Thư tết Sài Gòn

TƯỜNG LINH 28/01/2017 09:30

(Xuân Đinh Dậu) - Kim Lê,

Những ngày tháng Chạp âm lịch, người đồng hương Quảng Nam ở Sài Gòn gặp nhau thường hỏi nhau: Tết ni có về không? Về là về tận quê nhà cố quận của mỗi người. Ai chuẩn bị về thì trả lời với nụ cười rạng rỡ, người không về được thì nêu cái lý do gì đó bằng gương mặt buồn xo. Họ giữ nét vui, vẻ buồn ấy cho đến những ngày sau tết.

Vui xuân. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Vui xuân. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng, thời gian cận tết có những ngày màu nắng thay đổi rất dễ yêu. Nó vàng nhẹ, ngà ngà, dìu dịu. Mấy ông nhà thơ xứ Quảng mình ở đây ví von màu nắng ấy là nắng mật. Trong năm, trước và sau mấy ngày ấy thì không có nắng mật.

Mọi sinh hoạt đón tết của cư dân Sài Gòn đều diễn ra dưới màu nắng ấy. Mấy vùng ngoại ô có những vườn mai và các loại hoa khác được chủ nhân chăm sóc, tỉa tót công phu để hoa nở bán kịp vào vài hôm sắp tết. Ngày 29, 30 tháng Chạp, tại các bến sông, đường phố, các chợ tràn ngập hoa của thành phố và từ các tỉnh chở tới, nhiều nhất là hoa mai. Đón xuân, người Sài Gòn cũng như bà con xứ Quảng chuộng nhất là hoa mai.  

Nhiều năm rồi, các món ăn “made in Quảng Nam” đã hiện diện nhiều và ngày càng phát triển khắp 24 quận huyện của thành phố. Cư dân Sài Gòn có nhiều người trên khắp nước đến sinh sống, làm việc. Họ đã quen, nhiều người đâm nghiện các món Quảng Nam. Các điểm chế biến và bán thì nhớ không xuể. Chỉ kể riêng những nơi chuyên bán món mỳ Quảng cũng đến hàng trăm, vừa giữ được truyền thống là món ăn bình dân, lại vừa nâng lên ngang tầm đẳng cấp với các món ăn danh giá khác. Tùy nơi bán, giá tô mỳ có khác nhau tuy cùng ở Sài Gòn. Tại các chợ truyền thống thường là 20.000 đồng/tô, các quán giá 35 - 40.000 đồng. Tôi mới xơi mỳ Quảng tại một tiệm ở con đường lớn với giá 100.000 đồng/tô. Với tôi, nơi nào cũng ngon, giá nào cũng rẻ vì đó là… mỳ Quảng.

Tôi có hai anh bạn cùng học chung trường hồi trung học. Hai anh đang sinh sống tại nước ngoài. Anh ở Canada là nhà văn, anh ở Mỹ hành nghề bác sĩ. Gần tết này tôi vẫn nhận được lời chúc sớm của hai anh qua điện thoại. Anh bạn bác sĩ ở Mỹ cùng quê huyện Quế Sơn với tôi dặn đi dặn lại tôi đừng quên gửi qua cho anh tờ báo Xuân Quảng Nam như mọi năm. Điều này không khó dẫu cước phí cũng nặng theo tỷ lệ thuận của trọng lượng tờ báo ấy.

Anh bạn ở Canada, người cùng làng với tôi, cho tôi biết sau tết anh sẽ về thăm quê nhà vào dịp Thanh minh. Anh dặn tôi tìm trước một nơi bán bánh bèo chén như kiểu “ngoài mình” mà hồi nhỏ anh thường xơi. Chà, đây là món dân dã, ít tiền nhưng rất khó thấy tại một đô thị lớn như Sài Gòn. Ở đây cũng có các tiệm bánh làm bằng bột gạo nhưng bánh bèo lại mỏng như kiểu Huế. Anh bạn đòi tôi phải tìm được nơi bán bánh bèo chén y hệt như ngày xưa ở quê nhà. Nghĩa là phải dùng chén đất, bánh phải dày gần miệng chén, giữa chén bánh có một khoảng trũng chứa đầy nhân bằng tôm khô giã nhỏ xào với lá hẹ. Ăn bánh này không sử dụng đũa, muỗng mà bằng một thanh tre dài hơn tấc vót giống như cây siêu đao. Khi ăn, thực khách dùng cây siêu đao lợi hại này xắn chữ X để chén bánh rời ra 4 miếng, đoạn để lưỡi đao sát mép chén xoáy một vòng rồi dùng mũi siêu đao cắm từng miếng bánh mà dùng.
Anh bạn hít hà dặn tôi qua điện thoại như vậy để ngày anh về sẽ “múa siêu đao” một bữa cho đỡ nhớ.
Nhà văn như anh bạn tôi có khác. Họ giản dị bề ngoài chứ khi tâm hồn đi vào những chuyện giản dị thì họ vẫn cứ nghĩ ra điều rắc rối.

Xong vụ bánh bèo chén tại Sài Gòn, anh rủ tôi sắp xếp công việc để cùng đi với anh về thăm quê. Tôi lại thêm một khoản lo. Nếu anh bảo tôi về rồi dẫn anh đi xem lại một căn nhà tranh để anh lấy hình ảnh và cảm xúc viết lách gì đó thì khó thật. Quê tôi đâu còn cảnh nhà tranh vách đất như xưa nữa.

Tết năm ngoái tôi về quê, Kim Lê có hỏi tôi về cách ăn, chơi tết của người Sài Gòn. Năm nay xin trả lời. Trễ đúng một năm.

Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh là đô thị lớn, đông dân nhất nước. Thành phố có trên dưới mười triệu dân, tạm chia thành ba loại: người tứ xứ đến nhập cư, người vãng lai và người Sài Gòn chính cống. Tôi chỉ nói sơ lược một số về cách ăn tết của người Sài Gòn chính cống. Nói chung họ ăn tết cũng giống như bà con ngoài mình. Đại loại ngày 23 tháng Chạp cúng đưa ông Táo về trời dù nhà nào cũng xài bếp gas, chiều 30 cúng rước ông bà và rước ông Táo, 12 giờ đêm cúng giao thừa. Sau đó là ăn chơi suốt ba ngày Tết chính. Cúng đưa ông bà vào chiều mùng bốn…

Mấy ngày nghỉ tết, thành phố Sài Gòn bớt người, bớt xe cộ, đường sá thông thoáng. Tết năm nào cũng vậy vì số người về quê rất đông.

Tả cho đủ cảnh trí, ăn chơi tết của Sài Gòn thì tôi không làm nổi, và cũng không phải chủ đích của thư này. Lại trở về với đồng hương ăn tết tại đây. Gia đình nào cũng lo có tương đối đủ các món ăn tết truyền thống của quê nhà. Điều này không khó dù đang ở giữa đô thị công nghiệp chật chội. Bởi nhờ có một ngôi chợ được xem như “chợ Quảng Nam”. Đó là chợ Bà Hoa ở giữa mấy phường thuộc quận Tân Bình có đa số người Quảng cư trú, làm ăn khá giả. Chợ này rất phồn thịnh. Ngày thường chợ đã không thiếu một món thực phẩm, vật dụng, bánh trái gì của “ngoài mình”, có cả rau Trà Quế, mắm cái, nước mắm Nam Ô, cá giếc, cá chuồn thính, cá mòi… Vào tháng Chạp, các chị, các cô tiểu thương ở chợ đã lo bày bán hàng tết của quê nhà. Khách dạo chợ nghe rặt giọng Quảng. Ngoài những món hàng thường nhật phong phú, hàng Tết đúng điệu quê nhà không thiếu thứ gì. Nhiều và đủ loại là bánh, mứt. Ngày 29, 30, khách đồng hương dù ở xa cũng đến chợ Bà Hoa để mua cho được bánh in, bánh nổ, bánh thuẩn, bánh tét, bánh tổ… Các loại bánh đều được đựng trong bao bì đẹp, vệ sinh.

Tôi cũng là một khách hàng quen thuộc của chợ Bà Hoa. Thiếu bánh tổ chiên tôi xem như Tết chưa tới.
Những bà con đồng hương như tôi cũng nghĩ rằng được ăn các món tết quê nhà không hẳn chỉ vì thèm mà hơn thế nữa là để thỏa phần nào nỗi nhớ.

Ở tại một thành phố như Sài Gòn, việc mua hàng tết cũng rất tiện nhưng về mặt tình cảm của những kẻ tha hương thấy vẫn thiếu. Họ không được tái ngộ cái cảnh cắt lá dong, rọc lá chuối, xem mẹ vuốt nếp, chị rang đậu, rang nổ, gói bánh, in bánh, thức với cả nhà trò chuyện để canh nồi bánh tét, ăn bữa cơm đoàn viên chiều cúng rước ông bà… Còn nhiều thứ lắm. Hồn Xuân, vị Tết là chỗ đó. Làm sao mua được những thứ ấy tại một nơi thứ gì cũng có thể mua được?

Thư bất tận ngôn.

    TƯỜNG LINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thư tết Sài Gòn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO