Thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp: Cần tháo gỡ bài toán hạ tầng

VĨNH LỘC 16/06/2021 06:20

Hoàn thiện hạ tầng, xây dựng cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp (CCN) đang được nhiều địa phương đẩy mạnh triển khai.

Nhiều cụm công nghiệp còn trống đất do hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Ảnh: V.LỘC
Nhiều cụm công nghiệp còn trống đất do hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Ảnh: V.LỘC

Nhận diện khó khăn

Sau 5 năm đưa vào khai thác, CCN Thanh Hà (TP.Hội An) vẫn khá vắng vẻ. Với mục tiêu quy hoạch CCN Thanh Hà thành nơi bố trí các cơ sở gây ô nhiễm môi trường vào sản xuất tập trung, từ năm 2016 TP.Hội An triển khai di dời 11 cơ sở sản xuất với khoảng 210 lao động vào cụm CCN Thanh Hà.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 92 CCN, tổng diện tích hơn 2.613ha, tập trung nhiều ở các địa phương như: Đại Lộc (18 cụm), Hiệp Đức (11 cụm), Điện Bàn (10 cụm), Phú Ninh (7 cụm)… Trong quyết định phê duyệt phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 cũng đã đặt ra mục tiêu, đến năm 2025 các CCN trong quy hoạch đạt tỷ lệ lấp đầy 75%; giá trị sản xuất (so sánh với năm 2010) tại các CCN chiếm tỷ trọng 25% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh (tương ứng 30 nghìn tỷ đồng); lao động tại các CCN đến năm 2025 chiếm tỷ trọng khoảng 20% tổng số lao động của ngành công nghiệp đang làm việc tại địa phương (tương ứng 35 nghìn người).

Tiếp đến, năm 2020, khoảng 29 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường được thành phố xây dựng kế hoạch di dời, nâng tỷ lệ lấp đầy CCN Thanh Hà lên khoảng 60%. Dù vậy, diện tích sử dụng thực tế tại CCN khá thấp, rất nhiều khu đất bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên. CCN Thanh Hà có diện tích khoảng 30ha, đây cũng là CCN duy nhất trên địa bàn TP.Hội An hiện nay.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, do mục tiêu ban đầu của CCN Thanh Hà là ưu tiên bố trí các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào hoạt động nên những năm qua việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào CCN hầu như không có, chưa kể quỹ đất CCN Thanh Hà ít nên khó thu hút doanh nghiệp lớn vào. “Hiện thành phố đã giao Ban quản lý Dự án và quỹ đất TP.Hội An rà soát điều chỉnh quy hoạch CCN trình UBND thành phố xem xét để có giải pháp phù hợp trong thời gian đến” - ông Hùng nói.

Quy hoạch, phát triển CCN được nhiều nơi xem là đòn bẩy để phát triển kinh tế xã hội địa phương, tuy nhiên quá trình thực hiện, kêu gọi đầu tư cũng bộc lộ hạn chế nhất định. Tại thị xã Điện Bàn, mặc dù tỷ lệ lấp đầy các CCN đạt hơn 83%, nhưng do việc quy hoạch CCN dàn trải, chỉ chú trọng về số lượng, chưa gắn với phát triển đô thị, khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật... đã dẫn đến những bất cập.

Một số CCN có vị trí không thuận tiện, quy mô quá nhỏ, ngành nghề đầu tư chưa đa dạng, nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh yếu, giá trị gia tăng không lớn như cơ khí, gỗ, mộc…

Đơn cử, tại cụm làng nghề Đông Khương (Điện Phương), quá trình khai thác hầu như không hiệu quả. Nguyên nhân do địa hình cụm làng nghề thấp trũng, doanh nghiệp vào đầu tư phải tốn nhiều vốn để san lấp mặt bằng. Trong khi phần lớn nhà đầu tư vào cụm làng nghề chủ yếu cơ sở, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ hạn chế về vốn…

Tương tự, tại huyện Đại Lộc, dù được đánh giá là điểm sáng trong thu hút đầu tư vào các CCN với tỷ lệ sử dụng đất đạt 91% nhưng cũng đối diện những khó khăn về quy hoạch như đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ; ô nhiễm môi trường; tình trạng chậm tiến độ hoặc không triển khai thực hiện dự án…

Ưu tiên hoàn thiện hạ tầng

Thời gian qua, một số CCN ở Điện Bàn vẫn chưa được quan tâm đầu tư đồng bộ, kể cả chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định do việc huy động nguồn vốn hạn chế, hầu hết doanh nghiệp vào đầu tư phải ứng trước kinh phí để giải phóng mặt bằng (được khấu trừ vào tiền thuê đất hàng năm), và đây vẫn là rào cản lớn đối với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư…

Nhiều cụm công nghiệp còn trống đất do hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Ảnh: V.LỘC
Nhiều cụm công nghiệp còn trống đất do hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Ảnh: V.LỘC

Ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, thị xã đã xây dựng kế hoạch đầu tư hạ tầng CCN từ đây đến năm 2023 với những mục tiêu cụ thể. Phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) đạt 30.030 tỷ đồng; cơ cấu ngành công nghiệp chiếm khoảng 43% trong cơ cấu kinh tế của toàn thị xã. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp địa phương đến năm 2025 đạt 4.995 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Điểu - Giám đốc Ban quản lý Dự án và quỹ đất TP.Hội An thừa nhận, một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả khai thác CCN Thanh Hà thấp có yếu tố từ việc hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu. Do vậy, ngoài điều chỉnh lại quy hoạch 1/500, thành phố sẽ đầu tư hạ tầng và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào CCN nhằm tạo công ăn việc làm, tăng ngân sách thành phố.

“Khi quy hoạch CCN được điều chỉnh xong, chúng tôi sẽ tính toán thu hút doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực, ngành nghề cụ thể. Nhưng trước mắt sẽ phải hoàn hiện hạ tầng CCN” - ông Điểu nói.

Sẽ cần nhiều giải pháp để khai thác hiệu quả các CCN, tuy nhiên nếu bài toán hạ tầng được giải quyết giúp thu hút nhiều doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào các CCN. Ông Trương Công Trái - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất & CCN huyện Đại Lộc, cho hay một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị hiện nay là tham mưu UBND huyện kêu gọi doanh nghiệp tăng cường đầu tư hạ tầng, thu hút các dự án phát triển hạ tầng đô thị như Hà Nha, Hà Tân, Gia Cốc, Quảng Huế...

Tích cực phối hợp với các ngành, địa phương, nhất là tỉnh có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt kiến nghị xin chủ trương nguồn vốn, đầu tư kết cấu hạ tầng CCN như đường nội bộ, đường gom trong CCN, các công trình xử lý nước thải tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp: Cần tháo gỡ bài toán hạ tầng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO