Thu ngân sách nội địa năm 2023 Quảng Nam đã vượt dự toán. Kết quả này được đánh giá là một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục đầy ấn tượng.
Chính thức vượt thu
Ngày 2/1/2024, Cục Thuế công bố tổng thu ngân sách nội địa Quảng Nam đã đạt gần 21.434 tỷ đồng. Số thu này vượt 7,9% dự toán pháp lệnh và vượt 2,7% dự toán HĐND tỉnh đã “ấn định” cho năm 2023 (dự toán giao 20.880 tỷ đồng).
Theo dữ liệu phân tích, số thu nội địa (trừ thu sử dụng đất, xổ số kiến thiết và cổ tức, lợi nhuận được chia từ các doanh nghiệp nhà nước) hơn 19.421 tỷ đồng, vượt 9,1% dự toán pháp lệnh và 5% dự toán HĐND tỉnh giao.
Kết quả này đã xóa đi mối ngờ vực dù cố gắng lắm, thu ngân sách nội địa chỉ có thể đạt mức 100% dự toán, thậm chí còn lo ngại sẽ bị hụt thu, trước bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) địa phương đã giảm đến 8,25%.
Con số 11.968 tỷ đồng dự tính sẽ thu từ Tập đoàn Trường Hải đã không thể thực hiện được. Tổng số nộp của tập đoàn này không đạt dự toán pháp lệnh (11.450 tỷ đồng) và dự toán HĐND tỉnh giao (11.968 tỷ đồng), khi chỉ có thể nộp 11.045 tỷ đồng, đạt 96,5% dự toán pháp lệnh và 92,3% dự toán HĐND tỉnh giao. Thu tiền sử dụng đất cũng không khả quan hơn khi chỉ góp vào ngân sách nhà nước hơn 1.911,6 tỷ đồng, thay vì 2.300 tỷ đồng, chỉ đạt 83,1% dự toán.
Theo tính toán, con số hụt thu từ Tập đoàn Trường Hải và tiền sử dụng đất khoảng 1.311,4 tỷ đồng (Trường Hải 923 tỷ đồng và tiền sử dụng đất 388,4 tỷ đồng), nhưng thu ngân sách nội địa lại vượt dự toán đến 553,85 tỷ đồng. Không ít câu hỏi đã được đặt ra là cơ quan thuế đã dựa vào đâu để có được thêm hơn 1.865 tỷ đồng, chính thức công bố thu ngân sách nội địa 2023 đã vượt dự toán?
Phân tích dữ liệu thuế nội địa cho thấy, có 5/17 khoản thu (khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh, lệ phí trước bạ, thuế bảo vệ môi trường, tiền sử dụng đất và thu cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước) không đạt dự toán, còn 12 khoản thu khác đều vượt dự toán.
Trong đó, các khoản thu lớn vượt khá cao, như doanh nghiệp nhà nước (trung ương và địa phương) vượt 36,2% (259,6 tỷ đồng); FDI vượt 33,7% (615,24 tỷ đồng); xổ số kiến thiết vượt 18,2% (22,3 tỷ đồng); thủy điện vượt 45,9% (394 tỷ đồng); bia vượt 32,1% (179,85 tỷ đồng) và Nam Hội An vượt 487,6% (387,6 tỷ đồng).
Số thuế tăng trưởng từ các khoản thu lớn này cộng với nhiều khoản thu chiếm tỷ trọng nhỏ trong số thu nội địa khác đã bù đắp vào sự thiếu hụt của Trường Hải và tiền đất để có được con số tăng thu cho ngân sách Quảng Nam.
Thống kê này cho thấy dù nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp rời bỏ thị trường..., nhưng các nguồn thu liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp đều tăng, chứng tỏ không phải doanh nghiệp nào cũng lâm vào tình trạng bất ổn. Không ít doanh nghiệp vẫn đủ sức tiếp tục trụ lại thị trường, thậm chí còn có thể mở rộng năng lực đầu tư, gia tăng sản xuất, góp phần vào ngân sách nhà nước.
Nỗ lực của doanh nghiệp và cơ quan thuế
HĐND tỉnh đã ấn định 20.880 tỷ đồng thu ngân sách nội địa năm 2023. Nhìn vào chỉ tiêu thu ngân sách này, không ít người đã ngạc nhiên, cho con số này là một “bước lùi” của thu ngân sách.
