Với bản tính dám nghĩ, dám làm, chàng thanh niên Võ Ngọc Sơn ở thôn Đông Gia (xã Đại Minh, huyện Đại Lộc) quyết định từ bỏ công việc của một kỹ sư cầu đường tại TP.Hồ Chí Minh với mức lương cao, trở về quê xây dựng trang trại chăn nuôi làm ăn rất hiệu quả. Gần đây Sơn còn thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp & dịch vụ Duy Đại Sơn để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.
Chọn gà siêu trứng khởi nghiệp
Dù đã điện thoại hẹn gặp từ khá sớm nhưng khi chúng tôi ghé thăm trang trại chăn nuôi của Võ Ngọc Sơn thì anh vẫn đang đi ủng, mặc quần áo lao động bận rộn chăm sóc đàn heo hàng trăm con. Ít ai nghĩ rằng, chàng thanh niên sinh năm 1978 với dáng người cao ráo, trắng trẻo, đẹp trai ấy lại trở thành ông chủ của những trang trại lớn và luôn tất bật làm việc cùng nhân công. Sơn cho biết, anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông ở thôn Đông Gia, xã Đại Minh, huyện Đại Lộc. Hồi trước, mặc dù cha mẹ anh quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng cuộc sống vẫn gặp nhiều khó khăn. Thấm thía cái nghèo, anh quyết tâm học thật giỏi để sau này phụ giúp gia đình. Sau những năm miệt mài đèn sách, Sơn lấy được tấm bằng tốt nghiệp kỹ sư cầu đường của Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh và có việc làm ổn định ngay sau đó. Vậy nhưng, với niềm đam mê chăn nuôi, năm 2013 anh quyết từ bỏ tất cả để quay về Quảng Nam lập trang trại.
Với mô hình chăn nuôi heo khép kín, mỗi năm anh Võ Ngọc Sơn thu lãi 6 tỷ đồng.Ảnh: HOÀI NHI |
Bước đầu, Sơn có suy nghĩ ở quê đất đai rộng, giá nhân công rẻ nhưng điều quan trọng là phải chọn được địa điểm chăn nuôi tập trung cao ráo và nằm cách xa khu dân cư để vừa đảm bảo công tác phòng dịch, vừa bảo vệ môi trường. Sau một thời gian tìm kiếm, cuối cùng anh quyết định thuê của UBND huyện Duy Xuyên gần 10ha đất bạc màu ở khu vực Trường Đảng (thôn Phú Nhuận 2, xã Duy Tân) để hình thành mô hình trang trại chăn nuôi theo phương thức hàng hóa, an toàn dịch bệnh. Với thời hạn thuê đất 50 năm nên Sơn mạnh dạn bỏ vốn xây dựng các dãy chuồng, bên trong có hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống làm mát bởi quạt và ô thông gió nhằm cung cấp ô xy, điều hòa nhiệt độ phù hợp cho đàn vật nuôi. Bên cạnh đó là hệ thống máng ăn, máng uống cũng hoàn toàn tự động…
Xây dựng hoàn chỉnh cơ sở, Sơn bắt đầu thả nuôi 2 nghìn con gà siêu trứng. Bình quân mỗi tháng, trang trại của anh cung cấp ra thị trường 54 nghìn quả trứng, đạt tổng doanh thu 20 triệu đồng, trừ hết các khoản chi phí thì lãi ròng 14 triệu đồng. Áp dụng phương thức lấy ngắn nuôi dài, đến nay anh đã phát triển đàn gà siêu trứng lên 16 nghìn con, hằng năm doanh thu từ việc bán trứng đạt 7 tỷ đồng và lợi nhuận ít nhất 1 tỷ đồng. Sơn nói: “Ngoài việc bỏ cho các đầu mối trong tỉnh, tôi còn lập quầy bán trứng mang thương hiệu Đức Nghĩa ở một số chợ, siêu thị tại TP.Đà Nẵng. Vì vậy, đầu ra của sản phẩm cơ bản ổn định”.
Mỗi năm lãi 6 tỷ đồng từ chăn nuôi heo
Sau thành công của mô hình nuôi gà siêu trứng, Võ Ngọc Sơn tiếp tục đầu tư xây dựng chuồng trại trên khu đất gần 10ha ở thôn Phú Nhuận 2 (Duy Tân, Duy Xuyên) để sản xuất heo giống với quy mô 600 con nái có nguồn gốc từ Đài Loan. Cùng với đó, anh thuê 14ha đất gò đồi tại thôn Trà Đức (Đại Tân, Đại Lộc) rồi bỏ ra khoản tiền khá lớn xây dựng trang trại chăn nuôi heo thịt với các dãy chuồng khép kín cùng hệ thống xử lý nước thải bài bản. Anh cho biết, bình quân mỗi tháng trang trại bên xã Duy Tân có 100 - 150 con heo nái sinh sản và cho ra đời khoảng 1.200 con heo con. Với số heo con đó, anh bán ra thị trường 300 con, còn lại 900 con thì chuyển sang trang trại ở xã Đại Tân nuôi thịt. Cứ theo chu kỳ 3 - 4 tháng, Sơn xuất bán heo thịt thương phẩm và hầu như con nào cũng đạt trọng lượng 100kg hơi. Theo anh, với việc sản xuất heo con giống bán ra thị trường và chăn nuôi heo thịt, hằng năm anh thu về khoảng 50 tỷ đồng. Sau khi trả lương cho nhân công và trừ mọi chi phí đầu tư, Sơn lãi ròng 6 tỷ đồng.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình kinh tế của mình và giúp người dân giảm một phần chi phí đầu vào trong việc phát triển chăn nuôi, ngày 27.9 vừa qua, Võ Ngọc Sơn lập tổng đại lý chuyên cung cấp thức ăn cho heo, gà tại thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc. Theo dự tính của anh, bình quân mỗi tháng tổng đại lý này sẽ cung ứng cho người chăn nuôi các địa phương 300 - 500 tấn thức ăn với giá bán thấp hơn giá thị trường khoảng 20 nghìn đồng/bao, loại 25kg. Điều đáng nói là, không chỉ lo làm giàu cho bản thân, thời gian qua Sơn còn giúp nhiều thanh niên ở các huyện Thăng Bình, Núi Thành, Quế Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc phát triển mô hình chăn nuôi heo theo hình thức khép kín. Bên cạnh việc thu về khoản lãi 1 tỷ đồng từ trang trại gà siêu trứng và 6 tỷ đồng từ mô hình nuôi heo khép kín thì hàng năm Sơn còn thu nhập không dưới 700 triệu đồng từ dịch vụ cung ứng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và 10 ao lớn nuôi cá trê lai. Đồng thời anh tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 60 lao động với mức thu nhập bình quân 4 - 7 triệu đồng/người/tháng…
Để tăng quy mô sản xuất, tháng 3.2015, Võ Ngọc Sơn thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp & dịch vụ Duy Đại Sơn đóng chân trên địa bàn thôn Phú Nhuận 2 (Duy Tân, Duy Xuyên) với vốn điều lệ 6 tỷ đồng. Từ khi ra đời, HTX có cơ hội giao lưu với các đơn vị khác để nắm bắt nhu cầu của họ và nếu họ có ý định mở trang trại chăn nuôi thì anh sẵn sàng đặt vấn đề tiếp sức. Không chỉ vậy, HTX còn được tiếp cận dễ dàng với các kênh vốn ưu đãi để có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất…
Với những thành tích nổi bật của mình, năm 2015 Võ Ngọc Sơn vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, được trao giải thưởng Lương Định Của và nhận bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
HOÀI NHI