Những bức thư tình đã nhòe mực vẫn được vợ chồng cô giáo Nguyễn Thị Hoa và anh Đặng Mộng Linh (khối phố Hà My Trung, Điện Dương, Điện Bàn) nâng niu, trân trọng. Hơn 40 năm trước, ở chiến trường K, có một anh bộ đội hàng ngày mong thư cô giáo văn hay chữ đẹp.
Vợ chồng cô Nguyễn Thị Hoa ôn lại kỷ niệm xưa.Ảnh: H.V |
Đang mang trong mình bạo bệnh, nhưng gương mặt cô Nguyễn Thị Hoa, nguyên giáo viên dạy văn Trường THCS Lê Ngọc Giá (Điện Dương) sáng bừng hạnh phúc khi nhớ về một thời yêu đương.
Tỏ tình qua cánh thư
Quê gốc Điện Phong, Điện Bàn, con của một cán bộ tập kết ra Nghệ An và lấy vợ ở đó, cô Nguyễn Thị Hoa luôn mong trở về quê hương. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Nẵng năm 1979, cô xin về Điện Bàn và được phân công giảng dạy ở vùng cát Điện Dương. Dồn tâm huyết cho những học trò “lớp nhỏ tuổi lớn” bởi bị thất học trong chiến tranh, cô Hoa không ngờ mình tìm thấy tình yêu ngay trên mảnh đất này. Đó là một ngày anh học viên của Trường Sĩ quan thông tin xuất hiện trong chuyến về phép. Thời ấy, con trai miền Nam vốn e ngại con gái miền Bắc. Thêm nữa, anh là người vùng biển Điện Dương “ăn sóng nói gió” không biết xã giao những câu lãng mạn trước cô giáo dạy văn. Vậy mà được sự vun vào của thầy hiệu trưởng và bạn đồng nghiệp, cặp đôi đã dần cảm mến.
Anh Đặng Mộng Linh đưa mắt nhìn ấm áp người bạn đời của mình: “Đang là sinh viên Trường Trung cấp Y tế Tam Kỳ, khi Pol Pot gây hấn ở biên giới Tây Nam, tôi đã viết đơn bằng máu để xin vào bộ đội và được đi học sĩ quan. Sau chuyến về phép và được gặp Hoa, tôi sang làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia trong đội hình Tiểu đoàn 2 thông tin. Chứng kiến đồng đội hy sinh trong các đợt truy quét, những gian khổ, ác liệt của ngày đầu qua đất bạn làm tôi phân vân mỗi khi cầm bút viết thư về. Liệu mình có nên để một cô gái trẻ xinh đẹp chờ đợi miên man hay không? Và rồi nỗi nhớ đã thắng, tôi quyết định tỏ tình qua bức thư đầu tiên từ Strung Treng…”.
Người cựu sĩ quan thông tin kể, anh viết thư cho người yêu sau này là vợ mình không nhiều như cô viết cho anh. Lẽ nào lại kể chuyện chiến trường ác liệt cho hậu phương thêm lo lắng. Cả khi bị sốt rét suýt chết ở bệnh viện anh cũng giấu bặt. Nhớ nhất là chuẩn bị cho đợt phản kích cuối cùng đánh cao điểm 547 ở Preah Vihear năm 1984, Thiếu tướng Phan Thanh Dư - Phó Tư lệnh Mặt trận 579 lệnh cho anh (lúc này là Tham mưu trưởng Tiểu đoàn) từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều phải chỉ huy lực lượng thông tin rải dây từ Chỉ huy Mặt trận đến Sư đoàn 2 với chiều dài gần một trăm cây số. Nắm chắc địa hình và tính toán tọa độ chuẩn xác, anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần để chiến dịch thành công như kế hoạch đề ra.
Sau chiến dịch, phần thưởng đơn vị dành cho anh là chuyến về phép. Và tình yêu qua những cánh thư đã đơm hoa bằng một lễ cưới đơn giản nhưng ấm áp. Cưới xong anh phải gấp rút trở lại đơn vị để chuẩn bị cho chiến dịch mới...
