Thu nhập khá từ cây trồng cạn

TƯ RUỘNG 19/12/2017 08:54

Những ngày qua, nông dân xã Đại Quang (Đại Lộc) tiến hành phát dọn cỏ và làm đất để chuẩn bị triển khai gieo trồng hoa màu vụ đông xuân 2017 - 2018 vào cuối tháng 12 này. Anh Sáu Phương Trung cho hay, gia đình anh có cả thảy 8 sào đất màu, nhờ chính quyền địa phương quan tâm đầu tư xây dựng bài bản hệ thống thủy lợi nên vụ nào nguồn nước tưới cũng dồi dào. Những năm qua, anh Sáu Phương Trung chọn 4 loại cây trồng cạn chủ lực gồm ớt, bắp lai, thuốc lá, đậu phụng để thực hiện mô hình luân canh, xen canh, gối vụ trên số diện tích này. Nhờ năng suất đạt khá, giá bán sản phẩm ổn định ở mức cao nên bình quân hằng năm thu về 70 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí mua hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, trả công cày đất và tiền điện bơm nước tưới thì còn lại lãi ròng 45 - 50 triệu đồng.

Nông dân xã Đại An thu 140 - 180 triệu đồng/ha/năm từ việc sản xuất cây trồng cạn theo phương thức hàng hóa. Ảnh: T.R
Nông dân xã Đại An thu 140 - 180 triệu đồng/ha/năm từ việc sản xuất cây trồng cạn theo phương thức hàng hóa. Ảnh: T.R

Theo ông Hồ Quách Triều Đổng - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Quang, trên địa bàn 10 thôn của xã có tổng cộng 128ha đất màu. Thời gian qua, nhờ linh hoạt huy động kết hợp với lồng ghép nhiều kênh vốn, địa phương đã chi hơn 4,5 tỷ đồng kéo 5,3km đường dây điện ra hàng loạt cánh đồng và thi công một số hạng mục quan trọng nhằm phục vụ nước tưới cho nông dân sản xuất. Ông Đổng nói: “Tính đến giữa tháng 12.2017, trong số 128ha đất màu đó thì đã có gần 100ha chủ động nước tưới. Đồng thời chính quyền xã Đại Quang phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện tích cực vận động nhà nông chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng và tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác mới. Nhờ vậy, hiện nay nông dân nơi đây đã hình thành được rất nhiều mô hình sản xuất các loại rau đậu và cây công nghiệp ngắn ngày theo hướng hàng hóa tập trung. Qua khảo sát tại nhiều vùng cho thấy, mỗi năm 1ha đất màu của xã đạt giá trị khoảng 120 - 150 triệu đồng, trừ chi phí thì còn lại lợi nhuận bình quân 70 triệu đồng/ha/năm”.

Trong khi đó, ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho hay, trong số 2.800ha đất màu trên địa bàn 18 xã, thị trấn của huyện đã có 90% chủ động nước tưới. Nhờ quyết liệt thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng bài bản quy trình sản xuất nên thời gian qua nông dân Đại Lộc đã xây dựng được rất nhiều mô hình chuyên canh, xen canh, gối vụ các loại cây trồng cạn như chuối lùn, ớt, bắp lai, đậu phụng, bắp nếp… với tổng diện tích 1.500ha, bình quân mỗi năm 1ha đạt giá trị 120 - 300 triệu đồng. Ông Mẫn nói: “Hiện giờ, Đại Lộc còn 280ha đất màu chưa chủ động nước tưới. Trong những năm đến, chúng tôi sẽ quan tâm hỗ trợ các địa phương đầu tư thủy lợi hóa số diện tích đó với khoản kinh phí dự kiến hơn 10 tỷ đồng. Bởi đây được xem là lối mở trong việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.

TƯ RUỘNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thu nhập khá từ cây trồng cạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO