Thủ lĩnh thanh niên khởi nghiệp, tại sao không?

VINH ANH 11/01/2017 08:43

Đó là ý kiến của ông Trần Bá Dương - Tổng Giám đốc Công ty CP Ô tô Trường Hải khi giao lưu, nói chuyện với cán bộ, đoàn viên, thanh niên nhân hội nghị Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam lần 6, khóa VII (nhiệm kỳ 2014 - 2019) vừa diễn ra tại Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải.

Ông Trần Bá Dương - Tổng Giám đốc Công ty CP Ô tô Trường Hải nói chuyện với thanh niên về khởi nghiệp. Ảnh: VINH ANH
Ông Trần Bá Dương - Tổng Giám đốc Công ty CP Ô tô Trường Hải nói chuyện với thanh niên về khởi nghiệp. Ảnh: VINH ANH

Hội nghị có sự tham dự của Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Lê Quốc Phong; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường, cùng hơn 160 đại biểu là cán bộ Hội LHTN Việt Nam chủ chốt các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Khuyến khích khởi nghiệp nông nghiệp

Ông Trần Bá Dương cho rằng trong tình hình hiện nay, việc Đảng, Nhà nước kêu gọi khởi nghiệp là hết sức đúng đắn, bởi nền kinh tế nước ta cần có một sức bật mới. Điều này gắn liền với vai trò, trách nhiệm của thanh niên. Khởi nghiệp, ở các nước phát triển là kêu gọi sự sáng tạo và làm cái mới bởi họ đang đối diện với cách mạng công nghệ lần thứ 4, gắn liền với các phát minh, sáng chế. Còn khởi nghiệp ở Việt Nam nằm ở ý nghĩa khuyến khích con người lao động, làm kinh tế ở bất cứ đâu. Khởi nghiệp có thể thành công hay thất bại nhưng cái quan trọng là phải có tinh thần khởi nghiệp. Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta, việc khởi nghiệp sẽ rất dễ và tỷ lệ thành công cao nếu có giải pháp hiệu triệu, cả tư vấn và giải pháp tổ chức.

Đoàn đại biểu Trung ương Đoàn và Trung ương Hội LHTN Việt Nam tặng quà cho công nhân Công ty CP Ô tô Trường Hải. Ảnh: VINH ANH
Đoàn đại biểu Trung ương Đoàn và Trung ương Hội LHTN Việt Nam tặng quà cho công nhân Công ty CP Ô tô Trường Hải. Ảnh: VINH ANH

Vậy, cần chọn lựa những công việc, lĩnh vực gì trong khởi nghiệp, ông Dương nhấn mạnh 2 vấn đề, đó là phải hiểu được kinh tế vĩ mô và chọn nghề có hiệu quả cho nền kinh tế; đóng góp và không làm nguy hại, tác động xấu đến nền kinh tế. Những ngành nghề quan trọng có thể khởi nghiệp là nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin, công nghiệp. Công nghiệp thì tùy vào từng địa phương, ví dụ ở Quảng Nam rất cần những con người tham gia sản xuất linh kiện, và nếu được thì có thể ký với đoàn, hội kêu gọi, tập hợp thanh niên khởi nghiệp trên lĩnh vực này. Ở đây không phải tập hợp thanh niên để về làm cán bộ cho Trường Hải mà chính là tập hợp những đối tác cho Trường Hải. Khởi nghiệp là phải hướng đến làm thủ lĩnh chứ không phải là lãnh đạo công ty. Do đó điều cần thiết khi khởi nghiệp là phải thay đổi cấu trúc, cách làm. Như trong nông nghiệp phải hướng đến an toàn thực phẩm, nâng cao năng suất trong một chuỗi khép kín từ gieo trồng, thu hoạch đến tiêu thụ.

Ông Dương mong muốn thanh niên phải làm cho được khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp. Những doanh nhân thành công cũng phải có trách nhiệm tham gia lĩnh vực nông nghiệp. Thời điểm hiện nay rất phù hợp để khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp, bởi chất lượng và an toàn thực phẩm rất được quan tâm, chú trọng. Do đó, thanh niên có thể khởi nghiệp trên lĩnh vực này theo hướng tổ chức các công ty, tập hợp đất đai, quản lý theo hướng công nghiệp. Ông Dương hứa sẽ sẵn sàng đồng hành, khởi nghiệp với thanh niên trên lĩnh vực này.

