Các khu bảo tồn thiên nhiên ngoài thu hẹp vùng sinh cảnh do các dự án khai khoáng, thủy điện “xí phần”, còn đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài muông thú.
Làng chó cụt chân
Những ngày rong ruổi trên tuyến đường biên giới thuộc xã La Dêê, nằm sát cửa khẩu Đắc Ốc (Nam Giang), chúng tôi phát hiện nhiều con chó “thương binh” cụt chân. Tá túc ở Đồn biên phòng cửa khẩu Đắc Ốc, vào các điểm kinh doanh ăn uống, hay nhà dân sinh sống… không khó bắt gặp những chú chó cụt chân, nhọc nhằn di chuyển. Hỏi thì chiến sĩ biên phòng bảo, do bị dính bẫy của giới thợ săn. Hầu hết xã biên giới thuộc địa phận Nam Giang đều nằm trong vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh rộng 75.000ha (bao gồm cả huyện Phước Sơn). Khu vực cộng đồng dân cư sinh sống lại nằm sát rừng, ban ngày chó di chuyển vào vùng lõi kiếm ăn nên bị mắc bẫy. Tại Đồn biên phòng cửa khẩu có 5 con chó bị cụt chân. Thượng úy Trịnh Thanh Bình, Đội trưởng Đội trinh sát Đồn biên phòng cửa khẩu Đắc Ốc tiết lộ, thời gian gần đây, có cả đội quân săn thú rừng chuyên nghiệp đến từ các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, hình thành nhóm 5 - 7 người mang theo hàng nghìn dụng cụ tự chế, thậm chí trang bị cả súng. Có ngày tuần tra, truy quét, bộ đội phát hiện và gỡ hủy gần 500 bẫy, như chông gai đặt trong rừng sâu. Không ít lần cán bộ kiểm tra khu vực biên giới đã bị thương. Thượng úy Bình nói: “Chó nuôi tại đơn vị hỗ trợ đắc lực cho chúng tôi trong tuần tra khu vực biên giới, đặc biệt giúp phá một số vụ buôn bán, vận chuyển ma túy, nhưng giờ bị đe dọa bởi thợ săn. Nhiều con xấu số bị thịt luôn. Mới đây, chúng tôi vất vả đi tìm một chú chó, thì phát hiện nó bị dây cáp thép siết chặt chân đến mức hoại tử buộc phải cắt bỏ, sau điều trị cho nó”.
Một con thú rừng dính bẫy. |
Theo chính quyền các xã Đắc Tôi, La Dêê, từ đầu năm đến nay có ít nhất 40 con chó trên địa bàn bị “mất tích” và cụt chân, mà thủ phạm chính gây ra từ các bẫy tự chế của giới thợ săn. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, lực lượng biên phòng phá hủy hơn 2.000 bẫy thú rừng các loại. Tận mắt nhìn thấy hình dạng của bẫy tự chế, chúng tôi theo chân một người dân bản địa vào vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, khu vực giáp ranh gữa xã Đắc Tôi và La Dêê. Bẫy không bao giờ đặt trên lối mòn kiểu con lươn vào rừng mà tập trung ở đoạn rừng rậm rạp, chằng chịt dây leo bụi rậm. Bẫy tự chế được làm bằng dây thép của ruột phanh xe máy. Đầu dây của bẫy sẽ cột vào một ngọn cây uốn cong xuống để có sức bật, đầu dây còn lại thiết kế làm cần gạt. Khi chân thú rừng đụng phải cần gạt thì ngọn cây sẽ bật mạnh lên, ruột dây phanh bấu chặt lấy chân hoặc thân thú. Chó vào rừng kiếm mồi khi thấy thú dính bẫy chạy đến dứt khoát sập bẫy ngay. Người dân vùng biên giới gọi vui: Đắc Ốc là làng chó cụt chân!
Đặt bẫy thú trong rừng. Ảnh: T.H |
Kêu cứu
Trong các chuyến công tác ở các huyện miền núi, không khó để hỏi mua thịt thú rừng. Nhiều nơi dù không dám bày bán công khai nhưng là địa chỉ cung cấp thịt thú rừng quen thuộc, tồn tại hàng chục năm. Dọc quốc lộ 14D qua địa phận huyện Nam Giang, hay quốc lộ 14E thuộc huyện Hiệp Đức, có nhiều cơ sở cung ứng thịt thú rừng. Mở tủ đông lạnh tại quán nhỏ ven đường trên quốc lộ 14D, thuộc xã Chà Vàl (Nam Giang), không thiếu loại thịt gì từ các loại thú rừng. Hiện tại giá một ký heo rừng bán tại miền núi với giá 250 nghìn đồng, thịt nai thì giá cao gấp 1,5 lần. Thị trường cung ứng thịt thú rừng gần đây có xu hướng dịch chuyển xuống đồng bằng.
Đánh vào tâm lý quan niệm ăn thịt rừng sẽ may mắn và nhu cầu tiêu thụ lớn trên thị trường, trong khi chế tài xử phạt hành vi này lại quá nhẹ nên tình trạng bẫy, săn bắn động vật quý hiếm ngày càng nghiêm trọng. Các cơ sở cung ứng, tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã từ trước đến nay hầu như chỉ mới dừng lại ở hình thức bị xử phạt hành chính nên không đủ sức răn đe. Quảng Nam nằm giữa dãy Trường Sơn, hình thành nhiều khu bảo tồn thiên nhiên nhất (gồm các Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Ngọc Linh, voi Nông Sơn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm). Tuy nhiên vì quản lý diện tích các khu bảo tồn quá lớn (lên đến 133.722ha), trong khi các ngành chức năng buông lỏng quản lý nên vô tình biến nơi đây thành khu vực dễ bị tổn thương về đa dạng sinh học. Hàng nghìn hộ dân sinh sống khu vực ven, trong rừng đặc dụng và các nhà hàng, điểm kinh doanh ăn uống dù có cam kết không khai thác, mua bán, kinh doanh, chế biến động vật rừng và các sản phẩm của chúng, song thực tế nỗ lực giải cứu động vật rừng vẫn không đem lại hiệu quả. Mới đây, Bộ Tài nguyên - môi trường đã có động thái tích cực triển khai dự án “Tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học thông qua cải cách chính sách và thay đổi thực trạng tiêu thụ các loài động vật hoang dã tại Việt Nam”. Và Sở NN&PTNT đang rà soát, thay đổi bộ máy hoạt động quản lý, sử dụng có hiệu quả diện tích rừng tại các khu bảo tồn.
TRẦN HỮU