Bức thư cô giáo Nguyễn Thị Hoa gửi qua chiến trường K cho chồng hơn 40 năm trước. Ảnh: H.V |
Lung linh niềm thương nhớ
...những câu thơ của Chế Lan Viên cô từng dạy cho học trò đã được cải biên gửi vấn vương qua xứ Chùa Tháp: “Anh yêu thương! Cái rét đầu mùa, cái rét xa anh. Đêm dài lạnh chăn chia làm hai nửa. Nửa đắp cho em nơi miền sóng vỗ. Còn nửa kia ai đắp phía không anh”. |
Mấy tháng trời phục vụ Mặt trận tiến công vào dãy Đăng-rếch, anh không có điều kiện viết thư về nên khi nhận thư cô gửi qua là những trách hờn, yếu đuối. Bởi lẽ người vợ mới cưới sau đợt về phép vội vã chưa kịp bén hơi chồng: “Anh ơi, đáng lẽ những ngày này phải mở đầu cho chuỗi ngày hạnh phúc, chúng ta phải được hưởng một cách trọn vẹn qua năm đợi tháng chờ, trải qua sóng gió trong tình yêu và cuộc sống. Nhưng cái hạnh phúc ấy cả anh và em chỉ được hưởng trong niềm thương nỗi nhớ của tháng ngày xa cách mà thôi…”.
Giận hờn cứ thế nhân lên dù cô giáo ở quê đã cố tỏ ra cứng cỏi: “Chẳng bao lâu nữa lại là tết. Cái hy vọng mà em từng nuôi kín trong lòng đã dần sụp đổ khi tết này khả năng anh không được về. Hàng ngày em vẫn tự an ủi mình bằng cách xua cái hiện tại là tạm thời, cái tương lai mới là vĩnh cửu: Khi mỗi ngày ta biết sống vì nhau. Đời lại đẹp theo dòng thơ ta viết…” Và đây nữa, những câu thơ của Chế Lan Viên cô từng dạy cho học trò đã được cải biên gửi vấn vương qua xứ Chùa Tháp: “Anh yêu thương! Cái rét đầu mùa, cái rét xa anh. Đêm dài lạnh chăn chia làm hai nửa. Nửa đắp cho em nơi miền sóng vỗ. Còn nửa kia ai đắp phía không anh”.
Khi được hỏi anh có phải là người hạnh phúc nhất không khi mà thư cô giáo cứ thao thiết và ngọt ngào đến thế, anh Linh cười: “Đúng vậy đấy, hàng mấy chục lá thư suốt 7 năm tôi làm nhiệm vụ ở nước bạn thực sự là nguồn động lực vô giá không chỉ với tôi mà là cả anh em trong đơn vị. Mỗi lần thư Hoa gửi đến đồng đội đều đọc, thấy quê hương gần gũi hơn và thêm yên tâm tại ngũ”.
Cô gái mang lại niềm vui bằng những cánh thư cho cả đơn vị ngày ấy bây giờ đã lên chức bà của hai cháu nội, ngoại. Nhớ lại một thời thanh xuân, cô Nguyễn Thị Hoa hóm hỉnh: “Hồi đó viết thư qua chiến trường cũng tính chuyện “trừ hao”, cứ gửi nhiều lỡ không tới cái này thì dính lá thư kia. Không ít lần mình phải lên huyện nhận lại thư hoàn trả vì không gửi qua được, nhất là thời gian bên ấy có chiến dịch. Có lúc mấy tháng trời không biết tin anh ấy thế nào, chỉ ôm con khóc thầm, cầu mong anh bình yên trở về”.
Năm 1986, Thượng úy Đặng Mộng Linh được đơn vị cho về nước, từ đó chuyển ngành làm việc ở Điện Bàn, gần gũi, chăm sóc vợ con. Anh đã được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất của Campuchia. Sau khi về hưu, cặp vợ chồng đều có hơn 30 năm tuổi Đảng này bận bịu không ngơi nghỉ với việc xã hội.
Những bức thư tình đã hư hao trong trận lụt lịch sử năm 1999 vẫn còn đó với những hàng chữ chân phương, tím màu thủy chung và biếc xanh hy vọng. Màu mực ấy cứ lung linh thương nhớ trong trái tim anh bộ đội và cô giáo năm nào.
HỒNG VÂN