Hội chợ Công thương miền Trung - Tây Nguyên Quảng Nam 2013 đã đi gần nửa chặng đường. Theo nhận định của lãnh đạo tỉnh, ban tổ chức hội chợ lẫn doanh nghiệp thì hội chợ khá thành công bởi nhiều đơn vị tham gia đã thu hút được khách hàng tiềm năng.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh động viên các đơn vị tham gia hội chợ.Ảnh: THỤC ANH |
Cơ hội quảng bá sản phẩm
Hội chợ Công thương miền Trung - Tây Nguyên Quảng Nam tổ chức ở Quảng trường 24.3, trung tâm của thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ nên thu hút nhiều người dù hiện tại không phải là mùa cao điểm mua sắm. Mặc cho thời tiết những ngày đầu diễn ra hội chợ không mấy dễ chịu, âm u và mưa rả rích nhưng hàng nghìn người dân vẫn đổ về tham quan, mua sắm. Chị Bùi Thị Dung - giáo viên trường Tiểu học Kim Đồng (huyện Tiên Phước) tranh thủ ngày cuối tuần xuống Tam Kỳ tham quan hội chợ. “Nghe thông tin có hội chợ lớn, mang tầm khu vực diễn ra ở TP.Tam Kỳ nên tôi cùng mấy người bạn trong trường rủ nhau đi. Hàng ở hội chợ lần này khá phong phú, đầy đủ các sản phẩm sử dụng trong gia đình” - chị Dung chia sẻ. Hầu như khách tham quan hội chợ đều có chung ý kiến như chị Dung. “Mặt hàng tại hội chợ lần này phong phú và đa dạng hơn những lần hội chợ xuân trước là điều rõ ràng do đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước. Sản phẩm lạ, độc đáo như sản phẩm mỹ nghệ của cơ sở Minh Tuấn (tỉnh Gia Lai) có giá tới vài trăm triệu đồng nhìn thấy sướng con mắt, nhưng trong điều kiện tình hình kinh tế khó khăn không ai dám bạo gan chi tiêu” - một khách hàng nói.
Theo báo cáo của nhân viên bán hàng Công ty CP Ô tô Trường Hải - Chu Lai với lãnh đạo UBND tỉnh trưa 24.6, trong những ngày vừa qua, công ty đã tìm kiếm được 5 hợp đồng mua xe và rất nhiều người tham quan, tìm hiểu thông tin các dòng xe của công ty. Anh Bùi Trần Nhân Nghiêm – nhân viên bán hàng công ty, cho biết: “Hội chợ đã giúp sản phẩm của công ty đến gần với người tiêu dùng hơn. Chúng tôi rất bất ngờ trước sự quan tâm của khách hàng, việc ký kết các hợp đồng mua xe trong những ngày vừa qua nằm ngoài trông đợi của công ty”. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu là người theo sát chương trình từ khi mới bắt đầu, theo dõi công tác chuẩn bị đến những ngày diễn ra hội chợ. Ông Thu cho biết: “Đến nay, hội chợ đi được gần 2/3 chặng đường và gặt hái được nhiều thành công. Đó là việc các doanh nghiệp và địa phương tham gia kín ở tất cả gian hàng. Mục tiêu của hội chợ là giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường, giới thiệu thành tựu kinh tế - xã hội… đã đạt được. Tôi cho rằng tính chất thương mại của hội chợ chỉ là yếu tố phụ”. Theo nhiều doanh nghiệp, chủ gian hàng tham gia hội chợ, doanh số bán hàng trong những ngày vừa qua không cao như mong đợi nhưng tất cả đều không lấy đó làm thất vọng. Chị Lương Thùy Liên – Giám đốc Công ty Quỳnh Anh Thư (số 33 Nguyễn Văn Linh, TP.Đà Nẵng) nói: “Khách hàng đến gian hàng của chúng tôi tham quan là chủ yếu, ít mua sắm do sản phẩm của tôi hướng về chăm sóc sức khỏe, sản phẩm đá nhập khẩu từ Hymalia nên doanh số bán hàng không cao. Tuy nhiên, mục tiêu chúng tôi xác định ngay từ đầu là quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng”.
Hàng mỹ nghệ chiếm ưu thế
Điều dễ dàng nhận thấy tại Hội chợ Công thương miền Trung – Tây Nguyên Quảng Nam lần này là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau như đất, gỗ, đá, mây tre lá… chiếm ưu thế trong các gian trưng bày. Từ các sản phẩm đa dạng dùng trong gia đình như chiếc bình đựng tăm bằng gỗ, đá; đồ mỹ nghệ để trang trí nội thất bằng gốm như gốm Lê Đức Hạ (Duy Xuyên), gốm Bát Tràng (TP.Hà Nội)… đến những sản phẩm có giá trị lớn hơn như đồ nội thất bằng gỗ của mỹ nghệ Trường Tiền (Thừa Thiên Huế), mỹ nghệ Minh Tuấn (Gia Lai)… đều được chưng bày rất bắt mắt. Sự phong phú về mẫu mã và giá cả của hàng thủ công mỹ nghệ đã giúp người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn. Hàng thủ công mỹ nghệ được làm bằng mây tre lá của Công ty TNHH Đông Huy (TP.Đà Nẵng), Hợp tác xã Phú Bông (Điện Phong, Điện Bàn)… với giá cả tương đối phù hợp túi tiền của đa số người dân trên địa bàn tỉnh nên được nhiều người lựa chọn. Bà Nguyễn Thị Thu Ngân - Giám đốc Công ty TNHH Đông Huy cho biết: “Thời gian qua sản phẩm của công ty được tiêu thụ nhiều ở các nước châu Âu, trong nước cũng có nhưng không mạnh, đặc biệt là khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Vì vậy, chúng tôi muốn nhân cơ hội này quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường trong khu vực. Chúng tôi đã nhận được một số đơn đặt hàng tủ ti vi, bàn ghế mây”. Tương tự, hàng thủ công mỹ nghệ của Hợp tác xã Phú Bông cũng nhận được khá nhiều đơn đặt hàng. “Ngoài đơn đặt hàng là bàn ghế mây của một số tiệm cà phê, rất nhiều khách tham quan hỏi xin thông tin, địa chỉ của hợp tác xã để liên hệ sau” - ông Trương Tưởng, Chủ nhiệm HTX Phú Bông cho hay.
Có thể nói, “cái được” của Hội chợ Công thương miền Trung - Tây Nguyên Quảng Nam 2013 không thể nhìn thấy trước mắt nếu xét ở khía cạnh doanh thu. Nhưng về lâu về dài thì hoàn toàn có thể, nếu không nói là rất tiềm năng. Nhiều chủ gian hàng của các sản phẩm có chất lượng, có giá trị dù không đạt doanh số bán hàng nhưng rất phấn khởi. Nói như ông Hồ Văn Vũ – chủ doanh nghiệp mỹ nghệ Trường Tiền (Thừa Thiên Huế): “Kinh nghiệm từ việc tham gia các hội chợ lớn, khách hàng thường tìm đến và đặt hàng sau đó. Bởi, khách hàng hiện nay đều là người tiêu dùng thông minh, đồng tiền làm ra khó nên phải cân nhắc trước khi chi tiêu. Sau hội chợ, họ lên mạng tìm hiểu rồi mới quyết định. Hơn nữa, sản phẩm chúng tôi luôn đạt chất lượng, không chạy theo “bán lúa non”, trong chiến lược kinh doanh luôn tính đến đời con, đời cháu nữa”.
CHIÊU THỤC ANH
|