Thu thuế kinh doanh vận tải bằng ô tô: Thất thu và khó kiểm soát

TRỊNH DŨNG 20/04/2018 13:47

Số lượng phương tiện kinh doanh vận tải ngày càng gia tăng nhưng số tiền thuế thu quá ít, không thể kiểm soát được là một nghịch lý đang tồn tại, khó có thể giải quyết.

Phương tiện kinh doanh vận tải thường xuyên hoạt động nhưng quản lý thu thuế loại hình này vẫn khó khăn (ảnh minh họa). Ảnh: T.D
Phương tiện kinh doanh vận tải thường xuyên hoạt động nhưng quản lý thu thuế loại hình này vẫn khó khăn (ảnh minh họa). Ảnh: T.D

Thất thu thuế

Mười ngày qua, xe chở cát, sạn, hàng hóa của ông Nguyễn Tri Ba (thôn Giáo Đông, Ái Nghĩa, Đại Lộc) không lăn bánh được vì chủ ốm. Ông Ba chọn nộp thuế khoán 1,3 triệu đồng/quý dù không phải lúc nào xe cũng có đủ hàng để chở. Đây là một trong số ít ỏi phương tiện kinh doanh vận tải ở địa phương đóng thuế cho Nhà nước từ nhiều năm qua, với lý do đơn giản là làm theo luật.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ái Nghĩa Lê Phàn cho hay, theo một khảo sát sơ bộ, thị trấn có đến 198 phương tiện kinh doanh vận tải, nhưng chỉ mới có 6 chủ phương tiện kê khai đăng ký nộp thuế, số còn lại nằm ngoài kiểm soát. Một số phương tiện đã bán, dịch chuyển chỗ ở và một số không còn hoạt động. Hiện thị trấn chỉ mới tiến hành điều tra, thống kê, hướng dẫn đăng ký kê khai thuế đến từng chủ phương tiện, từng địa bàn dân cư cụ thể, nhưng số liệu chính thức chưa có. Ông Trần Hà - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế Đại Lộc cho biết, sau những cuộc rà soát, hướng dẫn đăng ký, kê khai thuế, phối hợp với cảnh sát giao thông, quản lý thị trường chốt chặn ở những nơi có bến bãi, yêu cầu đăng ký, kê khai thuế, một số chủ phương tiện vận tải đã đăng ký, kê khai nộp thuế và thanh toán nợ đọng. Tuy nhiên, vì không thường xuyên phối hợp, nên hiệu quả chưa cao. Hiện cơ quan thuế mới chỉ quản lý thu thuế hằng tháng 94/505 phương tiện vận tải, còn đến hơn 400 phương tiện vận tải không quản lý được, ước tính thất thu thuế và lệ phí môn bài hàng năm hơn 2 tỷ đồng.

Không riêng Đại Lộc, một báo cáo liên ngành giữa Cục Thuế và Sở GTVT hồi cuối năm 2017 đã thống kê (số liệu chưa đầy đủ), hiện Quảng Nam có khoảng 3.463 xe vận tải (con số này ngày càng gia tăng). Khoảng 1.200 xe thuộc doanh nghiệp và hợp tác xã và 2.263 xe (2.041 xe tải hàng hóa), nhưng chỉ mới có thể quản lý, lập bộ thuế khoán 882 xe, bằng 39% số lượng xe đang hoạt động. Năm 2017, tổng số thuế thu được đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô khoảng 14 tỷ đồng. Cá nhân nộp thuế khoán hơn 3,3 tỷ đồng. Tổng nợ thuế kinh doanh vận tải đến cuối năm 2016 khoảng 6,6 tỷ đồng (905 triệu đồng của các phương tiện vận tải nộp thuế khoán). Hai cơ quan liên ngành này thừa nhận thu ngân sách từ kinh doanh vận tải bằng ô tô được đánh giá là chưa tương xứng với quy mô doanh thu và mức độ hoạt động. Số lượng xe đã quản lý rất thấp so với số lượng xe thống kê. Tình trạng thất thu thuế còn khá lớn và xu hướng ngày càng gia tăng ở các địa bàn. Một số lượng lớn phương tiện xe hoạt động không đăng ký kinh doanh, không đăng ký kê khai nộp thuế nhưng chưa có giải pháp xử lý triệt để. Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải kê khai doanh số chưa sát hoặc thấp hơn nhiều so với doanh thu thực tế kinh doanh, để nợ đọng kéo dài...

