Không chiếm số lượng dự án và tổng vốn đầu tư lớn, nhưng dòng FDI của Nhật Bản tại Quảng Nam là những dự án chất lượng. Trong khuôn khổ “Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam”, một cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp sẽ được mở nhằm mời gọi đầu tư từ các đối tác Nhật Bản.
Các nhà đầu tư Nhật Bản đến xúc tiến đầu tư vào Quảng Nam. Ảnh: T.D |
Những dự án FDI chất lượng
Không kể đến một nhà máy sản xuất ô tô Mazda lớn và hiện đại được chuyển giao công nghệ hoàn toàn mới của Tập đoàn Mazda (Nhật Bản), được Trường Hải chính thức khánh thành hôm 25.3.2018 và tuyến hàng hải container trực tiếp từ cảng Hiroshima (Nhật Bản) về Chu Lai thì số dự án FDI của Nhật Bản tại Quảng Nam cũng khá nhiều. Ông Trần Văn Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư cho hay, hiện dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào Quảng Nam đạt hơn 720 triệu USD và đều là những dự án chất lượng. Thị trường nội địa và xuất khẩu đã quá quen thuộc với Tập đoàn Suntory về nước giải khát chất lượng; một thiết bị vệ sinh thuộc hàng sản phẩm cao cấp hay giới đầu tư đã từng “ngạc nhiên” khi nhà máy Sasaki Shoko Việt Nam (chuyên về sản xuất lưới lồng chochin và các loại lưới khác) phục vụ nuôi trồng thủy sản đã chính thức khánh thành tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc chỉ sau 7 tháng thi công xây dựng.
Kết quả sự xuất hiện, đặt cược những cuộc làm ăn lâu dài của các nhà đầu tư Nhật Bản là kết tinh từ những cuộc tìm hiểu và xúc tiến đầu tư tại Quảng Nam và ngược lại. Những “mối lương duyên” từ quá khứ đã thúc đẩy doanh nghiệp Nhật Bản tìm đến Quảng Nam để khảo sát môi trường đầu tư. Trong một cuộc tiếp xúc đầu tư Quảng Nam tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, ông Kazuo Tsubota - Giám đốc Thương vụ Koto (Tokyo) nói đã thật sự ấn tượng với sự phát triển và cơ chế, chính sách, tiềm năng của Quảng Nam. Chuyến khảo sát đầu tiên này sẽ mở ra một chương trình hợp tác, đầu tư toàn diện trong tương lai. Thương vụ sẽ mở nhiều hội thảo, thông tin về tình hình Quảng Nam và sẽ đưa ra quyết định đầu tiên trong thời gian tới. Hiện khá nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu mở các công xưởng tại Việt Nam nói chung và Quảng Nam để chiêu mộ những thực tập sinh Việt Nam đã làm việc tại Nhật Bản và những lao động địa phương.
Triển vọng thu hút đầu tư
Chưa có con số đóng góp cụ thể vào ngân sách Quảng Nam mỗi năm, nhưng hàm lượng công nghệ cao, sản phẩm chất lượng của các dự án đầu tư từ Nhật Bản đã góp phần định danh thương hiệu Quảng Nam. Hầu hết nhà đầu tư đều muốn mở rộng quy mô sản xuất hay đầu tư thêm nhiều dự án khác. Lịch xúc tiến đầu tư của Quảng Nam ngày càng dày hơn. Hướng đến thị trường và các nhà đầu tư Nhật Bản là một lựa chọn. Chỉ riêng năm 2018, có khá nhiều chương trình kết nối với các tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản. Hiện Quảng Nam hợp tác với các viện nghiên cứu nước ngoài, cơ quan tư vấn, thực hiện những hoạt động nghiên cứu, đánh giá xu hướng và đối tác đầu tư từ Nhật Bản cũng như các đối tác Hàn Quốc, Hồng Kông, tập trung thu hút các dự án đầu tư thuộc 6 lĩnh vực ưu tiên trong khuôn khổ hợp tác Việt - Nhật.
Trong khuôn khổ “Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam”, một cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp sẽ được mở. Quảng Nam sẽ giới thiệu tiềm năng, định hướng phát triển và cơ hội đầu tư; kết nối, mời gọi đầu tư từ các đối tác Nhật Bản ở 4 lĩnh vực. Đó là dịch vụ du lịch, công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, nông nghiệp công nghệ cao và đào tạo lao động, kèm theo những chuyến khảo sát tham quan các khu công nghiệp và nhà máy ô tô Trường Hải. Ông Võ Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư cho hay, số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đến Quảng Nam tìm cơ hội hợp tác ngày càng nhiều. Đó là hiệu ứng lan tỏa từ các cuộc xúc tiến đầu tư của Quảng Nam tại Hàn Quốc hay trên lãnh thổ Việt Nam. Tất cả đang chờ đợi một làn sóng đầu tư mới của Nhật sẽ tràn về Quảng Nam, như địa phương cũng đã từng hy vọng sẽ có cuộc kết nối thành công giữa 46 nhà sản xuất phụ tùng linh kiện ô tô Mazda Nhật Bản đến Quảng Nam vài năm trước.
Ông Kohichiroh Abe - Tổng Giám đốc Nippon Steel, đại diện đoàn doanh nghiệp Nhật cho rằng, rất ấn tượng với tốc độ phát triển của Thaco, nhất là sự hợp tác, xây dựng, khẳng định thương hiệu Mazda tại thị trường Việt Nam. Vị trí địa lý, hạ tầng, nhân lực đặc thù, kỷ luật, cơ chế ưu đãi của Khu công nghiệp cơ khí ô tô mở rộng Chu Lai - Trường Hải là lợi thế của Thaco, cũng chính là điều doanh nghiệp quan tâm và đánh giá khá cao về triển vọng lựa chọn, hợp tác đầu tư. Nếu sản lượng đủ lớn họ sẽ tìm cách sang đầu tư, hỗ trợ Thaco xuất khẩu. Và đây chính là thời điểm thuận lợi nhất có thể mở những cuộc hợp tác lâu dài từ hai phía.
TRỊNH DŨNG