Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn “thất bại” không phải lỗi hoàn toàn do thiếu cơ chế hay chính sách không đủ mạnh. Hiện còn khá nhiều rào cản khiến việc thu hút đầu tư vào khu vực này không thể dễ dàng như mong đợi!
Không dễ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: T.DŨNG |
Chưa thu hút doanh nghiệp
PV: Thưa ông, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp Quảng Nam thành công hay thất bại?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Không riêng gì Quảng Nam, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên bình diện cả nước đã có tiến bộ. Nhưng nếu so sánh với yêu cầu đặt ra hay so với các ngành kinh tế khác là một sự thất bại. Thất bại vì khách quan rất lớn. Doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này phải rất cân nhắc. Có lợi người ta mới làm. Khi thấy được lợi nhuận cao, tự khắc doanh nghiệp sẽ nhảy vào đầu tư. Có khi không cần đến cơ chế, chính sách ưu đãi. Thực tế, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách, quy định thu hút đầu tư vào miền núi, vùng sâu, vùng xa… với nhiều ưu đãi từ thuế, sử dụng lao động… nhưng có ai lên đầu tư đâu? Những khu vực này tốn nhiều chi phí vận chuyển, nguồn điện sản xuất, lực lượng lao động thiếu hụt… Doanh nghiệp nhận thấy với những chính sách như thế cũng không bù đắp được chi phí, chưa kể lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực đầy rủi ro về thời tiết, thiên tai nên ít mặn mà là điều dễ hiểu. Ví như đầu tư nuôi tôm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiệu quả, nhưng đầu tư với quy mô lớn ở vùng miền Trung này luôn bấp bênh, bởi chỉ cần một cơn bão đi qua là có vấn đề ngay…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh. |
Hiện đất đai của nông dân quá manh mún. Có rất nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp Quảng Nam. Nhưng chỉ cần một miếng đất 10ha (chưa nói đến lớn hơn) phù hợp cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch hoặc nông nghiệp hữu cơ thì không dễ tìm. Quảng Nam mới đề ra chủ trương tích tụ đất đai bằng cách doanh nghiệp thuê đất của dân để sản xuất. Điều đó cũng chỉ là giải pháp tình thế thôi chứ tính chủ động của doanh nghiệp vẫn khó hơn là làm chủ trên một mảnh đất họ thuê được của Nhà nước.
Có thể nói đầu tư nông nghiệp luôn gặp nhiều khó khăn. Không hẳn hoàn toàn về chuyện thiếu hay cơ chế, chính sách không đủ mạnh. Dễ thấy trong 2 năm gần đây, Chính phủ liên tục ban hành những cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, kể cả thủy sản, lâm nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ hay chăn nuôi… Và cũng liên tục sửa đổi nhưng số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cũng chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1%.
Sẽ ban hành cơ chế, chính sách riêng
PV: Có cần thiết phải ban hành riêng một cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp Quảng Nam không, thưa ông?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Chính phủ đã từng ban hành Nghị định 210 khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó có quy định là tùy theo từng địa phương, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành quy định thu hút đầu tư phù hợp với thực tiễn địa phương. Quảng Nam nhận thấy những quy định của Nghị định 210 dành cho đầu tư quy mô lớn, ở Quảng Nam khó có thể thực hiện được nên đã đưa ra Quyết định 12 để ưu đãi cho những dự án quy mô nhỏ, thấp hơn, kể cả HTX (trong Nghị định 210 không có tiêu chí này). Nhưng ngay cả thực hiện Quyết định 12 của riêng Quảng Nam cũng rất ít người được thụ hưởng. Chính phủ cũng thấy Nghị định 210 hạn chế, nên đã đưa ra Nghị định 57. Và trong nghị định này cũng có quy định các địa phương xem xét ban hành các quy định của địa phương. Chắc chắn Quảng Nam cũng sẽ ban hành sửa đổi Quyết định 12 để phù hợp với nghị định mới (kể cả quy định về ưu đãi, hỗ trợ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ…). Vẫn phải ban hành quy định nhưng còn đi đến đâu thì không chỉ phụ thuộc vào cơ chế, chính sách.