Khó kiểm soát

Thực trạng phương tiện kinh doanh vận tải, nhất là xe chở nguyên vật liệu, khoáng sản gây ảnh hưởng đến nhiều tuyến đường nhưng chưa kê khai nộp thuế chiếm tỷ trọng lớn, gây thất thu thuế đã buộc Cục Thuế và Sở GTVT trình UBND tỉnh một đề xuất phối hợp quản lý thuế. Tuy nhiên, hầu hết địa phương lẫn cơ quan thuế đều cho rằng không dễ.

Ông Phan Văn Biện - Trưởng phòng Tổng hợp dự toán (Cục Thuế Quảng Nam) cho biết, các phương tiện vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã đã được kê khai hàng quý. Số lập bộ thuế năm 2018 so với số thực hiện năm 2017 về phương tiện vận tải hộ đã tăng lên khoảng 56%, nhưng không thể quản lý, kiểm soát được vì chủ xe đưa ra nhiều lý do, nhất là chủ các phương tiện vận tải ngoài tỉnh. Hiện ngành thuế cũng chỉ mới lập bộ thuế, chưa thu được. “Sắp tới cơ quan thuế sẽ mở hội nghị bàn bạc cụ thể về phối hợp quản lý thuế phương tiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, nhưng sẽ khó, quá khó chuyện thu thuế vì các ban, ngành không hỗ trợ” - ông Biện nói.

Khó thu thuế lĩnh vực này chủ yếu là do các phương tiện vận tải thường cơ động, không địa điểm kinh doanh hay luồng tuyến cố định nên nhiều chủ phương tiện không đăng ký kê khai, nộp thuế. Một số chủ phương tiện vận tải tư nhân lợi dụng việc đăng kiểm cấp tem vàng (sử dụng cho gia đình, không tham gia kinh doanh để không đăng ký thuế), trong khi cơ quan thuế không có đủ điều kiện và lực lượng để xác minh. Thêm vào đó, địa bàn rộng, số lượng xe nhiều, xe mua bán qua nhiều chủ, không làm thủ tục sang tên, không đăng kiểm... còn phổ biến nên công tác xử lý vi phạm của cơ quan thuế gặp khó khăn. Ông Trần Hà - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế Đại Lộc cho biết, công chức thuế chỉ có thể đến tận hộ dân vận động thực hiện nghĩa vụ thuế trong lúc phương tiện không hoạt động, nên hiệu quả quản lý rất thấp. Cơ quan thuế không có chức năng yêu cầu dừng phương tiện để làm việc nên thất thu là chuyện dễ thấy nhất. Tình trạng này sẽ gây mất công bằng trong quản lý thu thuế kinh doanh vận tải tư nhân, gây nhiều bức xúc cho các chủ phương tiện tự giác chấp hành pháp luật. Cơ quan thuế đã làm nhiều biện pháp nhưng không thể đạt hiệu quả cao khi chưa có sự phối hợp của các bên liên quan.

Không chỉ khó trong việc vận động, hướng dẫn kê khai thuế, sự mất cân đối hay không đồng bộ từ các địa phương Quảng Nam trong việc thu thuế kinh doanh vận tải đã khiến công tác này trở nên ngày càng khó khăn hơn. Ông Hà Văn Sự - Chi cục trưởng Chi cục Thuế Đại Lộc nói địa phương đã tiên phong trong việc triển khai phối hợp liên ngành thu thuế kinh doanh vận tải, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện chỉ có cơ quan thuế thực hiện còn công an, đăng kiểm, quản lý thị trường vẫn đứng ngoài cuộc, chưa có động tĩnh gì.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thu thuế kinh doanh vận tải bằng ô tô: Thất thu và khó kiểm soát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO