Thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: Quá nhiều lực cản

TRỊNH DŨNG 24/08/2019 11:07

Quá nhiều vướng mắc về thủ tục, cơ chế, chính sách… đã trở thành rào cản khiến doanh nghiệp (DN) ngại đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, cho dù đây là lĩnh vực được xem lợi thế của Quảng Nam.

Những vướng mắc về cơ chế, chính sách từ trung ương, địa phương khó có thể hoặc không thể tự mình tháo gỡ đã khiến việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn không dễ như dự định. Ảnh: TR.DŨNG
Những vướng mắc về cơ chế, chính sách từ trung ương, địa phương khó có thể hoặc không thể tự mình tháo gỡ đã khiến việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn không dễ như dự định. Ảnh: TR.DŨNG

Bức xúc về thủ tục, cơ chế, chính sách

Không thiếu chính sách, cơ chế, nhưng vẫn gặp nghẽn khi triển khai khiến nhiều DN không thể hưởng lợi. Ông Nguyễn Hùng - đại diện HTX Kinh doanh tổng hợp Nguyên Đại Phát (Phú Ninh) cho hay, dự án xây dựng lò giết mổ tại địa phương đã gặp bất lợi do không thể hưởng lợi từ việc miễn tiền thuê đất đến không thể tiếp cận vốn ngân hàng. Chỉ cần một vài trăm triệu đồng nữa dự án sẽ hoàn thành nhưng không thể tìm đâu ra vốn khiến dự án đã hoàn thành 90% có nguy cơ phải dừng lại!

Chưa thống kê cụ thể, nhưng ước mơ hơn 18.000ha diện tích dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất chỉ có khoảng hơn 45% được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Số diện tích còn lại không được coi là tài sản đảm bảo nên không thể tiếp cận được vốn ngân hàng. Còn phía  ngân hàng cho rằng đầu tư tín dụng vào lĩnh vực này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro (thiên tai, dịch bệnh, thị trường không ổn định), trong khi vẫn thiếu các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro. Bảo hiểm nông nghiệp dù đã triển khai nhưng vẫn còn quá hạn chế. Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang (Điện Bàn) cho hay rất khó tiếp cận vốn vay của các ngân hàng thương mại, lãi suất không ổn định, điều kiện thế chấp tài sản lớn. Ngay cả phần đất HTX quản lý cũng không thể dùng để thế chấp vay ngân hàng được đang là điều thực sự phi lý.

Không phải chỉ vì chính sách miễn giảm thuế hay thiếu vốn đầu tư, mà việc rắc rối, phức tạp của thủ tục đầu tư, thiếu vùng nguyên liệu hay không đủ diện tích gieo trồng... cũng đã và đang trở thành lực cản lớn cho DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam tại Cụm công nghiệp Nam An Sơn (Quế Thọ, Hiệp Đức) đang gặp phải vấn đề nan giải. Ông Đoàn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam cho biết, thủ tục đầu tư rắc rối, nhất việc thỏa thuận đầu tư kéo dài khiến DN chán nản, mất đi cơ hội đầu tư. Theo ông Hùng, DN đã được UBND tỉnh Quảng Nam cho quy hoạch 30.000ha vùng nguyên liệu. Nhưng khi khảo sát, phần lớn đất đai đã được người dân sử dụng, kể cả chiếm dụng, không thể làm gì được.

“DN không thể tiếp cận được chính sách khuyến khích trồng rừng gỗ lớn. Nhà nước hô hào nhưng tích tụ đất đai tại địa phương khó khăn. Thậm chí doanh nghiệp đã ký biên bản ghi nhớ với một tập đoàn Nhật Bản, bao tiêu sản phẩm 20 năm, nhưng giờ lo lắng không biết tìm đâu ra nguyên liệu sản xuất. Có thể quyết định giảm bớt cho DN công đoạn thỏa thuận nghiên cứu đầu tư hay tiếp cận những phần đất còn bỏ trống, chưa làm gì ở tại địa phương hay không?” - ông Hùng nói.

Tìm cách tháo gỡ

Nghị định 57/2018/NĐ-CP khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã có hiệu lực từ ngày 17.4.2018 và mới đây (tháng 7.2019) Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 53 khuyến khích đầu tư nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ cho DN phát triển. Theo nhận định của giới đầu tư, không có luật hay nghị định nào toàn mỹ, luôn có độ trễ và có những tác động phụ không mong muốn. Song vấn đề đặt ra lợi ích, hiệu quả mang lại có vượt trội so với những cơ chế, chính sách đã cũ. Không biết có tái diễn tình trạng “cửa mở rộng” nhưng vẫn còn quá nhiều khóa khiến DN không biết đến đâu để tiếp cận chính sách. Nhiều doanh nghiệp đã quá mệt mỏi với hành trình “gõ cửa” cơ quan nhà nước để được hưởng ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ông Nguyễn Xuân Nhàn - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Việt Thắng Quảng Nam đã từng hy vọng vào sự cởi trói cơ chế, chính sách nhưng đã thất vọng vì nhiều năm qua đã không thể hoàn tất được giấy tờ, thủ tục để mở rộng, xây dựng mặt bằng sản xuất, liệu có phải chờ đợi thêm để có thể tiếp cận được chính sách mới hay không.

Đúng như tinh thần của một hội nghị hỗ trợ, thu hút đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Thanh - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay, nghị định mới đã rút ngắn và bãi bỏ một số thủ tục không cần thiết, tạo điều kiện hỗ trợ DN tiếp cận cơ chế, chính sách. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thừa nhận thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn “thất bại” không phải lỗi hoàn toàn do thiếu cơ chế hay chính sách không đủ mạnh. Khu vực này khó đầu tư hiệu quả, phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết khách quan, không phụ thuộc vào phương án đầu tư, kinh doanh của DN . Theo ông Thanh, tích tụ ruộng đất đang bị vướng mắc. Bộ TN&MT đang chủ trì xây dựng đề án trình Chính phủ. Khi đề án này ban hành, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ ban hành cơ chế, quy định hướng dẫn cụ thể. Chính quyền sẽ tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho từng lĩnh vực cụ thể, đối tượng phù hợp để có thể thu hút mạnh đầu tư.

Trong khi chờ đợi cơ chế, chính sách từ trung ương, theo ông Thanh, một vấn đề quan trọng phải được thực thi chính là việc các cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin về cơ chế chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Nam (có tham khảo các cơ chế chính sách của trung ương ban hành) cho DN biết. Bất cứ dự án nào đủ điều kiện để tiếp nhận các nguồn lực ưu đãi phải giải quyết ngay, nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp. Mỗi năm phải tổng hợp, rà soát các cơ chế, chính sách vướng gì, giải ngân bao nhiêu để thực sự có hiệu quả thực tế. Rút ngắn thủ tục đầu tư bằng cách phê duyệt chủ trương đầu tư 1 lần cho tất cả dự án đầu tư nông nghiệp, không cần phải xác định có chủ đầu tư hay không.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: Quá nhiều lực cản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO