"Thủ tiêu" rác thải nhựa

QUỐC HẢI 17/02/2023 08:16

TP.Hội An đặt mục tiêu mỗi năm giảm từ 13 - 15% rác thải nhựa ra môi trường, đến năm 2025 trên địa bàn sẽ không phát sinh rác thải nhựa sử dụng một lần.

Cộng đồng doanh nghiệp vận động các cơ sở dịch vụ ”Nói không với rác thải nhựa”. Ảnh: Q.Hải
Cộng đồng doanh nghiệp vận động các cơ sở dịch vụ ”Nói không với rác thải nhựa”. Ảnh: Q.Hải

Vận hành nhiều mô hình

Tháng 10/2022, UBND TP.Hội An tổ chức ra mắt mô hình “Trạm đong đầy” tại chợ Hội An - một giải pháp mua sắm không phát sinh bao bì, gia tăng vòng đời của rác, đặt biệt là rác thải nhựa.

Hơn 100 tiểu thương đại diện các ngành hàng kinh doanh tại chợ Hội An đã mang chai nhựa sạch đến để đong đầy sản phẩm nước rửa chén; mang chai nhựa, bao ny lon đổi rác lấy quà tặng là những vật dụng tái chế, gần gũi với sinh hoạt hằng ngày; mang điện thoại để được hướng dẫn sử dụng ứng dụng Noda bảo vệ môi trường, tham gia chuỗi cung cầu các sản phẩm có chất lượng và giảm thiểu tác động tới môi trường sống.

Chị Minh Hoa (tiểu thương chợ Hội An) nói: “Khi lãnh đạo UBND thành phố, Phòng Kinh tế, Ban Quản lý chợ, đại diện bà con tiểu thương và doanh nghiệp bắt tay cam kết đồng hành thực hiện chương trình cộng đồng giảm thiểu sản phẩm nhựa dùng một lần, tôi tin là sẽ giảm thật nhanh rác thải nhựa ra môi trường, nhất là tại chợ”.

Không chỉ ở chợ, các mô hình Refillables, du lịch xanh dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hội đoàn thể tổ chức đổi rác thải nhựa… đã được áp dụng tại Hội An.

Trong đó, 5 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tiên phong trong khu phố cổ là trà thảo mộc - Mót, cửa hàng cà phê 92 Trần Phú, café Faifo, cửa hàng cà phê rang xay Roastery và nhà hàng Vĩnh Hưng đã thực hiện mô hình “Đặt cọc - hoàn trả”.

Theo đó, người mua trả một khoản đặt cọc nhất định khi mua một mặt hàng, khoản đặt cọc này được cộng vào giá sản phẩm. Trong mô hình đơn giản này, nơi thu lại vỏ sản phẩm là nơi mà khách hàng đã mua sản phẩm trước đó.

Khi trả lại vỏ sản phẩm, người mua sẽ được người bán trả lại tiền đặt cọc hoặc phiếu mua hàng (voucher) tương ứng với giá trị tiền đặt cọc ban đầu.

 

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Trưởng phòng TN-MT TP.Hội An cho biết: “Mô hình này rất phù hợp để triển khai đối với các doanh nghiệp kinh doanh nước giải khát trong khu phố cổ.

Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương (PE), Liên minh không rác Việt Nam (VNZA) và Công ty TNHH Lon nước giải khát TBC-Ball cùng với UBND thành phố cũng đã hỗ trợ 5 doanh nghiệp này 600 ly Inox, ly tre tái sử dụng và quảng bá tuyên truyền, nhận dạng thương hiệu”.

Quyết tâm giảm thiểu rác thải nhựa

Rác thải phát sinh tại thành phố du lịch như Hội An mỗi ngày gần 100 tấn và ngày càng nhiều thêm; trong đó lượng rác thải nhựa dùng một lần chiếm 15 - 23% tổng khối lượng. Vì thế, ngay từ năm 2020, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch hành động với mục tiêu tất cả cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ny lon khó phân hủy.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết: “UBND thành phố đề nghị toàn thể các cấp, ngành cùng chung tay thực hiện. Thành ủy Hội An cũng ban hành chỉ thị, chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện cắt giảm sử dụng vật dụng nhựa dùng một lần, tiến tới không sử dụng. Chúng tôi khuyến khích các cơ quan, tổ chức sử dụng sản phẩm, vật liệu thay thế thân thiện với môi trường thay cho túi ny lon, chai nhựa”.

Đến nay, tất cả cơ quan, ban ngành, đoàn thể và 13 xã phường ở Hội An đã không còn sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cuộc họp. Thành phố phấn đấu các cửa hàng, chợ, siêu thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; mỗi năm giảm từ 13 - 15%, để đến năm 2025, trên địa bàn Hội An không còn phát sinh rác thải nhựa sử dụng một lần.

UBND thành phố cũng phối hợp với Hiệp hội Du lịch Quảng Nam xây dựng kế hoạch hành động chung của ngành du lịch - dịch vụ, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp cũng như du khách nhằm hạn chế và giảm thiểu đồ nhựa sử dụng một lần.

“Biến rác thải thành những sản phẩm du lịch rất dễ, nếu chúng ta suy nghĩ sáng tạo hơn. Hiện du khách có nhu cầu trải nghiệm cao, vì thế chúng ta có thể cho du khách trải nghiệm việc phân loại rác, cùng biến rác thải nhựa thành sản phẩm tái chế phục vụ ngành du lịch để tạo ra giá trị tăng thêm. Các doanh nghiệp tại Hội An đang làm vậy” - ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam chia sẻ.

Đánh giá cao chương trình hành động của Hội An trong mục tiêu bảo vệ môi trường, trong đó có công tác giảm thiểu rác thải nhựa, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói: “Hội An cần có biện pháp vừa tạo sự nhận thức trong cộng đồng vừa vận động các doanh nghiệp sản xuất vật liệu thay thế.

Thứ hai là phải đưa vào các chương trình giáo dục trong nhà trường và thứ ba là tạo điều kiện cho các hiệp hội ngành nghề tham gia. Ví dụ Hiệp hội Du lịch và các hiệp hội khác có trách nhiệm vận động và tổ chức cho thành viên ký kết các chương trình hành động cụ thể trong phong trào giảm thiểu rác thải nhựa này”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Thủ tiêu" rác thải nhựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO