Thông tư về việc thu phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa chính thức có hiệu lực từ ngày 1.3.2013. Đây là xu hướng sẽ phải tới, nhưng vấn đề người dân tâm hơn hết là việc thu phí phải nâng chất lượng dịch vụ đi kèm.
Lý lẽ của ngân hàng
Việc thu phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.3.2013. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định phí rút tiền nội mạng cho năm 2013 tối đa là 1.000 đồng/giao dịch. Từ ngày 1.1.2014, mức phí sẽ tăng lên 2.000 đồng/giao dịch và từ ngày 1.1.2015 sẽ là 3.000 đồng/giao dịch, bằng mức phí rút tiền ngoại mạng như hiện nay. Các ngân hàng còn được thu phí chuyển khoản với mức tối đa 15.000 đồng/giao dịch, phí in sao kê, phí thường niên và một số mức phí khác do cơ quan phát hành thẻ quy định. NHNN cũng quy định về trang bị, quản lý, vận hành ATM, yêu cầu các ngân hàng không được áp đặt hạn mức cho một lần rút tiền tại ATM thấp hơn 2 triệu đồng, nhằm tránh việc các ngân hàng đặt hạn mức cho một lần rút tiền quá thấp khiến khách hàng bị tính phí rút tiền nhiều lần.
Rút tiền tại các máy ATM. Ảnh: T.D |
Quyết định của NHNN không làm cho khách hàng quá ngạc nhiên, chỉ có điều không “tán thành” việc thu phí khi chất lượng dịch vụ chưa thể tương xứng với mức phí. Việc thu phí sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra bởi trên thực tế, ngay cả khi thông tin đề nghị cho thu phí giao dịch ATM nội mạng của Hội thẻ Việt Nam còn chưa ngã ngũ, thì một số ngân hàng thương mại đã thu các loại phí. Thậm chí có ngân hàng còn tăng gấp đôi phí giao dịch ATM ngoại mạng và thu phí nội mạng mà không thông báo bất cứ điều gì cho khách hàng. Thông tư này ban hành, đồng nghĩa với lý lẽ của các ngân hàng đã đúng, khi họ lý giải rằng nguồn thu từ hoạt động ATM hầu như không có, bởi thói quen không dùng tiền mặt chưa rộng rãi trong dân chúng. Người ta chỉ dùng thẻ ATM chỉ để rút tiền. Nhiều người chỉ chờ có lương vào tài khoản là ra máy rút hết. Các ngân hàng chẳng tận dụng được bao nhiêu từ nguồn vốn giá rẻ này. Trong khi đó, với mỗi chiếc máy ATM, ngân hàng đã phải giữ quỹ ít nhất 500 triệu đồng. Đó là đồng vốn chết, không sinh lời. Chưa kể đến các chi phí liên quan như ô tô tiếp quỹ, công an, nhân viên kiểm soát, lái xe, tiền thuê địa điểm, điều hòa nhiệt độ cho máy…, trong khi hiệu quả mang lại từ các máy ATM rất thấp. Nhiều ngân hàng còn nói thu phí sẽ giúp các ngân hàng có nguồn để tái đầu tư cơ sở hạ tầng cho ATM và giúp khách hàng sử dụng ATM có tính toán hơn, giúp khách hàng tích cực sử dụng thẻ trong việc thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ, thay vì chỉ rút tiền mặt như hiện nay.
Phải kiểm soát chất lượng
Theo thống kê của NHNN - chi nhánh Quảng Nam, kể từ máy ATM đầu tiên do Ngân hàng Ngoại thương đặt tại TP. Tam Kỳ hồi tháng 9.2003, hiện Quảng Nam đã có đến 180 cây ATM ở 17 huyện, thành phố của 20 ngân hàng hoạt động tại địa phương. ATM tập trung nhiều nhất là tại Tam Kỳ (59 máy), Hội An (56 máy), Điện Bàn (21 máy), Núi Thành (14 máy), Duy Xuyên (9 máy), phần còn lại ít nhất mỗi địa phương có 1 máy ATM. Số máy ATM của Agribank Quảng Nam là nhiều nhất bởi hiện nay, gần như ngân hàng này đã “phủ sóng” toàn bộ phòng, điểm giao dịch trên toàn địa bàn Quảng Nam, kèm theo chất lượng dịch vụ ATM cũng đã trở nên chuyên nghiệp, tiện ích hơn.
Không thể đưa ra một lời bình luận hay phân tích dịch vụ ATM của ngân hàng nào tốt nhất trên địa bàn Quảng Nam, bởi hiện tại vẫn chưa thấy cơ quan nào đưa ra một bản kiểm tra hay giám sát về chất lượng dịch vụ ATM của từng ngân hàng cụ thể. Khác với ngân hàng “bảo vệ” thu phí, dù biết chắc chắn rằng việc thu phí là lộ trình phải tiến tới, nhưng tất cả khách hàng đều không “tán thành” việc thu phí khi người dân đang phải gánh quá nhiều khoản phí, vật giá leo thang… Chị L.T.H.G, chủ thẻ của Ngân hàng Ngoại thương lẫn Agribank cho rằng xu hướng thu phí là chuyện đương nhiên, nhưng kèm theo là các ngân hàng phải tự nâng chất lượng dịch vụ. Nhiều khách hàng cho rằng ngân hàng cần tăng cường trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ như trang bị camera, thiết bị chống sao chép, trộm cắp thông tin thẻ… Ngoài ra, cần có sự giám sát trách nhiệm cung ứng dịch cụ thanh toán chất lượng ATM cho khách hàng.
Thực tế hiện nay, việc thanh toán bằng thẻ chưa thuận lợi. Công dụng lớn nhất của thẻ ATM là chỉ rút tiền mặt. Chưa hết, rút tiền đôi khi lại gặp trường hợp máy không có tiền hoặc bị hỏng (điều này xảy ra thường xuyên), nhất là vào những ngày cuối tuần. Khách hàng cho rằng cần có một cam kết sòng phẳng. Nếu thu phí rồi, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt được cải thiện, hay việc bảo đảm thường xuyên đáp ứng đủ tiền mặt hơn, địa điểm đặt máy an toàn hơn thì người dân sẽ chấp nhận trả thêm phí. Còn người sử dụng thẻ trả phí nhưng chất lượng vẫn kiểu như đóng tiền điện đủ mà vẫn vị cúp điện thường xuyên thì mong các ngân hàng nên xem lại. Một khi thị trường có khá nhiều hạn chế, kể cả người sử dụng thẻ không có quyền lựa chọn nơi có chất lượng dịch vụ tốt nhất để sử dụng, khi thực tế, sử dụng thẻ thanh toán của ngân hàng nào là do nơi trả lương quyết định… thì cơ quan quản lý cần phải áp đặt “luật chơi” và những điều chỉnh cần thiết. Đó là không chỉ quan tâm hỗ trợ việc xây dựng hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt tốt hơn; Nhà nước cũng nên chú ý tới việc phổ biến kiến thức cơ bản về tài chính cá nhân cho người dân… để khách hàng còn tin vào hệ thống mà không phải chỉ sử dụng ATM như “hàng lưu niệm”, một tháng đem ra một hay hai lần rút tiền hoặc quay lưng với thẻ.
Trịnh Dũng