Chuyện đổi đời từ việc trồng sen lấy hạt đã không còn lạ ở xứ Quảng. Cây sen không những góp sắc hương cho các làng quê mà còn giúp nhiều người “sống được nhờ sen”.
Ao sen bạt ngàn 8 héc ta trên đất Tam Xuân 2, Núi Thành giúp nông dân đổi đời. Ảnh: H.L |
Những năm trở lại đây, nhận thấy tiềm năng từ cây sen, nhiều nông hộ đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích bị ngập úng, cải tạo ao đầm để trồng sen, thả cá. Ông Nguyễn Tấn Hiệp ở thôn Phú Khe Tây, xã Tam Xuân 2 (Núi Thành), trưởng nhóm trồng sen cùng các thành viên thu hoạch hái đài sen, thu hạt ở ao sen rộng 8ha để bán cho thương lái. Nhóm người với hai ba chiếc ghe, thúng nhỏ luồn trong những thân sen cao cả mét để hái búp. Thân sen già có nhiều gai nhỏ, nên mỗi người hái sen phải mặc áo quần kín người, tay mang đồ bảo hộ để khi bẻ đài sen tránh bị gai đâm vào da thịt. Giữa bạt ngàn sen, chỉ những người có kinh nghiệm mới biết đài sen nào đã già để bẻ. “Hạt sen bắt đầu chuyển sang nâu đen thì mới thu hoạch được chứ non quá cũng không được, bởi khi bóc ra, phơi khô hạt nhỏ, thương lái không mua. Sen già vừa thì ăn mới béo, mới bùi, hương vị mới đậm đà” - ông Hiệp cho biết.
Khi đã hái sen đầy bao tải, những chiếc ghe lại rẽ vào bờ để những người phụ nữ và trẻ con chờ sẵn đón lấy bóc gỡ lấy hạt. Đã quen việc, những bàn tay thoăn thoắt bóc tách hạt. Công việc thu hoạch sen mỗi ngày bắt đầu từ 2 giờ sáng và kết thúc lúc 2 giờ chiều. Tất cả sen tươi buổi chiều muộn đều có thương lái đến gom hết. Hạt sen thu gom trải qua công đoạn sơ chế nhọc nhằn mới tới được tay người tiêu dùng. Có cơ sở sơ chế còn lấy tim sen bé bằng mầm thóc từ hạt để ướp trà. Dĩ nhiên, loại trà này cũng kén khách, đắt và hiếm. Cũng từ hồ sen này, mỗi vụ, nhóm hộ ông Nguyễn Tấn Hiệp kiếm được cả trăm triệu đồng, cao hơn cả chục lần so với trồng cây lúa. Năm nay, nhờ được mùa, được giá nên ai nấy phấn khởi lắm. Cứ mỗi ký hạt sen tươi bán với giá 40 - 50 ngàn đồng, nhẩm tính, mỗi tạ hạt sen tươi cho thu nhập khoảng 4 - 5 triệu đồng. Như vậy, mỗi thành viên trong nhóm trồng sen chia nhau gần cả triệu đồng. Cũng theo ông Hiệp, mấy năm qua, ông và 5 hộ dân khác đấu thầu trả cho chính quyền địa phương 50 triệu đồng mỗi năm để trồng sen lấy hạt trên vùng đất trũng thấp của đất Tam Xuân 2 vốn được chuyển đổi từ đất lúa. Từ khi cây ra hoa cho tới thu hoạch kéo dài chừng một tháng. Mùa thu hoạch kéo dài từ tháng 4 tới tháng 8 âm lịch.
Ở thôn Thuận Mỹ, xã Đại Phong (Đại Lộc), cũng có nhóm hộ ông Lương Vinh, Lương Cân và Huỳnh Trung trồng sen ở hồ rộng 2ha cả chục năm nay. Ngoài trồng sen, mỗi năm, ba hộ này còn thả nuôi 2 tạ cá trắm, chép, mè, trôi, điêu hồng, rô phi, kể cả thả vịt ven hồ để tăng thu nhập. Tùy theo giá sen tươi dao động trên thị trường, mỗi năm nhóm hộ thu về 300 - 400 triệu đồng. Trồng sen, nuôi cá, thả vịt vốn không tốn nhiều công sức, chi phí nhưng nguồn lợi đem lại rất khá. Mùa sen trên đất Thuận Mỹ rộ lên chừng 3 tháng, có thời điểm nông dân tranh thủ thu hoạch búp sen để bán cho các shop hoa tươi với giá rất cao vì hiếm ai thu hoạch búp sen, trừ khi có người đặt. Cứ đôi ngày, nhóm hộ ông Lương Vinh thu hoạch sen một lần, tận dụng tối đa lao động trong nhà để thu hái, lẫn bóc tách hạt. Gắn bó cả chục năm với hồ sen, ông Lương Vinh chia sẻ, cây sen cho nhiều cái lợi, không chỉ thu hoạch đài sen, với giống sen đỏ có thể thu hoạch ngó sen, củ sen vào cuối vụ. Ngay cả với lá sen được phơi khô, cả vỏ đài sen phơi khô cũng có thể là “dược liệu” uống giải nhiệt, chống béo phì, an thần, trợ tim…
Những diện tích đất thấp trũng, ngập úng, tưởng chừng chẳng biết làm gì, nhiều hộ nông dân đã trồng sen cho thu nhập khá. Đó là điều ít ai ngờ tới.
HOÀNG LIÊN