Tuy nhiên, các cơ quan tài chính đều nhận định sự bất ổn chính trị, kinh tế thế giới, thị trường xăng dầu, nhiên liệu, lãi suất... biến động phức tạp, sẽ tác động mạnh đến thị trường bất động sản, doanh nghiệp phụ thuộc nguồn cung cầu xuất nhập khẩu, nên thực hiện dự toán này dự báo sẽ rất khó khăn.
Ngay từ đầu năm, Cục trưởng Cục Thuế - Nguyễn Văn Tiếp cho hay, theo các phân tích, rà soát, đánh giá từng nguồn thu, sắc thuế, Cục Thuế dự kiến mức tăng trưởng của nền kinh tế sẽ bình thường, không đột biến. Ngành thuế phải nỗ lực hết mình mới có thể đạt được dự toán đề ra.
Nỗ lực của cơ quan thuế đã được “đền đáp” bằng con số thu ngân sách vượt dự toán khi kết thúc năm 2023. Báo cáo tháng 11/2023, cơ quan thuế đưa ra con số thu nội địa chỉ khoảng 18.450 tỷ đồng, bằng 88,4% dự toán. Con số ước thực hiện cả năm 2023 chỉ sẽ khoảng 20.880 tỷ đồng (100% dự toán).
Trong các cuộc họp thường kỳ gần cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay không thể nào giải quyết hết khó khăn của nền kinh tế. Giảm thiểu hết mức sụt giảm của nền kinh tế, cố gắng thu ngân sách nội địa đạt dự toán cũng đã là thành công lớn của năm 2023.
Thực tế khác xa với dự đoán. Chỉ trong tháng cuối cùng của năm 2023, cơ quan thuế đã thu thêm gần 2.984 tỷ đồng. Có thể nói đây là một cuộc “lội ngược dòng ngoạn mục” của việc thu ngân sách nội địa Quảng Nam.
Ông Lương Đình Đường - Phó Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam cho hay, dù tổng thu nội địa năm nay chỉ bằng 80,6% so năm 2022, ngay thu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh chỉ đạt 96,1% dự toán HĐND tỉnh giao (13.764,1 tỷ đồng/14.329 tỷ đồng), nhưng với kết quả này cũng vượt 0,8% dự toán pháp lệnh (13.764,1 tỷ đồng/13.650 tỷ đồng).
Thành công của vượt thu ngân sách, ngoài năng lực nội tại của cộng đồng doanh nghiệp thì nỗ lực của ngành thuế cũng đáng được ghi nhận. Biểu hiện rõ nhất là cơ quan này đã dự lường được những khó khăn, nên đã lên chương trình, kế hoạch đốc thu ngân sách.
Không chỉ đốc thu dựa vào chống thất thu các doanh nghiệp có giao dịch liên kết hoặc có số thu lớn nhưng khai lỗ nhiều năm, hay kinh doanh bất động sản, xây dựng vãng lai, kinh doanh vận tải..., cơ quan thuế còn nỗ lực tạo điều kiện cho người nộp thuế tiếp cận được gói hỗ trợ, góp phần giúp họ dễ thở hơn trước biến động của thị trường.
Ông Nguyễn Văn Tiếp cho hay, cơ quan này đã phân việc cụ thể cho từng cán bộ, công chức thuế trong việc đốc thu tiền thuế đã được gia hạn, thu nợ... Ngành thuế đã lên các kế hoạch, phương án tăng thu bằng việc khai thác triệt để các nguồn thu.
Không bỏ sót bất cứ nguồn thu nào, từ các ngành, lĩnh vực, sắc thuế còn dư địa tăng thu, chống thất thu, gian lận thuế, thu hồi nợ đọng. Cơ quan thuế cũng đã đề nghị chính quyền địa phương nhanh chóng tháo gỡ cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn, dự án...
Sự chia sẻ, đồng hành, quan tâm của chính quyền, cơ quan thuế trong lúc khốn khó của doanh nghiệp cũng là phương sách tốt để doanh nghiệp có thêm sức trụ vững góp phần vào tăng thu ngân sách.