Kết quả thu hút doanh nghiệp đến đầu tư ở địa phương trong thời gian qua đã thể hiện rõ định hướng của huyện Bắc Trà My về khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống người dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân vừa có cuộc làm việc với UBND huyện Bắc Trà My về việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xúc tiến đầu tư, cải cách hành chính và phát triển du lịch trên địa bàn. Ảnh: N.Đ |
Khai thác thế mạnh
Trên lĩnh vực nông - lâm nghiệp, Bắc Trà My đã kêu gọi 2 công ty đầu tư trồng 1.570ha cao su đại điền trên địa bàn 7 xã; cùng với đó, huyện có nghị quyết hỗ trợ cho nhân dân trồng cao su tiểu điền với diện tích 128ha. Hiện, phần lớn diện tích cao su đã đến kỳ khai thác mủ, mang lại thu nhập ổn định cho người lao động. Đối với lĩnh vực công - thương nghiệp, ông Phan Duy Hưng - Phó Trưởng phòng Tài chính - kế hoạch huyện Bắc Trà My cho biết, đến nay Cụm công nghiệp tinh dầu quế của huyện (gần 115.000m2) đã thu hút được 4 nhà máy đầu tư hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, băm gỗ keo nguyên liệu và sản xuất tinh dầu quế với tổng diện tích hơn 80.000ha. Tỷ lệ lấp đầy chiếm 70,9% tổng diện tích của cụm công nghiệp. Ngoài ra, địa phương cũng đã thu hút một doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, vui chơi giải trí với quy mô 9.500m2, có tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng, góp phần tạo nên điểm nhấn tại khu vực trung tâm huyện.
Nhiều dự án đầu tư khác cũng đang thực hiện các thủ tục để triển khai thực hiện. Nói về định hướng xúc tiến đầu tư thời gian đến, ông Hưng khẳng định, Bắc Trà My tiếp tục kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp vào các ngành kinh tế mà huyện có điều kiện thuận lợi, có tiềm năng, thế mạnh, như sản xuất chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, dịch vụ, du lịch. Trong đó, chú trọng phát huy lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn nông lâm sản, sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường bền vững và giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn.
Theo kế hoạch năm 2019, các dự án trồng cây dược liệu với quy mô 506ha, có mức đầu tư 72,5 tỷ đồng; dự án trồng rừng gỗ lớn tại 3 xã Trà Kót, Trà Đông, Trà Nú sẽ được xúc tiến triển khai. Theo ông Nguyễn Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện, việc thu hút đầu tư của huyện tiếp tục có thêm những tín hiệu đáng mừng, khi mới đây có một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may đã đến khảo sát, đặt vấn đề đầu tư, xây dựng cơ sở sản xuất ngay tại thị trấn Trà My. “Từ kết quả khảo sát, huyện đề nghị tỉnh cho phép UBND huyện mở rộng cụm công nghiệp tinh dầu quế ra phía tuyến đường tránh ở phía tây thị trấn Trà My để doanh nghiệp này được hưởng những cơ chế hỗ trợ của UBND tỉnh hiện nay khi đầu tư vào địa bàn” - ông Nhuần nói. Tại cuộc làm việc giữa UBND tỉnh với UBND huyện Bắc Trà My mới đây, Phó Giám đốc Sở Công thương Huỳnh Thanh Tòng đánh giá, kết quả thu hút dự án đầu tư của Bắc Trà My đã thể hiện rõ định hướng về khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phát triển gắn với bảo tồn văn hóa
Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và phát triển hạ tầng, dịch vụ phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn theo Đề án phát triển du lịch huyện Bắc Trà My giai đoạn 2015 - 2020 định hướng đến năm 2025 đang được các ngành địa phương thực hiện. Bà Trịnh Thị Hồng Nga - Trưởng phòng VH-TT huyện chia sẻ, đề án phát triển du lịch của huyện xác định tập trung vào 3 loại hình du lịch mà địa phương có thế mạnh, gồm du lịch dựa vào cộng đồng, du lịch tìm hiểu lịch sử và du lịch sinh thái. Trong đó, ưu tiên phát triển du lịch dựa vào cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc Bắc Trà My. Qua khảo sát, huyện quyết định chọn thôn Cao Sơn (xã Trà Sơn) để xây dựng làng du lịch truyền thống cộng đồng. Vì nó gần với quần thể Khu di tích Trung Trung Bộ - Nước Oa; sau khi hoàn thành, đi vào hoạt động sẽ kết nối du lịch văn hóa lịch sử với du lịch cộng đồng. “Chọn thôn Cao Sơn để xây dựng làng du lịch truyền thống cộng đồng vì ở đây hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Họ đồng thuận cao với chủ trương, hỗ trợ hiến đất để xây dựng các thiết chế phục vụ phát triển du lịch. Về hạ tầng, tuyến đường nối từ quốc lộ 40B đi lên khu du lịch cộng đồng Cao Sơn đã được đầu tư với đường bê tông rộng 3,5m; lề đường 0,5m. Huyện cũng đã đầu tư xây dựng nhà sinh hoạt truyền thống tại tổ 2 của thôn với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng; thành lập hai đội cồng chiêng, hỗ trợ trống chiêng, trang phục; tập hợp các hộ đan lát để thành lập các nhóm hộ đan lát phục vụ du lịch. Năm 2019, tiếp tục phục dựng cây nêu, máng nước truyền thống tại nhà sinh hoạt để tạo sản phẩm du lịch phục vụ du khách” - bà Nga cho biết.
Cũng theo bà Trịnh Thị Hồng Nga, đến nay, Bắc Trà My cũng đã vận động bà con thôn Cao Sơn di dời chuồng trại gia súc, gia cầm ra khỏi làng; chăn nuôi ở khu tập trung để bảo vệ môi trường. Người dân cũng thống nhất cao đề án phát triển du lịch của huyện là hỗ trợ người dân trong việc nâng cấp từ nhà đất thành nhà sàn. Theo đó, bà Trịnh Thị Hồng Nga đề xuất, UBND tỉnh nên quan tâm có đối ứng kinh phí cùng với huyện để hỗ trợ cho các hộ nâng cấp nhà sàn. Dự kiến, mỗi năm sẽ nâng cấp 5 nhà sàn và đã có 30 nhóm hộ, người dân chủ động đăng ký nâng cấp, vì vậy Nhà nước cần có sự hỗ trợ với mức hợp lý để khuyến khích...
HÀN GIANG