Thu thuế với người bán hàng online: Đảm bảo tính công bằng

Theo phapluatxahoi.vn 23/11/2017 08:27

(QNO) - Bộ Tài chính đang đề xuất về phương án tính thuế với người bán hàng trên mạng. Theo đó, một sản phẩm hàng hóa bán qua mạng có giá trị từ 1 triệu đồng/lần trở lên sẽ thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo tỉ lệ %.

Mua sắm online đã trở thành thói quen của nhiều người trong thời điểm hiện nay. ẢNH MINH HỌA
Mua sắm online đã trở thành thói quen của nhiều người trong thời điểm hiện nay. ẢNH MINH HỌA

Bán hàng trên internet theo hướng tự phát

Tại dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi vừa được Bộ Tài chính công bố lấy ý kiến, Bộ này đánh giá, thương mại điện tử đã giúp người tiêu dùng có thể ngồi tại nhà để đặt hàng, mua sắm nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thật nhanh chóng.

Theo Bộ Tài chính, chưa bao giờ hoạt động mua bán qua mạng internet lại trở nên dễ dàng như bây giờ. Người ta có thể rao bán bất cứ thứ gì, chỉ vài thao tác đơn giản như lập trang mua bán trên internet và quảng cáo sản phẩm của họ.

Để tăng tính hiệu quả, người bán sẽ mua thêm quảng cáo để đánh đúng vào phân khúc khách hàng mà họ hướng đến, khiến cho việc mua bán hiệu quả và tiện ích hơn. Điều này cũng phù hợp với thời đại hiện nay, khi internet phủ khắp mọi nơi và ai cũng đều sử dụng một chiếc điện thoại smartphone.

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế, hoạt động mua bán trên internet hiện nay đang ở tình trạng tự phát và không theo bất cứ một quy định nào, kéo theo nhiều hệ lụy mà người mua có thể gặp phải.

Theo cơ quan quản lý, giao dịch thương mại điện tử có đặc điểm ảo, khó kiểm chứng thông tin nhận dạng, dễ dàng xóa bỏ, thay đổi nên tạo sự khó khăn trong việc nắm bắt các giao dịch. Từ đó, việc quản lý thuế hiện nay đối với loại hình kinh doanh qua mạng gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý như khó xác định chính xác người nộp thuế, doanh thu phát sinh, nắm bắt quy mô hoạt động kinh doanh, nắm bắt toàn bộ quá trình giao dịch…

Do đó, với các cá nhân bán hàng qua mạng, phía đại diện của Bộ Tài chính cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung quy định pháp luật liên quan về chính sách thu thuế đối với hàng hóa giữa các cá nhân này.

Cụ thể, cơ quan chức năng đề xuất, một sản phẩm hàng hóa có giá trị từ 1 triệu đồng/lần trở lên sẽ thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ % và không thu thuế đối với một sản phẩm hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng/lần. “Trường hợp một sản phẩm hàng hóa dưới 1 triệu đồng mà tần suất giao dịch từ 2 lần/ngày thì thực hiện thu thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân theo quy định.

Đánh giá các quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia Tài chính quốc tế (Học viện Tài chính) cho rằng: Bộ Tài chính đưa ra hình thức kiểm soát để thu thuế là cần thiết. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa trên cách thức tính, mỗi sản phẩm hàng hóa bán qua mạng có giá trị 1 triệu đồng trở lên sẽ bị thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân thì khó kiểm soát.

Bởi hầu hết, các chủ thể kinh doanh qua mạng thường kê khai và có mức đóng dưới mức thu nhập. Từ đó, dẫn tới việc Nhà nước thất thu không chỉ thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp mà còn thất thu một khoản rất lớn là thuế giá trị gia tăng.

Do đó, bước đầu có thể dựa trên cơ sở tự khai nhưng sau đó phải kiểm tra, kiểm soát bằng nhiều hình thức như: Thuế khoán, nộp thuế trên doanh thu nhưng phải yêu cầu các cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng cung cấp đầy đủ hóa đơn làm cơ sở đánh thuế. Ngoài ra, cùng với sự phát triển thương mại điện tử, cũng cần khuyến khích các chủ thể kinh doanh sử dụng hình thức thanh toán qua ngân hàng. Đây là việc nan giải với một nền kinh tế tiền mặt như Việt Nam.

Người bán hàng online tìm cách “né”?

