Báo cáo tại hội nghị tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và phong trào thi đua “Quảng Nam chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020, cho biết tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 6,06%, bình quân giảm 1,71%/năm.
Để có kết quả đó, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cùng các chính sách giảm nghèo thường xuyên hơn 12,3 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên toàn tỉnh còn 6 huyện nghèo theo Quyết định số 275/QĐ-TTg; 71 xã nghèo đặc biệt khó khăn ở vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Đó là chưa kể, do hứng chịu các đợt dịch Covid-19, rồi thiên tai bão lũ dữ dội vừa qua, kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều vùng, nhiều ngành nghề diễn ra tình trạng lao động thất nghiệp. Miền núi sạt lở, hư hỏng nặng các công trình công cộng và dân sinh, nhiều nhà dân bị lũ quét, lũ ống cuốn trôi. Vết thương thiên tai cứa vào đời sống đồng bào, khiến công cuộc tìm sinh kế càng gian nan, nguy cơ tái nghèo hiển hiện.
Trước thực trạng đó, rà soát, đối chiếu với chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, sẽ thấy rằng để tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh giảm còn 2,87% vào cuối năm 2025, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Giải pháp giảm nghèo bền vững, dĩ nhiên không thể trông chờ cứu trợ, trợ cấp, mà phải làm sao hỗ trợ đầu tư để phát triển đời sống và thu nhập của người dân. Thật không dễ đạt mục tiêu nâng cao thu nhập bình quân đầu người tính theo thu nhập thực tế khoảng 68-70 triệu đồng vào năm 2025. Tuy nhiên, nói khó nhưng không phải không làm được. Đối với miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số - nơi còn nhiều hộ nghèo, trước hết cần tập trung tái thiết các công trình hạ tầng, trong đó đặc biệt lưu ý xúc tiến mạnh mẽ việc bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư phòng tránh thiên tai, gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Cần kiên trì thực hiện cho được hệ thống giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế vùng tây của tỉnh, như: tập trung phát triển trồng rừng sản xuất, rừng gỗ lớn, phát triển cây nguyên liệu, dược liệu; phát triển các ngành công nghiệp phục vụ đầu ra cho sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của miền núi; giải quyết việc làm, cải thiện sinh kế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân…
Tiêu chí để tính hộ nghèo giờ đây không chỉ dựa vào mức thu nhập. Chuẩn nghèo đa chiều được tính như sau: Một gia đình được coi là hộ nghèo đa chiều nghiêm trọng nếu thiếu từ 1/2 tổng số nhu cầu cơ bản trở lên; là hộ nghèo đa chiều nếu thiếu từ 1/3 - 1/2 tổng số nhu cầu sống cơ bản; là hộ cận nghèo đa chiều nếu thiếu từ 1/5 - 1/3 tổng số nhu cầu cơ bản. Mà nhu cầu cơ bản thì ngoài thu nhập còn có thước đo về trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em, tiếp cận các dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người, nguồn nước sinh hoạt, loại hố xí/nhà tiêu, sử dụng dịch vụ viễn thông, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin... Soi chiếu theo các tiêu chí này, rõ ràng việc giảm nghèo, nhất là với vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, là hành trình đầy thử thách, cam go.
Quảng Nam đặt mục tiêu thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Cho nên dù khó khăn thế nào cũng nhất thiết phải đẩy lùi cái nghèo và lạc hậu. Nhận diện rõ những thử thách cũng là để tìm ra giải pháp hữu hiệu và quyết tâm cao độ trong thực hiện. Bài học từ thiên tai, hoạn nạn cũng cho thấy phải tái cấu trúc các chương trình, kế hoạch phát triển sao cho phòng tránh được rủi ro, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng biến linh hoạt với các biến cố của đời sống xã hội.