Làm thế nào để với tay chạm được vào tảng đá to lớn - như một tấm bia thiêng in bóng lên nền trời - trên đỉnh cao mây phủ của núi Đá Bia là một điều rất đáng để những con người còn trẻ, khỏe, yêu đời thử sức một lần.
Khoảnh khắc các “phượt thủ” chinh phục đỉnh núi Đá Bia. Ảnh: ĐÔNG PHƯƠNG |
Ai đã từng đi qua cung đường Nam Bắc, qua đèo Cả thuộc địa phận tỉnh Phú Yên, sẽ khó thể nào quên được hình ảnh núi Đá Bia sừng sững. Đá Bia là ngọn cao nhất của khối núi Đại Lãnh, thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Ấn tượng của Đá Bia khiến du khách dù chỉ ngang qua một lần cũng cảm thấy nó trở nên vô cùng đặc biệt, bởi đỉnh núi này như được bàn tay tạo hóa đầy quyền năng đánh dấu, đặt trên đỉnh tảng đá to lớn, ngoạn mục.
Leo núi Đá Bia, là trải nghiệm dành cho những người trẻ ưa mạo hiểm và chinh phục. Núi Đá Bia tuy không nổi danh ở độ cao nhưng lại có nét độc đáo riêng kích thích lòng ham muốn của những “phượt thủ”. Đá Bia còn là điểm dã ngoại thú vị cho gia đình trong các kỳ nghỉ. Không ít du khách nước ngoài cũng đến đây thử sức cùng Đá Bia. Với người Tuy Hòa, Đá Bia còn là điểm tâm linh, là nơi nguyện cầu, gửi gắm những ước muốn trong cuộc sống. Có người đến Đá Bia để chiêm bái, cầu Phật, có người lại muốn trải nghiệm tập yoga ngay trên đỉnh núi. Mỗi người đều có lý do riêng để tìm về một hành trình chung.
Hành trình leo núi Đá Bia thường kéo dài khoảng 2 đến 5 tiếng đồng hồ, tùy theo sức khỏe. Niềm vui của người leo núi được ví von dí dỏm là “đi hành xác”. Con đường chinh phục càng gian nan, thì hành trình lên đỉnh càng thú vị. Hoa thơm cỏ lạ trong lòng núi nhiều vô số cho những ai ưa khám phá. Một con cuốn chiếu khổng lồ dài hơn 2 gang tay với hàng trăm cái chân tua tủa bò vắt qua lối đi. Bên này là những cây dại với cả hai mặt gai góc chưa từng thấy trong sách vở, bên kia là những cây nấm khổng lồ lạ lẫm. Tiếng chim hót lảnh lót pha lẫn những âm thanh sột soạt càng làm cho hành trình của khách thêm phấn khích.
Cảnh tượng quen thuộc cho chặng cuối đến Đá Bia luôn là: Tốp đi lên đỉnh sẽ hối hả hỏi tốp đi xuống núi rằng: “Bạn ơi, còn bao lâu nữa mới tới đỉnh?” – Tốp leo lên đỉnh đi xuống có quyền hãnh diện trả lời là: “Còn xa lắm, 3 tiếng, 2 tiếng, 1 tiếng... nữa!!!”. Nhiều “phượt thủ” sung sức sẽ tiếp tục nhích lên, vài người yếu sức nghĩ tới chuyện bỏ cuộc. Những tảng đá dọc hành trình cũng là “chuỗi nhật ký vui vẻ” của người leo núi để lại. Kiểu như bạn sẽ tìm thấy một tảng ghi: “Mệt quá! Phù phù!” - Một tảng khác lại ghi “Được 2/3 chặng đường rồi, cố lên!” - Điệp khúc lặp đi lặp lại là người trước tiếp bước người sau, mệt thì ngồi bệt vệ đường nghỉ ngơi, rồi lại đứng lên thúc giục nhau cố gắng bước tiếp.
Những cây gậy trúc có thể tìm thấy dễ dàng bên vệ đường, sẽ là một ý tưởng “tiếp sức leo núi” hiệu quả đến không ngờ. Gậy khuya, chân bước hối hả, kèm với hơi thở gấp gáp, sẽ dẫn bước bạn đến những bậc thang cuối cùng có đánh số ký hiệu 280 - nghĩa là đã đến vị trí được gọi là Cổng trời. Niềm hân hoan của người leo núi chính là ở giây phút đáng nhớ này. Đá Bia đột ngột hiện trong tầm mắt. Trên độ cao của những tầng mây và gió thốc mạnh, đôi mắt bạn sẽ được trải rộng ra khắp bốn phương trời. Đây cảng Vũng Rô, vịnh Vân Phong, kia núi Chóp Dài, thành phố Tuy Hòa, xa nữa về phía Nha Trang, mạn tây là dãy Trường Sơn hùng vĩ...
Khi bước chân bạn đứng trên đỉnh cao Đá Bia sừng sững, bạn sẽ tin tưởng rằng trong con người bé nhỏ của mình có gì đó thật phi thường, khác lạ. Và hành trình leo núi Đá Bia, không chỉ là hành trình thử sức tuyệt vời dành cho bạn khi còn trẻ. Đến một ngày nào đó, nó sẽ trở thành hồi ức thật đáng kiêu hãnh khi bạn bước vào tuổi 60.
ĐÔNG PHƯƠNG