Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho miền núi

ĐĂNG NGUYÊN 21/12/2021 09:59

Từ các chính sách hỗ trợ, kêu gọi đầu tư, thời gian qua, các địa phương miền núi đón nhận hàng chục dự án lớn nhỏ đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, du lịch - dịch vụ, nông nghiệp…, bước đầu đem lại kết quả khả quan.

Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang được kỳ vọng sẽ tạo sức hút cho phát triển du lịch miền núi của tỉnh. Ảnh: CTĐG
Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang được kỳ vọng sẽ tạo sức hút cho phát triển du lịch miền núi của tỉnh. Ảnh: CTĐG

Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, giai đoạn 2016 - 2021, tại 9 huyện miền núi có 77 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 11.451 tỷ đồng, chiếm khoảng 19% tổng vốn đầu tư tư nhân của toàn tỉnh.

Trong đó có 74 dự án đầu tư trong nước và 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp (44 dự án); du lịch - dịch vụ (8 dự án) và nông nghiệp với 25 dự án. Một số dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu phát triển cho miền núi theo các chương trình hỗ trợ thu hút doanh nghiệp đầu tư của tỉnh.

Theo ông Trần Văn Ẩn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư, ngoài dự án Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang của Công ty CP Du lịch sinh thái Hang Gợp với vốn đăng ký 2.600 tỷ đồng, những năm qua, có nhiều dự án được đầu tư tại miền núi với vốn đăng ký hàng trăm tỷ đồng.

Tiêu biểu như dự án thủy điện Trà Linh 2 của Công ty CP Thủy điện Ngọc Linh vốn đăng ký 864 tỷ đồng; dự án nhà máy sản xuất ván ghép thanh và viên nén năng lượng tại Hiệp Đức do Công ty TNHH MTV Hào Hưng Hiệp Đức đầu tư, vốn đăng ký 535,7 tỷ đồng…

“Mặc dù có địa hình phức tạp, nhưng bằng nhiều hình thức kêu gọi xúc tiến đầu tư theo hướng tiếp cận nhu cầu của nhà đầu tư, những năm gần đây, các địa phương miền núi đã từng bước thu hút được các nhà đầu tư với quy mô lớn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, từng bước phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững” - ông Ẩn cho biết thêm.

Ông Alăng Mai - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, thời gian qua, miền núi đón nhận rất nhiều nguồn lực đầu tư của Nhà nước, song quá trình phát triển vẫn còn ở mức chậm, thiếu bền vững. Do vậy, để mở ra cơ hội phát triển cho miền núi giai đoạn tiếp theo, cần có thêm các chính sách hỗ trợ thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, tạo ra các sản phẩm đặc thù mang tính ổn định phục vụ thị trường.

“Trước đây, từ nỗ lực của tỉnh, miền núi bước đầu có một vài dự án động lực, nhưng vẫn còn rất ít so với nhu cầu phát triển hiện nay. Ngoài ra, do điều kiện về hạ tầng cơ sở, địa hình phức tạp nên hiệu quả ở một số dự án vẫn chưa cao, chưa thực sự đem lại nguồn lực về kinh tế cho người dân miền núi.

Nhiệm vụ thu hút đầu tư cho miền núi, ngoài các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch - dịch vụ, cần ưu tiên đến một số lĩnh vực đặc thù khác như may mặc, công nghiệp chế biến, xuất khẩu hàng tiêu dùng… Việc thu hút đầu tư cũng nên phân chia đều cho các địa phương, đảm bảo quá trình phát triển đồng đều giữa các vùng miền núi của tỉnh” - ông Mai nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO