Suất đầu tư lớn, số hộ đấu nối sử dụng thấp, trong khi đó, mức hỗ trợ theo Nghị quyết 04 ngày 13.1.2021 của HĐND tỉnh chưa đủ sức hấp dẫn nên doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân không mặn mà tham gia đầu tư công trình cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh. Tại kỳ họp thứ 3 này (khai mạc vào sáng nay 29.9), UBND tỉnh sẽ đề xuất HĐND tỉnh xem xét thay đổi cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết 04.
Kêu gọi khó khăn
Từ năm 2019 đến nay, UBND TP.Tam Kỳ thực hiện khoảng 60km đường ống cấp nước sạch và giao Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam lắp đặt đường ống cấp nước sạch tại các khu vực chưa có đường ống cấp nước theo cơ chế hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay (trong 4 năm). Thành phố phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ có hơn 90% hộ dân sử dụng nước sạch.
Về việc khuyến khích đầu tư xây dựng công trình nước sạch tập trung theo Nghị quyết 04 của HĐND tỉnh, ông Nguyễn Minh Nam – Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho rằng, các vị trí cần lắp đặt nước sạch cho dân là khu vực nông thôn, dân ít, nhu cầu sử dụng nước ít.
Trên địa bàn thành phố có một số tuyến ống cấp nước đã lắp đặt nhưng người dân vẫn chưa đấu nối sử dụng nước sạch do phải trả thêm chi phí đấu nối. Trong khi đó, mức hỗ trợ đầu tư 7 triệu đồng cho 1km ống D63 tại vùng I Ià thấp; mức hỗ trợ này bằng khoảng 5 – 6% kinh phí đầu tư lắp đặt. Với cơ chế này DN không thực hiện lắp đặt tại các “vùng lõm nước” có chiều dài đường ống lắp đặt lớn nhưng dân cư ít.
“UBND tỉnh cần nghiên cứu đề xuất tăng chi phí hỗ trợ đầu tư mạng lưới đường ống cấp nước; khuyến khích hỗ trợ đầu tư xây dựng đường ống nước cấp I đến các khu vực chưa có nước sạch, còn mạng lưới đường ống cấp II, cấp III (ống dịch vụ) chỉ hỗ trợ đầu tư một phần” – ông Nam nói.
Hiện nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tập trung trên địa bàn huyện Phú Ninh rất thấp. Tại địa bàn thị trấn Phú Thịnh, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tập trung mới đạt 11,4%, ở khu vực nông thôn chỉ 4,5%, còn lại hầu hết sử dụng nước từ giếng khoan, giếng đào.
Ông Trần Quốc Doanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết, nhu cầu cấp nước sạch tập trung cho người dân trên địa bàn huyện rất lớn, nhất là tại các cụm công nghiệp, khu dân cư ở xã điểm cấp nước, đường ống cấp nước dài.
Theo định mức hỗ trợ của Nghị quyết số 04, việc kêu gọi DN đầu tư khó khăn, DN không thực hiện. Việc đầu tư hệ thống cấp nước từ nguồn ngân sách huyện và công tác quản lý tài sản, lựa chọn đơn vị quản lý vận hành chưa có hướng dẫn cụ thể nên chưa thể triển khai thực hiện được.
Theo ông Doanh, cùng với điều chỉnh cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng công trình nước sạch tập trung của Nghị quyết 04, đối với các khu vực dân cư hiện trạng có nhu cầu bức xúc về nước máy đề nghị tỉnh hướng dẫn và cho phép UBND huyện đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công.
Đề xuất thay đổi
Sau 5 tháng thực hiện Nghị quyết 04 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh cho biết đã kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư các nhà máy nước tại Nông Sơn, Bắc Trà My, Đại Tân (Đại Lộc). Một số nhà máy nước khác có nhu cầu đầu tư (Đông Giang, Tây Giang) nhưng không kêu gọi được DN đầu tư, do tính toán không hiệu quả. Đến nay, chưa kêu gọi được DN đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước. Việc kêu gọi đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước chủ yếu tập trung khu vực đồng bằng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho rằng, mức hỗ trợ của Nghị quyết 04 thấp hơn so với cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung giai đoạn 2016 – 2020. Nghị quyết 04 chỉ hỗ trợ đầu tư đường ống cấp I; đường ống dịch vụ không được hỗ trợ đầu tư.
Hiện tại, khu vực đồng bằng của tỉnh chỉ có 1 đơn vị thực hiện cấp nước sinh hoạt, DN này không thấy hấp dẫn với cơ chế hỗ trợ của Nghị quyết 04 nên không thực hiện đầu tư.
“Qua kiểm tra một số dự án đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước thực hiện ở giai đoạn 2016 - 2020, hầu như tỷ lệ đấu nối sử dụng nước sạch thấp - do chi phí đấu nối cao. Vậy nên, mặc dù đường ống cấp nước đã ở phía trước nhà nhưng người dân không thống nhất đấu nối sử dụng nước dẫn đến chưa phát huy hết hiệu quả của các dự án” – ông Quang nói.
Với những bất cập được nhìn nhận, tại kỳ họp thứ 3 này, UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh xem xét thay đổi cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết 04. Trong đó, tăng chi phí hỗ trợ đầu tư xây dựng đường ống cấp I, bổ sung hỗ trợ đầu tư mạng lưới đường ống dịch vụ. Hỗ trợ chi phí đấu nối hộ gia đình theo dự án được phê duyệt, với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/đấu nối đối với khu vực đồng bằng và 1,5 triệu đồng/đấu nối đối với khu vực miền núi.
Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh đánh giá, cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết 04 chưa tạo được chuyển biến tích cực trong việc thu hút DN, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư công trình cấp nước sạch. Một số địa phương đã đầu tư xây dựng nhà máy nước (thuộc tài sản Nhà nước) có nhu cầu đầu tư nâng cấp, mở rộng phạm vi cấp nước nhưng không thể kêu gọi nhà đầu tư…
“So với cơ chế đã ban hành, cơ chế được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh lần này có thay đổi lớn, mức hỗ trợ phát triển mạng lưới đường ống cấp I được nâng lên; bổ sung nội dung hỗ trợ phát triển mạng lưới đường ống dịch vụ; hỗ trợ chi phí đấu nối cho hộ gia đình.
Cơ chế cũng bổ sung đối tượng tham gia đầu tư hệ thống cấp nước theo hình thức đầu tư công tại các địa phương miền núi và các địa phương đồng bằng - trong trường hợp không kêu gọi được DN đầu tư theo cơ chế…” - ông Đức nói.