Không dễ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. |
Cái khó nhất trong các hội thảo, hội nghị thu hút đầu tư doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn Chính phủ chủ trì hay cấp địa phương thì bài toán chung khó giải vẫn là đất đai. Làm sao có đất nông nghiệp, đất rừng quy mô lớn để chăn nuôi, trồng các loại nông sản, rau màu hay dược liệu lớn tập trung là điều khó. Năng suất, chất lượng phụ thuộc vào con giống nhưng hiện ở Việt Nam chuyện này rất kém. Như Quảng Nam, từ trước đến giờ thiếu vắng sản xuất giống. Ngay cả cây giống nông, lâm nghiệp. Không có giống gì hết ngoài chuyện giống lúa mà cũng chỉ hợp đồng, gia công cho những doanh nghiệp phía Bắc, còn để phục vụ cho sản xuất trên địa bàn, kể cả giống heo, bò gần như không có gì cả!
Không dễ ứng dụng trên thực tế
PV: Có nghĩa sẽ rất khó ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sạch hay hữu cơ?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Hiện sản xuất nông nghiệp theo 2 xu hướng. Ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến chiếm chi phí đầu tư rất đắt, có khi từ 5 đến 7 tỷ đồng/ha. Mô hình này chỉ dành cho những doanh nghiệp có tiềm lực. Còn đầu tư nông nghiệp sạch, hữu cơ theo hướng truyền thống (không có sự can thiệp của hóa chất hay vô cơ) nhưng phải ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến. Quảng Nam đang áp dụng cả 2 phương thức này. Tỉnh đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Những khu vực có diện tích đất nhà nước quản lý sẽ giao cho doanh nghiệp có quỹ đất lớn chủ động sản xuất. Sau đó doanh nghiệp sẽ hợp tác, liên kết với dân xung quanh theo 2 hình thức, một là đưa giống, hướng dẫn người dân sản xuất đúng kỹ thuật, quy trình và doanh nghiệp thu mua sản phẩm hoặc có thể thuê lại đất của dân để mở rộng quy mô. Người dân sẽ làm thuê trên mảnh đất đó.
Nghĩa là vẫn còn nhiều cách để làm nông nghiệp công nghệ cao, tiên tiến, hữu cơ, sạch… nhưng sẽ khó khăn, vất vả hơn. Một điều dễ chứng minh thu hút đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn rất khó dù doanh nghiệp trẻ, HTX do các người trẻ khởi nghiệp trong nông nghiệp chiếm nhiều nhất trong số các dự án khởi nghiệp gần đây. Có thể nói nông nghiệp đầy cơ hội, tiềm năng, dư địa lớn để những người muốn dấn thân xây dựng những mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên, khát vọng cũng chỉ dừng ở những quy mô nhỏ. Khởi nghiệp cũng chỉ là khởi nghiệp thôi chứ tiến lên sản xuất hàng hóa quy mô lớn thì lại vấp phải những lực cản về đất đai. Nhiều lắm chỉ có thể có được 2 hay 3ha chứ muốn đầu tư lên quy mô vài chục héc ta thì khó có thể tìm ra. Khi có diện tích đủ lớn, chi phí đầu tư sẽ càng thấp, hiệu quả càng cao, tiết kiệm được chi phí đầu vào, nhưng hiện thời chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, chỉ có thể cung ứng trên thị trường hàng hóa nhỏ lẻ và giá thành cao là điều không thể khác được. Những rào cản này sẽ khiến chi phí đầu vào rất cao và dĩ nhiên, doanh nghiệp ngại đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đầy rủi ro như hiện tại là điều dễ hiểu.
PV: Xin cảm ơn ông!
TRỊNH DŨNG (thực hiện)