Thu hút dự án FDI vào Quảng Nam hiện vẫn chưa tương xứng tiềm năng. Ngoài những vướng mắc về thủ tục, cơ chế, chính sách, kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ thì mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối liên vùng hạn chế cũng khiến chi phí logistics cao, giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp…
Nỗ lực thu hút đầu tư
Năm 2020, Công ty TNHH Điện khí Quốc Quang (Trung Quốc) đầu tư 24 triệu USD vào Khu công nghiệp (KCN) Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn) trên diện tích 4ha.
Sau 4 năm hoạt động, đầu năm 2024 doanh nghiệp quyết định thuê thêm 7,7ha đất tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc xây dựng nhà xưởng mới, mở rộng quy mô sản xuất.
Dự kiến, sau khi hoàn thành, giá trị sản xuất doanh nghiệp sẽ tăng từ 150 triệu USD (năm 2023) lên trên 600 triệu USD, đồng thời nâng số lao động từ 2.000 người hiện nay lên khoảng 10 nghìn lao động.
Công ty TNHH Điện khí Quốc Quang là một trong số các doanh nghiệp FDI hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại Quảng Nam.
Tính đến tháng 10/2024 toàn tỉnh có 246 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với 201 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký khoảng 6,35 tỷ USD. Bình quân mỗi năm các doanh nghiệp FDI đóng thuế khoảng 1.100 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 61 nghìn lao động.
Tại Khu kinh tế mở Chu Lai, thời gian qua một số dự án FDI quy mô lớn đã được cấp phép đầu tư như Dự án nam châm từ tính SGI (Hàn Quốc, vốn đầu tư 39,3 triệu USD), nhà máy sản xuất kính hoa siêu trắng Ức Thịnh (Trung Quốc, vốn đầu tư 35 triệu USD), nhà máy sản xuất thiết bị làm sạch Karcher (Đức, vốn đầu tư 21,3 triệu USD)…
Ông Nguyễn Hồng Quang - Trưởng ban Quản lý các Khu kinh tế và KCN Quảng Nam thừa nhận, tuy đạt được kết quả tốt trong thu hút nguồn vốn đầu tư FDI nhưng so với nguồn lực, tiềm năng thì vẫn còn thấp.
Đa số doanh nghiệp FDI có quy mô trung bình và nhỏ, thiếu các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có khả năng dẫn dắt phát triển, tạo lập mạng lưới sản xuất, cung ứng…
Nhằm đẩy mạnh thu hút dự án FDI, theo ông Quang, hàng năm đơn vị đều xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư và danh mục ưu tiên thu hút đầu tư. Đặc biệt, hợp tác chặt chẽ, cung cấp thông tin cho các tổ chức, đối tác tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư.
“Ban Quản lý đang xúc tiến đầu tư dự án sản xuất cánh quạt điện gió, tổng vốn khoảng 150 triệu USD. Ngoài ra, Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) cũng đang điều chỉnh dự án nhà máy sản xuất vải mành từ 210 triệu USD lên 410 triệu USD, hứa hẹn sẽ mở rộng quy mô đầu tư lên 1,34 tỷ USD” - ông Quang thông tin.
Thiện cảm doanh nghiệp FDI
Các dự án FDI không chỉ đóng vai trò quan trọng, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, mà còn là kênh xúc tiến, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư vào Quảng Nam hiệu quả. Do vậy, Quảng Nam đang tìm nhiều cách để thu hút nguồn lực này.
Theo khảo sát của Công ty Karcher (trụ sở tại KCN Hậu cần cảng Tam Hiệp), nếu xuất hàng đi Đức từ cảng Đà Nẵng sẽ rẻ hơn cảng Chu Lai 10 - 15%, cạnh đó thời gian vận chuyển cũng ngắn hơn. Do vậy, sự đồng hành, sâu sát của lãnh đạo tỉnh, chính quyền địa phương và các sở, ban ngành có thể được xem là “điểm cộng” mang nhiều thiện cảm cho nhà đầu tư FDI.
“Năm 2023 chúng tôi đầu tư vào KCN Hậu cần cảng Tam Hiệp và hết sức bất ngờ vì sự hỗ trợ của tỉnh. Sau 6 tháng vận hành sản xuất, công ty đã xuất hàng đến một số nước như Nhật Bản, Mỹ, Úc, Đức, Mexico. Chúng tôi rất hài lòng khi đầu tư vào tỉnh Quảng Nam” - đại diện Công ty Karcher nói.
Mối thiện cảm này cũng được nhiều doanh nghiệp FDI bày tỏ qua các cuộc tiếp xúc, làm việc với lãnh đạo tỉnh. Ông Park Chan - Tổng Giám đốc Công ty Hyosung Quảng Nam nhìn nhận, sự đồng hành, thấu hiểu của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, nhất là trong những thời điểm khó khăn.
“Từ khi Hyosung đầu tư vào tỉnh Quảng Nam, chúng tôi đã nhận được rất nhiều hỗ trợ và hợp tác của chính quyền cũng như các cơ quan hữu quan. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hợp tác, hỗ trợ nhiều hơn nữa trong tương lai để giải quyết một số vấn đề mà Hyosung đang gặp phải” – ông Park Chan chia sẻ.