Thủ lĩnh phải làm gương

Hãy nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp
Theo anh Lê Quốc Phong - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, “Start-up” (khởi nghiệp) là từ được nhắc nhiều trong cộng đồng, xã hội, đặc biệt là thanh niên. Nhu cầu làm kinh tế, khởi sự doanh nghiệp trong thanh niên gia tăng mạnh mẽ. Trở thành doanh nhân thành đạt đang là ước muốn, mục tiêu phấn đấu của rất nhiều bạn trẻ. Khát khao lập thân lập nghiệp làm giàu bằng sức lực, tri thức đã và đang thôi thúc nhiều thanh niên hành động và khởi nghiệp. Tuy nhiên, trong hành trình khởi nghiệp đầy thách thức, có nhiều bạn chưa thành công với nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc thiếu sự trợ sức trong quá trình khởi nghiệp là nguyên nhân quan trọng. Nhằm hỗ trợ thanh niên khắc phục những khó khăn, thách thức trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thời gian vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã chính thức triển khai chương trình “Thanh niên khởi nghiệp”, giai đoạn 2016 - 2021 với 3 đối tượng trọng tâm: sinh viên, thanh niên nông thôn, doanh nhân trẻ. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh mong muốn và kêu gọi các cấp bộ hội LHTN Việt Nam, mỗi bạn thanh niên hãy suy nghĩ, nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo khởi nghiệp và chủ động chuẩn bị hành trang cho quá trình khởi nghiệp.

Làm sao thức tỉnh và tạo cho thanh niên sự tự tin để làm chủ cuộc sống và phát triển trong môi trường dấn thân, hoạt động là điều hết sức quan trọng. Chia sẻ với thanh niên về chuyên đề “Khởi nghiệp và con đường hướng tới thành công”, ông Trần Bá Dương đã nhắc lại câu chuyện của bản thân khi mới “chân ướt chân ráo” đến với ngành công nghiệp ô tô. Năm 2003, khi mới ra Quảng Nam, ông nhận thấy đa số thanh niên tại chỗ có một điểm chung là thiếu tự tin. Ở vùng đất còn nghèo như Quảng Nam, khi thanh niên lớn lên chỉ mong được đi khỏi quê hương để mưu sinh và phát triển bản thân thì ngày nay, sự tự tin đã hiện rõ ở những cán bộ, kỹ sư, công nhân của Trường Hải. Không chỉ làm chủ công nghệ mà những công nhân của Trường Hải đã hình thành ý thức làm việc rất kỷ luật, gần như đã đạt cấp độ tự giác. Doanh nhân Trần Bá Dương nhìn nhận, không dễ để giữ sự tự tin đừng quá “lố” nhưng cũng đừng tự ti.

Theo ông Dương, để phát huy sự khởi nghiệp trong thanh niên thì tổ chức hội phải thực sự cởi mở và cần có bộ phận tư vấn, tham gia cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp, nhất là địa bàn nông thôn. Vai trò trụ cột của đoàn, hội trong câu chuyện khởi nghiệp là phải dấn thân, nhận trách nhiệm và làm như một doanh nhân. Đó là cần phải xốc lại hội doanh nhân trẻ để mạng lưới doanh nhân và hội LHTN từng tỉnh, thành phố kết nối cùng khởi nghiệp. Đồng thời cán bộ, thủ lĩnh thanh niên phải nêu cao việc làm gương. Dẫn câu chuyện của bản thân khi bắt đầu khởi nghiệp với ngành công nghiệp ô tô, ông Dương cho biết ban đầu bản thân không có một hành trang, kiến thức nào về ngành công nghiệp ô tô, bởi xuất thân chỉ là một thợ sửa ô tô, sau đó mua xe về sửa buôn bán qua lại. Nhưng có được thành công hôm nay là nhờ sự quyết tâm, dám dấn thân, vừa học vừa làm, kể cả việc “học lóm”. Vì thế, bên cạnh việc tập hợp thanh niên thì thủ lĩnh là cán bộ ở Trung ương Hội LHTN Việt Nam hãy mạnh dạn dấn thân, tham gia khởi nghiệp. Tự làm gương để thấy khởi nghiệp khó như thế nào rồi mới biết để tập hợp và nói cho thanh niên nghe. Nếu cứ nói không mà không làm thì chẳng ai nghe.

Trong bối cảnh hội nhập, thủ lĩnh thanh niên phải dám dấn thân khởi nghiệp cả ngành nghề và đối ngoại. Sự tự tin và dấn thân nếu không có thì khởi nghiệp rất khó. Nếu làm được thì chúng ta làm được 2 thứ, đó là xây dựng được tinh thần khởi nghiệp và có được lực lượng thanh niên khởi nghiệp. Kết thúc buổi nói chuyện, ông Dương chia sẻ: “Tôi hy vọng chương trình nghị sự của Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam khóa VII, tổ chức lần thứ 6 tại Chu Lai là cột mốc của chương trình khởi nghiệp của hội, đoàn. Chỉ có khởi nghiệp thành công thì mới giúp cho nền kinh phát triển, giúp thanh niên làm tròn trách nhiệm là rường cột của nước nhà”.

VINH ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thủ lĩnh thanh niên khởi nghiệp, tại sao không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO