồn vốn vay 47,7 tỷ đồng từ Ngân hàng Tái thiết Đức (dự án KFW)... Từ các dự án này, không riêng 50 xã xây dựng NTM hoàn thành tiêu chí điện mà nhiều xã cơ bản đạt.
PV: Quảng Nam cần có cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư như thế nào để xây dựng mạng lưới chợ, trung tâm thương mại?
Phần lớn chợ trên địa bàn được xây dựng từ lâu, đến nay cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu. Thế nhưng hiện không thể nâng cấp cùng lúc các chợ trên toàn tỉnh mà phải chia giai đoạn, lựa chọn đầu tư. Những năm gần đây, các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến đầu tư các trung tâm thương mại, siêu thị, khu phố chợ ở các thành phố, thị trấn đông đúc; còn ở khu vực nông thôn, nhất là những xã nghèo, dân cư ít sẽ rất khó thu hút doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư bởi chi phí xây dựng chợ khá tốn kém, thu hồi vốn lâu và cơ chế ưu đãi về đất đai, thuế, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, rõ ràng.
Do đặc thù ngành thương mại không được xây dựng theo phương thức BOT nên cần có cơ chế thu hút đầu tư để huy động doanh nghiệp cùng tham gia. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trước mắt Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh nhằm kêu gọi các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh chợ, trung tâm thương mại tại các thị trấn, thị tứ của các huyện trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư và địa phương chủ động huy động, kêu gọi các thành phần kinh tế cùng đầu tư phát triển hạ tầng thương mại ở nông thôn.
PV: Xin cảm ơn ông!
ĐẶNG HÙNG (thực hiện)