Trước thông tin cơ quan chức năng sẽ thu thuế đối với mỗi sản phẩm hàng hóa có giá trị từ 1 triệu đồng trở lên bán qua mạng, nhiều người bán hành online đã “nghiên cứu” phương án để “né” thuế. Chủ một tài khoản facebook chuyên kinh doanh hàng xách tay cho biết: “Ngay từ khi có chủ trương thu thuế bán hàng online, tôi đã được cơ quan thuế của Hà Nội nhắn tin “hỏi thăm”.

Theo hướng dẫn, tôi đã làm các thủ tục kê khai thuế. Tuy nhiên, với đề xuất mới đây của Bộ Tài chính, không chỉ riêng tôi mà hầu hết những người kinh doanh online đều tỏ ra lo lắng, vì việc làm này có khả năng không đảm bảo sự công bằng. Vấn đề đặt ra là phương thức thu như thế nào để đảm bảo công bằng nếu giao dịch chủ yếu bằng tiền mặt như hiện nay.

Nếu không thanh toán chuyển khoản, việc quản lý doanh thu để tính thuế đối với cá nhân chưa đăng ký kinh doanh, kê khai thuế là không hề đơn giản. Tôi có thể khai doanh thu của tôi nhưng lỡ như những tài khoản khác khai không thật thì có cách nào biết được không? Khi đó, đối thủ của tôi lại chịu thuế ít, trong khi tôi thành thật khai báo lại bị thuế nhiều.

Ai đem lại công bằng này?” Vì vậy, để “né” thuế, những người kinh doanh online như chúng tôi chỉ cần thực hiện giao dịch bằng tiền mặt mà không chuyển khoản thì cơ quan thuế cũng khó có thể kiểm soát được”.

Nói về vấn đề thu thuế bán hàng online, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính cho rằng: Việc quản lý thu thuế đối với các cá nhân bán hàng qua mạng là phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế. Tuy nhiên, khó khăn nằm ở việc triển khai. Do vậy, Bộ Tài chính cần nghiên cứu để đưa ra những chính sách rõ ràng, chặt chẽ nhưng hợp lý để tránh tạo ra khe hở, ngăn chặn tình trạng cán bộ thuế nhũng nhiễu cũng như tạo môi trường kinh doanh bình đẳng.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Quang Ngọc - thành viên Đoàn Luật sư TP Hà Nội - cho rằng, trên cơ sở Luật thuế, mọi cá nhân tổ chức kinh doanh đều bình đẳng và phải có nghĩa vụ nộp thuế, tuy nhiên, việc thu loại thuế này có thể thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố như: Việc phối hợp để kiểm tra các tài khoản của các cá nhân kinh doanh trên mạng có thực thi được không? Việc rà soát này có ảnh hưởng đến các cam kết bảo mật của ngân hàng đối với thông tin cá nhân của chủ tài khoản?

Hai là công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội nói chung được thực hiện như thế nào? Nếu không có sự phối hợp của các nhà cung cấp nội dung mạng thì các đơn vị quản lý thông tin internet cũng không thể cung cấp số liệu người dùng cho cơ quan thuế và việc các nhà cung cấp nội dung số xuyên biên giới có sẵn lòng hợp tác với cơ quan thuế hay không là việc không khẳng định được.

Theo luật sư Ngọc, khi đã nói đến việc nộp thuế là vừa đề cập đến quyền và nghĩa vụ của công dân. Đối với các hành vi kinh doanh mà tạo ra thu nhập mà khoản thu nhập phải có nghĩa vụ đóng thuế thì việc cơ quan thuế đề xuất thu thuế là công bằng.

Theo tìm hiểu, hiện nay, các cơ quan quản lý thuế xác định được các giao dịch kinh doanh trên internet chủ yếu dựa vào các bình luận trực tiếp và tin nhắn giữa người bán và người mua. Để có được thông tin này, cơ quan thuế phải phối hợp với Bộ TT&TT và cả nhà mạng cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ có thể thu thuế khoán trên mỗi tài khoản facebook chứ khó có thể xác định được thu nhập cụ thể. Do đó, việc đánh thuế kinh doanh online rất cần sự tự nguyện của các chủ tài khoản.

Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, kinh doanh phải đóng thuế là rất đúng. Tuy nhiên, truy tìm người bán hàng qua mạng không dễ “kiểm soát” hết trong một sớm, một chiều. Rất khó tách bạch rạch ròi giữa doanh thu online và offline nên khó xác định đúng, đủ doanh thu để tính toán thuế. Cũng theo luật sư Ứng, khó khăn lớn nhất mà cơ quan thuế phải đối mặt đó là làm sao biết được doanh thu của những người bán hàng trên mạng.

Theo phapluatxahoi.vn

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thu thuế với người bán hàng online: Đảm bảo tính công bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO