Cam kết đầu tư cơ sở hạ tầng, đưa ra các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao để xúc tiến... đã thể hiện rõ quan điểm của Quảng Nam trong việc thu hút FDI trong tương lai: thực chất hơn số lượng!
Nỗ lực thu hút đầu tư
Quảng Nam đã thu hút nhiều dự án FDI với những sản phẩm có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như thiết bị vệ sinh Inax, thiết bị ngành may Groz Becker, Indochina Capital, Victoria, Golden Sand… Nhưng nếu nhìn vào 88 dự án (phần lớn là những dự án nhỏ) mới chỉ giải ngân 700 triệu USD/5,145 tỷ USD vốn đăng ký thì việc thu hút FDI vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Tuy nhiên, theo phân tích của Sở Công Thương và Cục Thuế tỉnh, xuất khẩu từ doanh nghiệp FDI năm 2012 chiếm đến 45% so với tổng giá trị xuất khẩu của cả 80 doanh nghiệp xuất khẩu tại Quảng Nam và xu hướng nộp ngân sách ngày càng tăng cao (dự kiến cả năm 2013 sẽ thu khoảng 680/4.478 tỷ đồng thuế)... đã chứng minh hiệu quả của doanh nghiệp FDI. Những phân tích sâu về số thuế nộp vào ngân sách và mức độ lan tỏa của dự án FDI là cơ sở cho chính quyền kịp thời đưa ra những quyết sách thu hút nhiều dự án FDI lớn, có chất lượng thật sự, đủ khả năng làm thay đổi bức tranh xuất khẩu sản xuất công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
May mặc, da giày... là những lĩnh vực xuất khẩu lớn của khu vực FDI. Ảnh: T.D |
Theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, giữa bối cảnh cạnh tranh quyết liệt để thu hút FDI thì những mối quan hệ hữu nghị, hợp tác đầu tư mở rộng với nhiều quốc gia được gầy dựng lâu nay sẽ giúp Quảng Nam lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư tiềm năng. Tất cả những nhà đầu tư đều quan tâm đến môi trường đầu tư minh bạch, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và sự hiệu quả của các dự án đang còn hiệu lực tại Quảng Nam. Động thái mạnh tay thu hồi đến 60 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 4,561 tỷ USD, gần bằng với tổng vốn đăng ký của 88 dự án còn hiệu lực trong vòng 5 năm qua đã thể hiện thái độ kiên quyết làm trong sạch môi trường đầu tư của chính quyền Quảng Nam. Chính sự năng động trong vận dụng cơ chế chính sách nhằm huy động mọi nguồn lực xây dựng một môi trường đầu tư lành mạnh, cạnh tranh và đề ra các chính sách thu hút phù hợp đã khiến giới đầu tư hài lòng. Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital Don Lam nói, cho dù Tập đoàn Genting Malaysia đã xin rút khỏi dự án Nam Hội An 4 tỷ USD, nhưng VinaCapital (nhà đầu tư còn lại) vẫn sẽ chủ động tìm kiếm đối tác đầu tư khác thay thế.
Hướng đến thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh khẳng định, quan điểm của Quảng Nam trước các nhà đầu tư Osan (Hàn Quốc) là sẵn sàng cung ứng các điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư triển khai dự án. Hiện Quảng Nam đang tập trung vốn để đầu tư các công trình hạ tầng cơ bản, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị quỹ đất sạch, đào tạo công nhân kỹ thuật; ưu tiên phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ, nhất là công nghiệp cơ khí chế tạo, ô tô, điện tử… Tất cả thủ tục đầu tư được giải quyết theo cơ chế “một cửa liên thông” với thời gian rút ngắn tối đa so với quy định chung. Nhà đầu tư không phải nộp bất kỳ chi phí dịch vụ nào trừ những khoản lệ phí theo quy định của Chính phủ. |
Nhiều cuộc xúc tiến đầu tư tại Nhật, Hàn Quốc được mở nhiều năm gần đây cho thấy FDI Quảng Nam đang hướng tới các nhà đầu tư này. Một giấy chứng nhận đầu tư trao cho Công ty C&N Vina thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trong Khu Kinh tế mở Chu Lai nhân chuyến xúc tiến đầu tư tại Osan (Hàn Quốc) của chính quyền Quảng Nam mới đây đã lóe lên tia hy vọng thu hút số lượng lớn nhà đầu tư từ khu vực này. Ông Đoàn Ngọc Minh - Trưởng phòng Hợp tác đầu tư (Sở KH&ĐT) cho rằng thu hút FDI sẽ được phục hồi vào năm 2015. Nhiều văn bản pháp lý về FDI đã rõ ràng hơn về tài chính thủ tục; quy hoạch, nhân lực tại địa phương đã được thay đổi theo chiều hướng tích cực, cộng với việc kiên quyết thu hồi các dự án treo, tạo mặt bằng sạch, xây khu tái định cư hay đưa ra những dự án chất lượng để tiếp tục thu hút dự án FDI là dự báo tốt để khơi thông dòng chảy đã bị nghẽn trong nhiều năm. “Hướng tới các nhà đầu tư Hàn, Nhật là lựa chọn có tính quyết định trong thời điểm này. Tuy nhiên, để đón được làn sóng này, rất cần thể chế và chính sách thu hút đầu tư cụ thể hơn” - ông Minh nói.
Lịch sử thu hút đầu tư đã chứng minh FDI tại Quảng Nam mới chỉ dừng lại ở mức cung cấp nhân công gia công giá rẻ và cho thuê mặt bằng là chính. Vốn, thị trường và quá trình chuyển giao công nghệ như mong đợi từ các doanh nghiệp là chưa đáng kể. Vì vậy, Quảng Nam quyết định hướng tới các nhà đầu tư Nhật, Hàn khi đưa ra những dự án có hàm lượng công nghệ cao, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chú trọng các ngành cơ khí chế tạo, ô tô, xe máy, điện điện tử, dệt may, da giày. Đó là những dự án, lĩnh vực mà các nhà đầu tư Nhật, Hàn đang có thế mạnh.
Quảng Nam đã thay đổi tư duy thu hút đầu tư bằng mọi giá. Thay vào đó là sự chọn lựa những dự án tạo giá trị gia tăng, những ngành có giá trị cao hơn (nếu gia công thì vẫn ở mức cao hơn), chấm dứt tình trạng thu hút theo số lượng và sẵn sàng loại bỏ những dự án lớn nhưng thiếu thực chất. Điều này sẽ mang lại luồng gió mới cho FDI. Tuy nhiên, cũng phải công bằng nhìn nhận rằng, những hội nghị hay diễn đàn gặp gỡ để trình bày tiềm năng lợi thế, cơ chế chính sách và nhu cầu phát triển dự án của một địa phương… cho các nhà đầu tư chỉ là bề nổi của một sự kiện và xảy ra trong một vài thời điểm nhất định. Vì vậy, cần phải liên tục triển khai các biện pháp đồng bộ về cải cách hành chính, xây dựng một “chính quyền thân thiện”, “một cửa, kết nối, có kiểm soát” nhằm đảm bảo cả hệ thống được vận hành thông suốt, khoa học.
Trịnh Dũng